Soạn bài Tri thức Ngữ văn trang 81 - ngắn nhất Cánh diều
Haylamdo soạn bài Tri thức Ngữ văn trang 81 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 12 Cánh diều giúp học sinh soạn văn 12 dễ dàng hơn.
Soạn bài Tri thức Ngữ văn trang 81 - Cánh diều
1. Nhật kí, phóng sự, hồi kí
Nhật kí, phóng sự, hồi kí là những thể của kí nhưng có những yếu tố đặc trưng riêng.
- Nhật kí ghi chép theo thứ tự ngày tháng về những sự kiện của đời sống mà tác giả là người trực tiếp tham gia hay chứng kiến; thường bộc lộ suy nghĩ, thái độ và đánh giá của người viết về con người, cuộc đời và chính bản thân mình.
- Phóng sự ghi chép kịp thời, cụ thể những sự việc, con người nhằm làm sáng tỏ trước công luận về vấn để đặt ra từ bài viết. Vấn đề nêu lên trong bài phóng sự thường liên quan đến hoạt động và số phận của một hoặc nhiều người, có ý nghĩa thời sự đối với xã hội. “Là một thể loại phi hư cấu, phóng sự còn mang yếu tố chính luận: câu chuyện kể về các sự kiện được xen kẽ với những suy nghĩ và bình luận ngoại đề của tác giả. Đặc biệt, chủ kiến của nhà văn bộc lộ rõ trong phóng sự văn học.”
- Hồi kí ghi lại những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ mà tác giả là người trực tiếp tham gia hoặc chứng kiến. Do sự cách quãng của thời gian diễn ra sự kiện nên hồi kí không ghi chép tỉ mỉ hằng ngày như nhật kí mà chỉ ghi chép dựa trên ấn tượng và hồi ức của cá nhân người viết. Dù là những ghi chép cá nhân nhưng hồi kí cần bảo đảm tính khách quan, chính xác về sự kiện, nhân vật, thời gian, địa điểm,... Hồi kí của những nhân vật có vị trí xã hội (nhà hoạt động chính trị, nhà khoa học, nhà văn lớn, nghệ sĩ nổi tiếng,...) là những tư liệu lịch sử quý giá, có ý nghĩa và tác động xã hội rất lớn,...
2. Tính phi hư cấu và một số thủ pháp nghệ thuật trong nhật kí, phóng sự, hồi kí
Với nhiệm vụ ghi chép những sự kiện xác thực của đời sống, cả nhật kí, phóng sự và hồi kí đều có sự kết hợp giữa tính phi hư cấu với một số thủ pháp nghệ thuật như miêu tả, trần thuật,... Tính phí hư cấu của tác phẩm thể hiện ở những sự kiện có thực (về thời gian, địa điểm, số liệu,...) mà người viết đã trực tiếp tham gia hay chứng kiến. Thủ pháp nghệ thuật miêu tả kết hợp với trần thuật giúp sự kiện và con người trong tác phẩm hiện lên sinh động. Sự kết hợp giữa chi tiết, sự kiện hiện thực với trải nghiệm, thái độ và đánh giá của người viết khiến nhật kí, phóng sự và hồi kí không chỉ làm tròn chức năng thông tin mà còn chứa đựng tư tưởng. Đọc nhật kí, phóng sự, hồi kí, ta không chỉ thấy được sự kiện mà còn biết những vấn để mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, hiểu được về hoàn cảnh, tính cách và số phận nhân vật.
Ở thể nhật kí, người viết thường ghi lại sự kiện, cảm nghĩ “vừa mới xảy ra” của cá nhân, thường sử dụng hình thức trần thuật ngôi thứ nhất, số ít. Nhật kí là thể độc thoại, song lời độc thoại của tác giả hoặc nhân vật lại có thể là cuộc đối thoại ngầm với người khác về con người, cuộc đời và chính bản thân mình. Ví dụ: Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm là những dòng ghi chép hàng ngày về cuộc sống nơi tuyến đầu chống Mỹ cứu nước của nữ bác sĩ Đặng Thuy Trâm. Nhật kí Một lít nước mắt cũng là những dòng ghi chép chân thực, xúc động về cuộc sống và suy nghĩ của Ki-tô A-ya - một nữ sinh trung học phổ thông người Nhật Bản mắc bệnh nan y.
Ở thể phóng sự, người viết thường bám sát hiện thực đời sống, phát hiện những sự việc, vấn đề gay cấn, có ý nghĩa thời sự để điều tra, phòng vấn, đối thoại, ghi chép,.... nhằm cung cấp cho công chúng những bằng chứng xác thực, cụ thể để họ có thể đánh giá dùng người và việc mà họ đang quan tâm theo dõi. Ví dụ: Trong phóng sự Khúc tráng ca nhà giàn, tác giả Xuân Ba đã ghi chép một cách chân thực, cảm động về cuộc sống khó khăn, gian khổ, nhiều mất mát, hi sinh và cũng rất đáng tự hào của những cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn ở quần đảo Trường Sa.
Ở thể hồi kí, người viết thường kể lại những sự kiện dựa trên ấn tượng, hồi ức của cá nhân và chính những ấn tượng, cảm tưởng trực tiếp của tác giả lại có giá trị như một tài liệu xác thực, đáng tin cậy. Ví dụ: Trong hồi kí Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại toàn bộ diễn biến chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, trong đó có “Quyết định khó khăn nhất” về phương châm tác chiến mà ông đã thực hiện.