Soạn bài Chiếc thuyền ngoài xa - ngắn nhất Cánh diều
Soạn bài Thực hành đọc hiểu: Chiếc thuyền ngoài xa trang 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 12 Cánh diều giúp học sinh soạn văn 12 dễ dàng hơn.
Soạn bài Chiếc thuyền ngoài xa - Cánh diều
1. Chuẩn bị
Yêu cầu (trang 20 sgk Ngữ văn 12 Tập 1):
- Đọc trước truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, tìm hiểu thêm thông tin về tác giả Nguyễn Minh Châu.
Trả lời:
- Nguyễn Minh Châu (1930 – 1989)
- Quê làng Thơi, xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
- Ông là nhà văn quân đội, ông từng viết và chiến đấu tại nhiều chiến trường, sau chiến tranh, ông về công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân đội.
- Năm 1960 ông bắt đầu viết văn và có những đóng góp đáng kể cho văn học kháng chiến chống Mĩ.
- Sau 1975, đặc biệt từ 1980 của thế kỉ XX, Nguyễn Minh Châu là cây bút tiên phong trong phong trào đổi mới văn học.
- Ông mất năm 1989, khi những trăn trở về đổi mới nghệ thuật còn dang dở.
- Phong cách nghệ thuật của ông là phong cách tự sự - triết lý đậm nét.
- Các tác phẩm chính của ông là: Sau một buổi tập (1960); Cửa sông (1966), Dấu chân người lính (1972), Miền cháy (1977), Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983), Bến quê (1985), Phiên chợ Giáp (1989),…
2. Đọc hiểu
* Nội dung chính: Văn bản đề cao khát vọng tìm kiếm, phát hiện, tôn vinh những vẻ đẹp tiềm ẩn của con người. Đồng thời cũng đề cao vẻ đẹp của một cốt cách nghệ sĩ mẫn cảm, đầy chiêm nghiệm lẽ đời để rút ra những triết lý nhân sinh sâu sắc, đặt ra những vấn đề có ý nghĩa với mọi thời, mọi người.
* Trả lời câu hỏi giữa bài
Câu 1 (trang 26 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Sự xuất hiện của hai nhân vật có bất ngờ không? Dự đoán về hành động của họ
Trả lời:
- Sự xuất hiện của hai nhân vật rất bất ngờ đã phá tan đi khung cảnh đẹp trước mắt người nghệ sĩ.
- Dự đoán: Họ sẽ cãi nhau và gây náo loạn cả một khu đó.
Câu 2 (trang 26 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Cảnh tượng này đem lại cho em suy nghĩ gì?
Trả lời:
- Cảnh tượng này đem lại cho em cảm giác sợ hãi, run sợ trước sự hung ác của người đàn ông.
Câu 3 (trang 27 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Chú ý những hành động của chú bé Phác với người mẹ.
Trả lời:
- Chú bé Phác đã đưa những ngón tay khẽ sờ lên khuôn mặt người mẹ như muốn lau đi những giọt nước mắt. Hành động này chứng tỏ chú bé Phác rất thương mẹ, hiểu những gì người mẹ của mình đã phải trải qua.
Câu 4 (trang 28 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Sự tương phản trong chân dung của mẹ và con gái đem lại cho em suy nghĩ gì?
Trả lời:
- Làm em suy nghĩ về sự hi sinh của người mẹ, người mẹ hiện lên với hình ảnh xấu xí mệt mỏi bao nhiêu, người con yêu kiều xinh đẹp bấy nhiêu. Chứng minh người mẹ ôm hết những vất vả lo toan vào mình để người con có một hoàn cảnh sống tốt nhất.
Câu 5 (trang 29 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Chú ý những cử chỉ, hành động vái lạy quý tòa của người đàn bà.
Trả lời:
Người đàn bà hướng về phía Đẩu, tự nhiên chắp tay vái lia lịa:
- Con lạy quý tòa…
- Sao, sao?
- Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó…
=> Người đàn bà dùng tất cả những gì có thể làm bỏ hết thể diện tôn ti của con người, quỳ lạy để mong rằng tòa không bắt người đàn bà bỏ chồng.
Câu 6 (trang 30 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Chú ý những thay đổi trong thái độ của người đàn bà.
Trả lời:
Người đàn bà trong phút chốc khi kể về chuyện gia đình mình lại chuyển về một người đàn bà lúng túng đầy sợ sệt.
Câu 7 (trang 31 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Thử suy đoán về điều “vừa vỡ ra trong đầu” vị chánh án.
Trả lời:
- Suy đoán: Vị chánh án nhận ra điều thực tế trong cuộc sống, có những việc tưởng xấu nhưng thực sự không hề xấu, không thể dùng những quy luật bình thường áp dụng vào tất cả mọi việc. Phải xét theo hoàn cảnh và mong muốn của mỗi người đó.
Câu 8 (trang 32 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Tại sao hình ảnh con thuyền giữa sóng gió được lặp lại trong đoạn văn này?
Trả lời:
- Hình ảnh con thuyền giữa sóng gió được lặp lại để nhấn mạnh hiện thực cuộc sống. Cuộc sống không phải lúc nào cũng yên bình mà sẽ có những lúc sóng gió. Với những lúc như vậy, gia đình của người đàn bà rất cần sự gánh vác, chống đỡ của người đàn ông.
* Trả lời câu hỏi cuối bài
Câu 1 (trang 33 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Truyện Chiếc thuyền ngoài xa có thể chia làm mấy phần? Lập sơ đồ về mối quan hệ giữa các nhân vật trong đoạn trích.
Trả lời:
- Bố cục:
+ Phần 1: Từ đầu đến "chiếc thuyền lưới vó đã biến mất": Hai phát hiện của người nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng.
+ Phần 2: Còn lại: Câu chuyện của người đàn bà hàng chài.
- Sơ đồ về mối quan hệ giữa các nhân vật trong đoạn trích.
+ Các nhân vật: Phùng, Chánh án Đẩu, Vợ chồng hàng chài, cậu bé Phác.
+ Mối quan hệ gia đình: Vợ chồng hàng chài, cậu bé Phác.
+ Mối quan hệ: Phùng, Chánh án Đẩu, Vợ chồng hàng chài – thấy bất bình đứng ra giúp đỡ.
Câu 2 (trang 33 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Câu chuyện được kể từ điểm nhìn của ai? Ý nghĩa của việc lựa chọn điểm nhìn này.
Trả lời:
- Câu chuyện được kể từ điểm nhìn của nhân vật Phùng.
- Ý nghĩa của việc lựa chọn là: Để thấy được sự thay đổi trong quan điểm của Phùng, một người nghệ sĩ yêu cái đẹp, luôn hướng tới cái hoàn hảo nhưng khi gặp và hiểu được hoàn cảnh của gia đình người đàn bà hàng chài, anh đã nhận ra được bài học trong cuộc sống và cũng là sự nghiệp cuộc đời nghệ sĩ của anh.
Câu 3 (trang 33 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Phân tích sự biến đổi trong cảm nhận của Phùng về những ngư dân trong tác phẩm.
Trả lời:
- Khi chứng kiến cảnh bạo lực gia đình, nghệ sĩ Phùng đã cay đắng, xót xa nhận ra một cảnh đời ngang trái, bi kịch trong gia đình thuyền chài.
- Khi gặp người đàn bà trên tòa án:
+ Nghệ sĩ Phùng, khi nghe câu nói của người đàn bà, anh cảm thấy “ngột ngạt”, khó thở vì quá bất ngờ trước quyết định của chị.
+ Anh đã nhận ra đằng sau cái vẻ cam chịu, nhịn nhục, đáng thương của người đàn bà hàng chài là cả một tấm lòng vị tha và giàu đức hi sinh của chị. Chị nói: “đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình”.
=> Người nghệ sĩ không thể nhìn đời một cách đơn giản, cần phải nhìn nhận cuộc sống và con người trong mối quan hệ đa dạng, nhiều chiều thì mới phản ánh đúng về con người và cuộc sống.
Câu 4 (trang 33 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Phân tích tính đa diện trong tính cách của người đàn bà hàng chài.
Trả lời:
- Khi bị chồng bạo hành: Người đàn bà thể hiện sự cam chịu, chịu đựng.
- Khi con xông vào đánh bố chị đau đớn, khuyên can không cho con làm vậy.
- Khi được yêu cầu bỏ thì người đàn bà hết mực cầu xin, quỳ lạy.
- Khi được yêu cầu kể lại mọi chuyện chị rất tự tin kể lại mọi chuyện.
- Khi nhắc đến những đứa con và khoảnh khắc cả nhà hạnh phúc, người đàn bà rất vui vẻ tự hào.
=> Thể hiện sự sâu sắc, sự trải nghiệm hiểu biết nhiều điều thực tế trong cuộc sống.
Câu 5 (trang 33 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Chỉ ra tính đối thoại trong cái nhìn của người đàn bà hàng chài với cái nhìn của Phùng và Đẩu. Từ đó nêu lên chủ đề của tác phẩm.
Trả lời:
- Tính đối thoại được thể hiện: Trong lúc ở tòa án, ngoài việc trao đổi lời nói, qua ánh nhìn của hai bên thể hiện rõ hành động cảm xúc lời nói của họ.
=> Chủ đề: Từ tính đối thoại trong cái nhìn chúng ta nhận ra chủ đề của tác phẩm là về những thân phận trớ trêu của con người và gửi gắm chiêm nghiệm sâu sắc của tác giả về nghệ thuật. Nghệ thuật chân chính phải luôn luôn gắn bó với cuộc đời và vì cuộc đời và cần phải nhìn nhận cuộc sống và con người một cách đa diện.
Câu 6 (trang 33 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Hãy trình bày quan điểm của em về sự lựa chọn cách sống của người đàn bà hàng chài.
Trả lời:
Việc lựa chọn cách sống của người đàn bà hàng chài thể hiện vẻ đẹp của tình mẫu tử thiêng liêng, vẻ đẹp của sự nhẫn nhịn, cam chịu và tấm lòng bao dung sâu sắc của một người phụ nữ. Đối với việc bị đánh đập tàn nhẫn của người chồng vũ phu, người đàn bà làng chài không than trách, không kết tội, mà trái lại chị có phần thấu hiểu, cảm thông và bào chữa cho chồng.