Soạn bài Luyện tập tổng hợp trang 132 - ngắn nhất Kết nối tri thức
Haylamdo sưu tâm và biên soạn bài Luyện tập tổng hợp trang 132 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 9 Kết nối tri thức giúp học sinh soạn văn 9 dễ dàng hơn.
Soạn bài Luyện tập tổng hợp trang 132 - Kết nối tri thức
Phiếu học tập số 1
1. Đọc
a. Đọc văn bản
Đọc hiểu văn bản: Bến đò trưa hè – Anh Thơ (trang 132 sgk Ngữ văn 9 Tập 2)
b. Thực hiện các yêu cầu bên dưới
* Chọn phương án đúng (làm vào vở)
Câu hỏi 1 (trang 133 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Bài thơ “Bến đò trưa hè” thuộc thể thơ nào?
A. Thơ sáu chữ
B. Thơ bảy chữ
C. Thơ tám chữ
D. Thơ tự do
Trả lời
Chọn đáp án C.
Câu hỏi 2 (trang 133 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Những yếu tố nào giúp em nhận biết được thể thơ của bài thơ “Bến đò trưa hè”?
A. Số chữ trong các dòng thơ
B. Số khổ trong bài thơ
C. Cách ngắt nhịp của dòng thơ
D. Cách gieo vần trong bài thơ
Trả lời
Chọn đáp án A.
Câu hỏi 3 (trang 133 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ “Mây đi vắng trời xanh buồn rộng rãi”
A. Đảo ngữ
B. So sánh
C. Nói giảm nói tránh
D. Nhân hóa
Trả lời
Chọn đáp án D.
Câu hỏi 4 (trang 132 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Dòng nào liệt kê các từ láy được dùng trong bài thơ?
A. Rộng rãi, uể oải, vắng lặng, tăm hơi
B. Rộng rãi, uể oải, vắng lặng, vòi vọi
C. Rộng rãi, uể oải, vòi vọi, tăm hơi
D. Rộng rãi, uể oải, vòi vọi, xa xa
Trả lời
Chọn đáp án D.
Câu hỏi 5 (trang 133 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Dòng nào nêu đúng nội dung cảm xúc của bài thơ?
A. Cảm xúc phấn chấn trước cảnh thiên nhiên và cuộc sống.
B. Cảm xúc đượm buồn trước cảnh sắc nơi thôn dã
C. Cảm xúc bi thiết trước thiên nhiên và đời sống con người
D. Cảm xúc buồn thương trước cảnh sắc nơi thôn dã
Trả lời
Chọn đáp án B.
* Trả lời câu hỏi.
Câu 1 (trang 133 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Bài thơ có bố cục như thế nào?
Trả lời
- Bố cục: 3 phần tương ứng với 3 khổ thơ.
Câu 2 (trang 133 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Phong cảnh làng quê Việt Nam một thời được khắc họa rõ nét nhất qua những hình ảnh nào trong bài thơ?
Trả lời
- Phong cảnh làng quê Việt Nam một thời được khắc họa rõ nét nhất qua những hình ảnh: Đa ngâm rễ; Trong quán nước ẩn hàng bên giậu duối; ngồi nghe vòi vọi; Dắt ngựa chờ rong.
Câu 3 (trang 133 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Cảnh thiên nhiên nơi bến đò trưa hè gợi cho em ấn tượng gì?
Trả lời
- Cảnh thiên nhiên nơi bến đò trưa hè gợi cho em hình dung một khung cảnh làng quê thật yên bình, vắng lặng với những cảnh vật quen thuộc với mỗi người. Từ đó khơi gợi mỗi chúng ta nỗi nhớ về những ngày ở quê yên bình.
Câu 4 (trang 133 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Em có nhận xét gì về mối quan hệ giữa đặc điểm của bức tranh thiên nhiên và nhịp sống của con người trong bài thơ?
Trả lời
- Nhận xét: Bức tranh thiên nhiên và nhịp sống con người trong bài thơ có mối quan hệ chặt chẽ. Vì không gian là buổi trưa hè ở bến đò, thời gian này con người đang cần nghỉ ngơi cho nên không có nhiều hoạt động ở ngoài, khiến cho cảnh vật xung quanh cũng im ắng, lặng lẽ theo.
Câu 5 (trang 133 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Tình cảm của nhà thơ đối với thiên nhiên và đời sống con người được thể hiện như thế nào trong bài thơ?
Trả lời
- Tình cảm của tác giả không được bộc lộ trực tiếp ra nhưng nó chứa đựng trong từng câu thơ, qua việc miêu tả chi tiết những hình ảnh của làng quê, từng cử chỉ hoạt động của con người cũng được tác giả thể hiện rõ nét. Từ đó thấy được tình cảm thiết tha yêu mến vẻ đẹp thiên nhiên, phong cảnh làng quê Việt Nam.
2. Viết
Câu hỏi (trang 134 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Viết đoạn văn (khoảng 10 - 15 câu) trình bày cảm nghĩ của em về bài thơ Bến đò trưa hè ở phần Đọc.
Trả lời
Anh Thơ được mệnh danh là nhà thơ của đồng quê, làng núi Việt Nam, tuổi thơ của bà gắn liền với phong cảnh làng quê yên bình, chính những điều này đã trở thành nguôn cảm hứng văn chương bất tận trong bà. Nhờ những cảm xúc ấy và tình yêu đặc biệt dành cho phong cảnh và cảnh đẹp quê hương đất nước, Anh Thơ đã viết nên tác phẩm Bến đò trưa hè để lại rất nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc. Bài thơ được tác giả trình bày bằng thể thơ tám chữ với ngôn ngữ bình dị thân thuộc. Từ đó thể hiện được khung cảnh làng quê thật yên bình, vắng lặng với những cảnh vật quen thuộc với mỗi người. Ví như dòng sông trong bài thơ chìm trong sự tĩnh tại, với mây, với trời, với sông, với nắng đã tạo nên một không gian đa chiều, giàu cảm xúc. Và dòng sông kia đã được hình tượng hoá như con người "đọng nắng đứng không trôi" như đang đồng cảm với nỗi buồn của bầu trời xanh kia. Không chỉ vậy, trong bài thơ chúng ta còn nhận ra mối quan hệ chặt chẽ giữa thiên nhiên và con người. Hình ảnh cây đa, bến nước, con đò và những quán ven đê là những cảnh vật quen thuộc của làng quê, của những người nông dân chân chất. Không gian là buổi trưa hè ở bến đò, thời gian này con người đang cần nghỉ ngơi cho nên không có nhiều hoạt động ở ngoài, khiến cho cảnh vật xung quanh cũng im ắng, lặng lẽ theo. Cũng từ đó đã bộc lộ được cảm xúc của tác giả, một tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương tha thiết sâu đậm.
3. Nói và nghe
Câu hỏi (trang 134 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Tiến hành cuộc phỏng vấn ngắn về một trong những vấn đề sau:
- Khi xa quê hương, điều gì sẽ trở thành hành trang không thể thiếu trong tâm hồn con người?
- Trở thành công dân toàn cầu trong một thế giới hội nhập và đầy biến động có làm chúng ta lãng quên truyền thống và phai nhạt bản sắc dân tộc?
- Thơ có còn sức hút bạn đọc trong thời đại công nghệ số và các phương tiện nghe – nhìn?
Trả lời
* Bài tham khảo 1: Tiến hành phỏng vấn ngắn về vấn đề: Khi xa quê hương, điều gì sẽ trở thành hành trang không thể thiếu trong tâm hồn mỗi con người?
Phóng viên phỏng vấn một bạn học sinh chuẩn bị lên đường đi du học nước ngoài.
- Phóng viên (PV): Theo bạn, quê hương được hiểu như thế nào?
- Bạn học sinh: Theo em, Quê hương: nơi mỗi con người được sinh ra, lớn lên, là mảnh đất chúng ta chôn rau cắt rốn, gắn bó suốt một khoảng thời gian dài với những kỉ niệm đẹp đẽ khó quên. Mỗi người có một quê hương, mỗi quê hương có một bản sắc khác nhau nuôi dưỡng nên những tâm hồn con người khác nhau vô cùng phong phú.
- Phóng viên (PV): Quê hương có vai trò như thế nào đối với bạn?
- Bạn học sinh: Quê hương có vai trò quan trọng và to lớn đối với mỗi người. Từ lúc cất tiếng khóc chào đời, rồi tuổi thơ đẹp đẽ, những công việc lao động rồi cuộc sống gia đình, cho tới lúc chết họ đã sống gắn liền với quê hương. Quê hương như một người mẹ hiền ôm ta vào lòng và dành cho ta những gì tốt đẹp nhất, là nơi ấp ủ tình yêu thương, nơi nuôi ta lớn, dạy dỗ, an ủi che chở cho ta, là điều quý giá vô ngần mà mỗi người không thể thiếu.
- Phóng viên (PV): Vậy theo bạn, Hành trang khi rời xa quê hương là gì?
- Bạn học sinh: Theo em. Hành trang em mang theo khi rời xa quê hương sang xứ người học tập là cần cố gắng nỗ lực hết mình để mang theo những ước mơ khát vọng to lớn đi ra xa hơn; Luôn giữ trong mình tình yêu quê hương sâu sắc; Luôn hướng về quê hương, khi thành công hãy quay về để giúp đỡ quê hương phát triển hơn.
- Phóng viên (PV): Xin cảm ơn bạn đã tham gia cuộc phỏng vấn này. Chúc bạn học tập thật tốt để trở về giúp quê hương mình phát triển hơn.
* Bài tham khảo 2: Tiến hành phỏng vấn ngắn về vấn đề: Trở thành công dân toàn cầu trong một thế giới hội nhập và đầy biến động có làm chúng ta lãng quên truyền thống và phai nhạt bản sắc dân tộc?
- Phóng viên (PV): Chào bạn, bạn hiểu thế nào là công dân toàn cầu?
- Bạn học sinh: Theo mình, công dân toàn cầu là những người sống và làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau. Họ có thể có một hoặc nhiều quốc tịch mà không bị rào cản về ranh giới, địa lí cũng như văn hóa của các quốc gia trong nhận thức của mình.
- Phóng viên (PV): Vậy theo bạn, để trở thành công dân toàn cầu sẽ gặp khó khăn gì?
- Bạn học sinh: Tôi nghĩ, rào cản đầu tiên mà các bạn cần phải vượt qua, đó chính là ngoại ngữ. Và một yếu tố quan trọng khác, mà tôi nghĩ tầng lớp thanh thiếu niên hiện nay một số vẫn còn đang thiếu, đó chính là kỹ năng mềm.
- Phóng viên (PV): Có ý kiến cho rằng, công dân toàn cầu là những người hòa nhập nhưng không hòa tan. Ý kiến của bạn như thế nào?
- Bạn học sinh: Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến này. Chúng ta hòa nhập để tiếp thu nền văn minh của nhân loại nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng riêng biệt của quê hương, đất nước mình.
- Phóng viên (PV): Xin cảm ơn bạn đã tham gia cuộc phỏng vấn này. Mong rằng, tất cả các bạn học sinh chúng ta luôn học hỏi và tiếp thu những cái mới có chọn lục có ý thức dân tộc, giữ gìn bản sắc dân tộc của mình: “hòa nhập nhưng không hòa tan”.
* Bài tham khảo 3: Tiến hành phỏng vấn ngắn về vấn đề: Thơ có còn sức hút bạn đọc trong thời đại công nghệ số và các phương tiện nghe – nhìn?
- Phóng viên (PV): Chào bạn, bạn đến thư viện nhà trường có thường xuyên không? Bạn thường tìm các loại sách gì trên đó?
- Bạn đọc: Chào bạn, mình thỉnh thoảng mới đến thư viện để tìm những tài liệu mà mình không thể tra cứu trên Internet.
- Phóng viên (PV): Ồ, vậy chắc là bạn ít đọc các tác phẩm thơ nhỉ?
- Bạn đọc: Không, mình vẫn tìm đọc những bài thơ hay, những tác phẩm kinh điển và đặc biệt là những tác phẩm của các tác giả trẻ hiện nay.
- Phóng viên (PV): Vậy theo bạn, thơ có còn sức hút bạn đọc trong thời đại công nghệ số và các phương tiện nghe – nhìn?
- Bạn đọc: Thực ra, mình thấy thực trạng hiện nay ở các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh ít tìm đọc các bài thơ, kể cả tìm đọc trên Internet, chứ chưa nói đến tìm đọc trong những quyển sách. Các bạn đó dành nhiều thời gian cho game, facebook, tiktok,... hơn.
- Phóng viên (PV): Thức trạng đó, thưo bạn, sẽ gây ra những hệ luỵ gì?
- Bạn đọc: Khi chúng ta quá mải mê, giành thời gian nhiều game, facebook, tiktok,..., sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, tinh thần, thời gian. Và đặc biệt, vốn sống của chúng ta ít đi, những tình cảm cảm xúc của chúng ta sẽ bị chai sạn. Chúng ta không còn cảm xúc trước những áng thơ hay, không còn thấy xúc động khi đọc những vần thơ tình cảm. Đó là một điều hết sức tồi tệ trong xã hội hiện đại.
- Phóng viên (PV): Cảm ơn bạn với những chia sẻ trên, mong bạn luôn giữ được thói quen tìm đọc những bài thơ hay và hi vọng các bạn trẻ sẽ tích cực hơn nữa trong việc đọc sách, đọc thơ để hoàn thiện mình hơn.
Phiếu học tập số 2
1. Đọc
a. Đọc văn bản
Đọc văn bản: Quyền được học tập và bảo vệ của phụ nữ và trẻ ưm trong hoà bình - Ma-la-la Y-u-xa-phơ-dây (Malala Yousafzal) (trang 134 sgk Ngữ văn 9 Tập 2)
b. Thực hiện các yêu cầu bên dưới
* Chọn phương án đúng (làm vào vở)
Câu 1 (trang 136 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Xác định loại văn bản của bài đọc.
A. Văn bản thông tin
B. Văn bản nghị luận
C. Văn bản văn học
Trả lời
Chọn đáp án B.
Câu 2 (trang 136 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Vấn đề chính mà bài phát biểu đề cập đến là gì?
A. Quyền con người của cả nam và nữ nói chung
B. Quyền bình đẳng về cơ hội của phụ nữ trong các lĩnh vực
C. Quyền được sống trong hòa bình của mọi người
D. Quyền được học tập và bảo vệ của phụ nữ và trẻ em trong hòa bình
Trả lời
Chọn đáp án D.
Câu 3 (trang 136 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Người trình bày vấn đề xác định tư cách, vị thế nào để nêu ý kiến?
A. Một cá nhân vị xâm phạm nhân quyền cần cất lên tiếng nói của mình.
B. Một người đại diện cho tất cả những người cần được bảo vệ nhân quyền.
C. Một người phụ nữ bị áp bức, bị tước đoạt quyền học tập cần bảo vệ chính mình.
D. Một người dân Pa-ki-xtan bị xâm phạm nhân quyền, cần đấu tranh.
Trả lời
Chọn đáp án B.
Câu 4 (trang 136 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Mục đích chính của người nói được thể hiện trong đoạn trích trên là gì?
A. Nêu rõ trước Liên hợp quốc vấn đề vi phạm nhân quyền với phụ nữ và trẻ em và sự cần thiết phải hành động để bảo vệ những quyền đó.
B. Trình bày rõ vấn đề quyền được học tập của phụ nữ và trẻ em đang bị xâm phạm, kêu gọi hành động để bảo vệ quyền đó.
C. Kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới và Liên hợp quốc hành động, thay đổi chính sách vì quyền được học tập và bảo vệ của phụ nữ và trẻ em.
D. Tố cáo thực trạng xâm phạm quyền học tập và quyền sống của phụ nữ và trẻ em ở các nước chậm phát triển trên thế giới.
Trả lời
Chọn đáp án C.
Câu 5 (trang 136 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Xác định biện pháp tu từ thể hiện ở các từ in đậm trong câu “Khi nhìn thấy bóng tối, chúng ta nhận ra tầm quan trọng của ánh sáng”.
A. So sánh
B. Hoán dụ
C. Nhân hóa
D. Ẩn dụ
Trả lời
Chọn đáp án D.
* Trả lời câu hỏi
Câu 1 (trang 136 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Đối tượng hướng tới để tác động của văn bản là những người hoặc tổ chức nào?
Trả lời
- Đối tượng hướng tới để tác động của văn bản là các nhà lãnh đạo thế giới và Liên Hợp quốc.
Câu 2 (trang 137 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Người trình bày đã dùng những yếu tố nào để nêu thông tin khách quan, bày tỏ ý kiến và tác động tới đối tượng cần thuyết phục?
Trả lời
- Người trình bày đã dùng những yếu tố lí lẽ và bằng chứng để nêu thông tin khách quan, bày tỏ ý kiến và tác động tới đối tượng cần thuyết phục:
+ Thực trạng khủng bố đã xảy ra với chính người phát biểu và với những người dân thường ở Pa-ki-xtan và một số nước khác trên thế giới: “những kẻ khủng bố đã bắn vào bên trái trán tôi”, “họ cũng bắn vào các bạn tôi”, “họ đã giết 14 sinh viên trường y vô tội”, “họ giết hại nhiều nữ giáo viên và các nhân viên tuêm vác-xin sởi ở Khi-bơ Pa-khun-khơ-ta-va”,…
+ Hậu trả nghiêm trọng của nạ khủng bố đối với phụ nữ và trẻ em: “Nghèo đói, thiếu tri thức, bị đối xử bất công và bị tước đoạt các quyền con người cơ bản là những vấn nạn chính mà cả nam giới và phụ nữ phải đối mặt.”.
+ Người phát biểu bày tỏ trực tiếp cảm xúc, thái độ, quan điểm với thực trạng và hậu quả nói trên: “Tôi không chỉ nói cho riêng mình mà còn cho cả những người không được lên tiếng. Họ cần được lắng nghe.”; “Nhưng không có gì thay đổi trong cuộc sống của tôi, ngoại trừ một điểu: sự yếu đuối. sợ hãi và tuyệt vọng đã không còn tồn tại trong tôi.”…
Câu 3 (trang 137 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Vấn đề cần được trình bày được triển khai trong các phần của văn bản như thế nào? Nêu rõ mục đích và ý chính của từng phần.
Trả lời
- Triển khai trong các phần:
+ Phần 1: Đưa ra vấn đề về nhân quyền.
+ Phần 2: Tiếng nói không chỉ đại diện của nhân vật tôi mà còn của rất nhiều người khác.
+ Phần 3: Những minh chứng cụ thể của việc nhân quyền đang không được đảm bảo.
+ Phần 4: Kêu gọi mọi người đấu tranh và những người lãnh đạo cần quan tâm và bảo vệ.
Câu 4 (trang 137 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Trong phần 3 của văn bản, tác giả cho rằng “Khi nhìn thấy bóng tối, chúng ta nhận ra tầm quan trọng của ánh sáng”. Theo em vấn đề này được nêu như vậy là đúng hay sai? Vì sao?
Trả lời
- Theo em, vấn đề này hoàn toàn đúng.
- Vì nếu như chúng ta luôn sống trong hòa bình, yên ổn (ánh sáng) chúng ta sẽ không biết quý trọng giữ gìn nó, nhưng đến khi chiến tranh kéo tới, con người phải sống trong bất ổn, sợ hãi (bóng tối) chúng ta mới nhận ra việc hòa bình, ổn định quan trọng tới mức nào. Lúc đó chúng ta mới quý trọng thứu “ánh sáng” đó.
2. Viết
Câu hỏi (trang 137 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Lựa chọn một trong những vấn đề sau để viết bài văn nghị luận xã hội:
- Việc học tập có thực sự cần thiết và có thể đem lại những lợi ích gì cho cuộc sống của mỗi trẻ ưm trên thế giới?
- Vì sao mọi trẻ em trên thế giới cần được bảo vệ và học tập trong hoà bình?
Trả lời
* Bài tham khảo 1: Viết bài văn nghị luận về việc học tập có thực sự cần thiết và đem lại những lợi ích nào cho cuộc sống của mỗi trẻ em trên thế giới?
Công việc học tập đang từng ngày được xã hội hoá, nhà nhà học tập, người người học tập. Nhưng đến với công việc này, mỗi người có một cách thức học tập, một mục đích học tập khác nhau. Vậy cần nhìn nhận vấn đề học tập ngày nay như thế nào?
Học tập là một quá trình dài, là một cách để con người tiếp cận tri thức, nâng cao trình độ, mở mang trí óc để khám phá những điều hay lẽ phải. Học là việc cần thiết suốt đời bởi tri thức nhân loại là một kho tàng vô cùng phong phú, nó như biển cả mênh mông mà sự hiểu biết của con người lại có hạn. Đâu phải chỉ cần thời gian mà con người có thể hiểu biết được mọi điều trong cuộc sống. Con người ta khi sinh ra, chưa có hiểu biết về cuộc sống, chưa biết làm gì cả, vì vậy phải học từ việc nhỏ nhất, đơn giản nhất trở đi. Lớn lên đến trường phải học đọc, học viết, học những kiến thức tự nhiên và xã hội để trang bị cho mình những trí thức cần thiết trong cuộc sống nhằm giúp mình sau này có thể làm việc tốt bởi trẻ mà không học thì sẽ rất khó để chúng ta có thể vào đời một cách vững vàng. Khi trưởng thành lại cần phải học. Những kiến thức ta được học trong trường không chỉ là nền tảng cơ bản trong cuộc sống, khi bắt tay vào công việc thường nảy sinh ra nhiều vấn đề. Để giải quyết được ta phải tự học, tự nâng cao kiến thức. Hiện nay trình độ khoa học kỹ thuật, văn hoá tri thức ngày càng phát triển, càng có nhu cầu đòi hỏi cao đối với con người. Nếu chúng ta ngừng học tập thì sẽ bị lạc hậu, tụt lùi, không đảm đương được các công việc được giao, không hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công. Không ngừng học tập thì mới trở thành người có ích cho gia đình và cho xã hội.
Ngày nay, mỗi con người đều có cách học riêng của mình. Nhiều bạn rất chăm chỉ, cần cù và giành được những thành công lớn. Đã có biết bao những bạn học sinh đạt thành tích cao trong học tập. Họ luôn lấy gương các vị danh nhân, các bậc cha anh đi trước để noi gương theo. Như Lênin với câu nói "Học, học nữa, học mãi" hay nhà bác học Đacuyn lừng danh cũng nói rằng: "Bác học không có nghĩa là ngừng học". Học tập là một yếu tố quan trọng, không những giúp cho chính bản thân mỗi học sinh chúng ta có một tương lai tốt đẹp mà còn giúp cho đất nước ngày một giàu mạnh. Có câu danh ngôn: "Đường đời là một chiếc thang không có nấc chốt và việc học là một quyển sách không có trang cuối cùng". Vì thế học sẽ không bao giờ là đủ và học tập là một việc vô cùng cần thiết đối với cuộc sống ngày càng phát triển như hiện nay.
Tuy nhiên vẫn có không ít những bạn học sinh mải chơi quên học, hoặc nếu có cũng chỉ là học vẹt, học đối phó. Đó quả thực là những hành động hết sức sai lầm. Các bạn hãy đến với những em nhỏ lang thang, hãy nhìn những khuôn mặt nhỏ bé, những đôi mắt thơ ngây luôn ao ước được một lần cắp sách tới trường như bao bạn nhỏ khác. Lúc đó các bạn sẽ nghĩ sao? Chúng ta được may mắn hơn các bạn bé nhỏ ấy, chúng ta được cha mẹ yêu thương, được thầy cô tận tình dạy dỗ, vậy mà chúng ta lại không học, lại coi thường việc học. Như vậy chẳng phải thật đáng trách sao? Lúc ấu thơ, ngoài bản năng tự nhiên là khóc và ăn thì mọi thao tác còn lại đều phải trải qua một quá trình học tập. Những người cha, người mẹ là những người thầy đầu tiên của trẻ, dạy cho trẻ biết lẫy, biết bò. Vậy đấy, ngay từ khi còn nhỏ, khi chưa phải đến trường thì bất kỳ một đứa trẻ nào cũng phải học, phải trải qua một sự khổ công. Để rồi đến khi lớn lên, cắp sách tới trường, thầy cô dạy ta biết đọc biết viết, học những thao tác ngồi, cầm bút viết. Lớn hơn nữa, thầy cô lại dạy cho tà kiến thức theo từng cấp học phù hợp với khả năng nhận thức, để sau này có thể vận dụng vào cuộc sống, công việc. Tất cả những điều đó đều giúp chúng ta trở thành những con ngoan trò giỏi. Học là để trưởng thành, để hòa nhập với cuộc sống văn minh, có khả năng thích ứng với những tiến bộ khoa học.
Quả thật, tương lai là ở trong tay chúng ta, nó sáng sủa hay mờ mịt là phụ thuộc vào sự nỗ lực học tập của mỗi con người. Vì thế chúng ta đừng để phí hoài những gì đã học được ở ghế nhà trường, bởi "một bước lỡ, nghìn thu ân hận". Nếu mải chơi chúng ta sẽ làm lỡ mất một chuyến tàu đi đến tương lai. Chuyến tàu đó không hề đi đến một cái đích nào nhất định. Chuyến tàu đó rất đặc biệt bởi người lái tàu là chúng ta và hành khách cũng chính là chúng ta. Nó được chèo lái bởi chính đôi bàn tay của chúng ta. Kiến thức trong trường ta học là nền tảng cơ bản để ta làm việc. Nhưng nhiều khi chính những kiến thức ấy cũng không đáp ứng đủ được những yêu cầu của sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật. Nếu không tiếp tục học chúng ta sẽ không có đủ khả năng để đảm đương công việc.
Việc học tập không phân biệt tuổi tác, trình độ, địa vị hay hoàn cảnh xã hội mà tuỳ theo ham muốn hiểu biết của mỗi con người. Khi còn nhỏ đang ở lứa tuổi cắp sách đến trường, thầy cô dạy cho ta rất nhiều kiến thức về tự nhiên, xã hội... vì vậy mà chúng ta phải không ngừng nâng cao hiểu biết, trau dồi tri thức, tận dụng mọi cơ hội để học tập. Và đến tuổi trưởng thành chuẩn bị bước chân vào đời, để tự lập bằng vốn kiến thức của mình được trang bị trong nhà trường, chúng ta vẫn phải tìm tòi nghiên cứu không ngừng trong công việc, sách báo... để nâng cao tay nghề, trình độ. Thông thường một người trong nhà trường học giỏi thì ra trường cũng sẽ làm việc tốt, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Vì vậy, chúng ta phải học ở mọi lúc mọi nơi, học ở những người đi trước mình, lớn tuổi hơn mình, những đồng nghiệp xung quanh mình để làm sao lấp đầy những khoảng trống mà mình thiếu sót trong quá trình học tập và làm việc...
Mỗi học sinh chúng ta cần phải nhận rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, trong thời kỳ đang sống nhờ vào gia đình và xã hội. Nhưng học bằng cách nào để đạt kết quả tốt. Phương pháp học tập có rất nhiều ta có thể học qua sách vở. Ở trường, ta được sự dạy dỗ của thầy cô và bạn bè nhưng cũng cần đọc thêm báo chí, để có thể hiểu một cách sâu sắc hơn về xã hội ngày nay. Mỗi lúc vấp ngã ta đều phải tự biết rút cho mình những kinh nghiệm vì đó là những kiến thức thực tế quý báu, trang bị cho ta hành trang vào đời. Ở các thành phố hiện đại, việc học của học sinh, sinh viên được chăm lo đầy đủ nhưng ở các vùng quê nghèo thì việc học chưa được chú trọng. Người dân chưa nắm rõ được ý nghĩa lớn lao khi cho con em mình đến trường. Rất nhiều em học sinh phải bỏ dở việc học hành để sống cuộc sống "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" như cha ông họ. Thật là đáng tiếc thay khi có những học sinh được sự quan tâm của gia đình, xã hội được lo lắng đầy đủ vật chất lại không biết quý trọng. Đây là hiện tượng khá phổ biến của các học sinh "lười học". Đó không phải là những tấm gương "sáng". Chúng ta hãy học tập theo các thế hệ cha ông như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Lê Quý Đôn... những Lê Bá Khánh Trình, Tôn Thất Tùng, Đặng Thái Sơn... để trở thành con người có ích.
Ngày nay đất nước đã phát triển, việc học đã được chú trọng, tuy nhiên, việc học của học sinh vẫn còn nhiều hiện tượng gây bức xúc. Không chỉ có chuyện học lực kém của nhiều học sinh, mà còn nhiều vấn đề nữa rất đáng phải xem xét lại. Đó là tình trạng cận thị ở học đường. Do học quá nhiều, lại thêm chơi các trò chơi điện tử nên số lượng cận thị tăng lên rất nhanh. Một số học sinh có ý thức học tập rất kém, thường xuyên trốn tiết để đi chơi. Lười biếng và ham quậy phá, sẽ rất khó để họ trở thành những người có ích cho xã hội sau này. Đây là những "con sâu làm rầu nồi canh” cần được chỉnh đốn cách thức và mục đích học tập.
Việc học của học sinh thời nay là vô cùng cần thiết. Với xu thế hội nhập, học sinh ngày càng phải trau dồi vốn kiến thức hiểu biết của mình. Hành trang để vào đời chính là những kiến thức mà chúng ta tích lũy được từ thuở ấu thơ, nó sẽ là vô giá nếu chúng ta tranh thủ học nhưng cũng sẽ là vô nghĩa nếu chúng ta mải chơi, lười học.
* Bài tham khảo 2: Viết bài văn nghị luận về việc vì sao mọi trẻ em trên thế giới cần được bảo vệ và học tập trong hoà bình?
Trẻ em là tương lai của mỗi dân tộc và của toàn nhân loại. Trẻ em có quyền được sống và được đáp ứng các nhu cầu cơ bản để tồn tại như được nuôi dưỡng, được chăm sóc sức khoẻ... Nhưng trong thực tế, hằng ngày có hàng triệu trẻ em phải chịu đựng thảm hoạ của đói nghèo, khủng hoảng kinh tế, tình trạng vô gia cư, dịch bệnh, mù chữ, môi trường xuống cấp...
Hằng ngày có vô số trẻ em khắp nơi trên thế giới bị phó mặc cho những hiểm hoạ khôn lường. Chiến tranh vẫn nổ ra liên miên trên khắp thế giới. Cuộc chiến ở Cô-sô-vô, Nam Tư; cuộc chiến tranh của Mĩ và Anh ở I-rắc; cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan; các cuộc xung đột ở Trung Đông; chủ nghĩa khủng bố hoành hành khắp nơi... đã biến trẻ em thành nạn nhân của chiến tranh và bạo lực, thậm chí, ở một số nước châu Phi, người ta tuyển mộ cả trẻ em vào quân đội, tay lăm lăm súng ống giáp mặt với giết chóc....
Bên cạnh đó, hàng triệu trẻ em là nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc, chế độ A-pác-thai, nạn khủng bố, bắt giữ con tin... mà gần đây nhất là vụ khủng bố đẫm máu ở một trường học nước Nga (Bes-lan) làm hàng trăm trẻ em bị giết, hàng trăm trẻ em sống trong nỗi kinh hoàng khôn tả... Cũng do chiến tranh và tình hình chính trị phức tạp, nhiều trẻ em trở thành người tị nạn, phải từ bỏ gia đình sống tha hương để trốn tránh nỗi hiểm nguy. Có nhiều trẻ em tàn tật đã trở thành nạn nhân của sự lãng quên, ruồng bỏ, hoặc bị đối xử tàn nhẫn, bị bóc lột. Ở Việt Nam, đây đó, chúng ta vẫn có thể chứng kiến cảnh trẻ em bị đánh đập, xâm hại, bị lôi kéo vào con đường nghiện hút, bị bắt buộc làm việc nặng quá sức, bơ vơ không ai chăm sóc do cha mẹ li hôn... Trẻ em có quyền được đáp ứng các nhu cầu cho sự phát triển một cách toàn diện như được học tập, được vui chơi giải trí, được tham gia các hoạt động văn hoá, thể thao... Nhưng trong thực tế hiện nay, có hơn 100 triệu trẻ em không được đến trường hoặc chưa trải qua giáo dục cơ sở.
Thực trạng cuộc sống của trẻ em trên thế giới hiện nay là một thách thức lớn đối với cộng đồng quốc tế, là mối quan tâm sâu sắc của lương tâm loài người. Các quyền của trẻ em cần phải được tôn trọng và thực hiện một cách đầy đủ, có trách nhiệm. Mỗi học sinh chúng ta hãy bằng khả năng và hành động thực tiễn của mình, phát huy tinh thần tương ái tương trợ, yêu thương giúp đỡ, nhường cơm xẻ áo cho những bạn nhỏ gặp hoàn cảnh khó khăn. Đó cũng là một hình thức hữu hiệu góp phần bảo vệ quyền lợi của trẻ em.
3. Nói và nghe
Câu hỏi (trang 137 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Thảo luận với các bạn trong nhóm học tập về một trong những vấn đề sau:
- Giáo dục có thể góp phần làm thay đổi cuộc sống của mỗi người như thế nào?
- Vì sao mọi trẻ em trên thế giới cần được bảo vệ và học tập trong hoà bình?
Trả lời
* Bài tham khảo 1: Thảo luận với các bạn trong nhóm về vấn đề: Giáo dục có thực sự làm thay đổi cuộc sống của mỗi con người?
- Người chủ trì: Chào tất cả các bạn. Mình tên là…. Học lớp….. trường….. Mình là người chủ trì của nhóm…. Hôm nay, nhóm của mình sẽ thảo luận về vấn đề: Giáo dục có thực sự làm thay đổi cuộc sống của mỗi con người. Trong đời sống xã hội, giáo dục và đào tạo là lĩnh vực có vai trò quan trọng đối với mọi quốc gia, dân tộc ở mọi thời đại. Trong xu thế phát triển tri thức ngày nay, giáo dục - đào tạo được xem là chính sách, biện pháp quan trọng hàng đầu để phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ.
- Bạn thứ nhất: Giáo dục là hình thức học tập phổ biến nhất của con người mà thông qua đó chúng ta được tiếp thu những nguồn tri thức mới từ nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm cả kiến thức lý thuyết, kỹ năng thực hành, những kinh nghiệm của người đi trước, những thói quen được hình thành,... dưới sự giảng dạy, hướng dẫn, đào tạo hoặc nghiên cứu.
- Bạn thứ hai: Hồ Chủ tịch đã từng dạy rằng: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu", chúng ta không thể chiến thắng kẻ thù và thay đổi vận mệnh dân tộc nếu chúng ta "yếu" hơn họ về tri thức, điều ấy buộc chúng ta phải tìm kiếm sự giáo dục. Và bản thân Bác chính là người đi tìm kiếm sự giáo dục cách mạng để trở về giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách thống trị của thực dân, đế quốc.
- Bạn thứ ba: Giáo dục mang đến cho con người nhiều lợi ích quý báu: nó cung cấp cho chúng ta nguồn tri thức quý giá vô tận, giúp con người mở mang hiểu biết, gây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Người ham học hỏi là người luôn hoàn thành những bài tập mà mình được giao một cách hoàn thiện và chỉn chu nhất. Không ngừng tìm tòi, học hỏi những kiến thức mới để mở mang tầm hiểu biết và có ý thức vươn lên trong học tập.
- Các ý kiến khác: …
- Người chủ trì: Như vậy, sau khi nghe ý kiến từ các bạn, mình xin tổng hợp lại ý kiến của các bạn như sau: Dù bất kỳ thời đại nào chúng ta cũng không thể phủ nhận vai trò to lớn của giáo dục, mọi quốc gia đang trên đà xây dựng và phát triển kinh tế, chính trị… phải biết lấy giáo dục làm nòng cốt để đào tạo nên những con người ưu tú biết cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Chúng ta cần phải học hỏi nhiều hơn nữa để giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội; luôn ý thức về sự hoàn thiện và phát huy kiến thức có được để sáng tạo cái mới, trong công việc và trong nghề nghiệp. Cảm ơn tất cả các bạn đã hăng hái thảo luận về vấn đề của chúng ta ngày hôm nay!
* Bài tham khảo 2: Thảo luận với các bạn trong nhóm về vấn đề: Vì sao mọi trẻ em trên thế giới cần được bảo vệ và học tập trong hoà bình?
- Người chủ trì: Chào tất cả các bạn. Mình tên là…. Học lớp….. trường….. Mình là người chủ trì của nhóm…. Hôm nay, nhóm của mình sẽ thảo luận về vấn đề: Vì sao mọi trẻ em trên thế giới cần được bảo vệ và học tập trong hoà bình?
- Bạn thứ nhất: Theo ước tính của Liên hợp quốc cho thấy, hiện nay có khoảng 400 triệu trẻ em trên toàn cầu, tức là cứ 5 trẻ em thì có 1 trẻ đang sống trong xung đột hoặc phải chạy trốn khỏi các khu vực xung đột. Nhiều em đang bị thương, bị giết hoặc bị xâm hại tình dục. Một số trẻ em đang bị các lực lượng hoặc nhóm vũ trang tuyển dụng. Liên hợp quốc đã xác minh hơn 315 nghìn vụ vi phạm nghiêm trọng về quyền trẻ em ở các khu vực có xung đột từ năm 2005 đến năm 2022.
- Bạn thứ hai: Bên cạnh xung đột, trẻ em còn đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng khác, trong đó có biến đổi khí hậu, tác động tiêu cực từ các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới… UNICEF ước tính khoảng 1 tỷ trẻ em trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ cực cao chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, làm gia tăng các nguy cơ với trẻ em như tình trạng khan hiếm nước dùng, bệnh tật, ô nhiễm không khí, các hình thái thời tiết cực đoan… tất cả những yếu tố môi trường được coi là có ảnh hưởng đáng kể tới quá trình sinh trưởng của trẻ trong giai đoạn hoàn thiện cơ thể từ ý thức đến thể chất.
- Bạn thứ ba: Chăm sóc, bảo vệ trẻ em là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của mỗi quốc gia. Trẻ em không chỉ là thế hệ tương lai của đất nước, các em còn là nguồn lực phát triển chính của mỗi quốc gia trong tương lai. Trẻ em rất ngây thơ, non nớt và cũng rất dễ bị tổn thương, bởi vậy chúng ta cần yêu thương, chăm sóc, bảo vệ để các em được phát triển tốt nhất.
- Các ý kiến khác: …
- Người chủ trì: Như vậy, sau khi nghe ý kiến từ các bạn, mình xin tổng hợp lại ý kiến của các bạn như sau: Thực trạng cuộc sống của trẻ em trên thế giới hiện nay là một thách thức lớn đối với cộng đồng quốc tế, là mối quan tâm sâu sắc của lương tâm loài người. Các quyền của trẻ em cần phải được tôn trọng và thực hiện một cách đầy đủ, có trách nhiệm. Mỗi học sinh chúng ta hãy bằng khả năng và hành động thực tiễn của mình, phát huy tinh thần tương ái tương trợ, yêu thương giúp đỡ, nhường cơm xẻ áo cho những bạn nhỏ gặp hoàn cảnh khó khăn. Đó cũng là một hình thức hữu hiệu góp phần bảo vệ quyền lợi của trẻ em.