X

Soạn văn 12 Cánh diều

Soạn bài Tri thức Ngữ văn trang 12 - ngắn nhất Cánh diều


Soạn bài Tri thức Ngữ văn trang 12, 13 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 12 Cánh diều giúp học sinh soạn văn 12 dễ dàng hơn.

Soạn bài Tri thức Ngữ văn trang 12 - Cánh diều

1. Truyện truyền kì

- Là một thể loại tự sự của văn học trung đại, tiếp thu từ văn học Trung Quốc. Tuy là văn học viết nhưng truyện truyền kì dựa trên truyền thống tự sự dân gian. Thường bắt gặp trong truyện truyền kì mô típ người hoá thần, người chết sống lại...; nhân vật có sự tương giao giữa thần và người, cõi sống và cõi chết...; cũng có khi là sự vay mượn hoặc phỏng theo cốt truyện dân gian. Truyện truyền kì thường dùng cái “kì” để nói cái “thực”. Tác phẩm truyền kì viết về những câu chuyện xảy ra trong quá khứ, thường mượn “xưa” để nói “nay". Những yếu tố kì ảo trong truyện truyền kì vừa khiến cho câu chuyện thêm hấp dẫn, thú vị vừa kín đáo phản ánh hiện thực và bộc lộ thái độ của người viết. Một số truyện thường có lời bình mang hàm ý khuyên răn hoặc nêu lên một bài học trong cuộc sống.

Ở các giai đoạn văn học sau này, yếu tố kì ảo vẫn có thể được sử dụng như một thủ pháp để thể hiện tư tưởng, chủ đề của tác phẩm.

2. Mối quan hệ giữa truyện truyền kì với truyện cổ dân gian

- Truyện truyền kì và truyện cổ dân gian cùng có chung mô hình về thế giới: sự song song tồn tại có tác động qua lại của thế giới người (cõi trần) và thần tiên, ma quỷ (thiên đình, cõi âm). Tuy nhiên, khác với truyện cổ dân gian, truyện truyền kì là thể loại văn học viết, nơi mà vai trò của cá tính sáng tạo đã hiện diện. Vì thế, các tác giả truyện truyền kì không chỉ tiếp thu những mô típ kì ảo của truyện cổ dân gian mà còn cải biến một cách sáng tạo những mô típ này để gửi gắm những tâm sự, những cách nhìn riêng, độc đáo về đời sống.

3. Giá trị nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ của văn học

- Về cơ bản, qua quá trình tiếp nhận tác phẩm, văn học giúp người đọc hiểu về đời sống hiện thực khách quan, hiểu người khác và hiểu chính mình (giá trị nhận thức), từ đó góp phần hình thành hoặc làm biến đổi một cách tự nhiên hệ giá trị, chuẩn mực đạo đức (giá trị giáo dục) của người đọc. Bên cạnh đó, thông qua quá trình tiếp xúc của người đọc với thế giới hình tượng, tác phẩm văn học đem lại khoái cảm về cái đẹp (giá trị thẩm mĩ). Trên thực tế, các giá trị nhận thức – giáo dục – thẩm mĩ đan bện với nhau và được tiếp nhận đồng thời trong quá trình người đọc tiếp xúc với tác phẩm. Chính vì thế, văn học có tác động nhiều mặt và sâu sắc đến người đọc.

4. Ngôn ngữ trang trọng và ngôn ngữ thân mật

– Ngôn ngữ trang trọng là kiểu ngôn ngữ thường được sử dụng trong các giao tiếp liên quan đến công việc chung như thuyết trình, giảng dạy, trao đổi ý kiến trong cuộc họp, phát biểu ý kiến trong lớp học... hoặc viết báo cáo, đơn từ, làm bài, viết bài nghiên cứu... Ngôn ngữ trang trọng thường được gọt giũa cẩn thận. Từ ngữ và kiểu câu trong ngôn ngữ trang trọng phải bảo đảm chuẩn mực về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và phong cách. Ngôn ngữ trang trọng ưu tiên sử dụng từ ngữ toàn dân với nghĩa chính thống và lịch sự, không sử dụng tiếng lóng, từ thông tục; ít sử dụng câu đặc biệt, câu rút gọn...

– Ngôn ngữ thân mật là kiểu ngôn ngữ thường được sử dụng trong phạm vi các giao tiếp hằng ngày như trò chuyện với bạn bè, người thân hoặc viết tin nhắn, viết thư cho bạn bè, người thân, viết nhật kí cá nhân... Ngôn ngữ thân mật thường sử dụng các từ ngữ có sắc thái gần gũi, dân dã, phù hợp với mối quan hệ giữa các đối tượng giao tiếp. Kiểu câu trong ngôn ngữ thân mật cũng đa dạng, bao gồm cả câu đặc biệt, câu rút gọn...

– Trong thực tế sử dụng ngôn ngữ, chúng ta có thể kết hợp ngôn ngữ trang trọng và ngôn ngữ thân mật. Ngôn ngữ trang trọng đảm bảo tính lịch sự, quy thức của cuộc giao tiếp; còn ngôn ngữ thân mật lại gia tăng yếu tố tình cảm, xoá bỏ hoặc thu gọn khoảng cách giữa các đối tượng giao tiếp.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 12 Cánh diều ngắn nhất, hay khác: