Soạn bài Trình bày ý kiến về một sự việc có tính thời sự (trong đời sống của cộng đồng, đất nước, nhân loại) - ngắn nhất Kết nối tri thức
Haylamdo sưu tâm và biên soạn bài Trình bày ý kiến về một sự việc có tính thời sự (trong đời sống của cộng đồng, đất nước, nhân loại) ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 9 Kết nối tri thức giúp học sinh soạn văn 9 dễ dàng hơn.
Soạn bài Trình bày ý kiến về một sự việc có tính thời sự (trong đời sống của cộng đồng, đất nước, nhân loại) - Kết nối tri thức
Đề bài (trang 84 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Sự việc có tính thời sự trong đời sống của cộng đồng, đất nước, nhân loại thường thu hút sự chú ý của mọi người, dễ nảy sinh những quan điểm khác nhau. Bản chất sự việc là như thế nào? Sự việc có tính tích cực hay tiêu cực? Sự việc có tác động như thế nào đến đời sống xã hội?... Những câu hỏi như vậy có được trả lời thuyết phục hay không là tuỳ ở quan điểm nhìn nhận về sự việc của mỗi người. Điều cần thiết khi trình bày ý kiến về một sự việc là phải trình bày rõ ràng, thể hiện được chủ kiến của bản thân, từ đó tác động tích cực đến nhận thức của người nghe, nhằm cùng nhau tìm phương án khả thi để giải quyết những hệ quả nảy sinh từ sự việc đó.
1. Trước khi nói
- Để chuẩn bị nội dung bài nói, em cần chọn được đề tài mà mình am hiểu và có hứng thú. Sau đây là một số gợi ý để em tham khảo:
+ Việc xả chất thải chưa qua xử lí của một đơn vị sản xuất công nghiệp.
+ Sự xuất hiện các sản phẩm trí tuệ nhân tạo và tác động của chúng đối với đời sống con người.
+ Việc phát hiện ra những hang động mới ở Quảng Bình.
+ Một dự án nhằm phát triển kinh tế, xã hội ở vùng sâu, vùng xa.
+ Việc thay thế dạy học trực tiếp bằng hình thức trực tuyến trong những tình huống vần thiết.
- Từ đề tài đã chọn, em cần lập dàn ý cho bài nói, với đủ các phần Mở đầu, Triển khai, Kết thúc. Trong từng ý, cần ghi thêm một số bằng chứng thực tế, số liệu, những đánh giá khách quan,… để sử dụng khi trình bày.
2. Trình bày bài nói
Người nói |
Người nghe |
- Mở đầu: giới thiệu sự việc (có thể tạo sự lôi cuốn bằng cách thuật lại một mẩu tin, kể lại một câu chuyện, sử dụng tranh ảnh hay đoạn phim ngắn liên quan đến sự việc,…). - Triển khai: diễn giải để làm rõ bản chất của sự việc, đưa ra lí lẽ kết hợp với bằng chứng từ thực tế khách quan để thuyết phục người nghe đồng tình với ý kiến của mình. - Kết thúc: khái quát ý nghĩa của sự việc được trình bày, nêu phương án giải quyết, liên hệ trách nhiệm của mỗi người. Lưu ý: Khi trình bày ý kiến về một sự việc có tính thời sự cần kết hợp lời nói với cử chỉ, nét mặt, ánh mắt,…; tăng cường sử dụng các phương tiện hỗ trợ như tranh ảnh, đoạn phim ngắn, các tài liệu liên quan đến sự việc,… |
- Theo dõi để nắm bắt nội dung và cách trình bày bài nói; nhận biết mức độ tin cậy của thông tin khách quan, tính thuyết phục của ý kiến do người nói nêu ra; chỉ ra những hạn chế (nếu có) như lập luận thiếu lô-gic, bằng chứng chưa đầy đủ hay không liên quan đến sự việc. - Có thể yêu cầu người nói cung cấp thêm thông tin, giải thích những điểm còn chưa rõ; trao đổi lại những chỗ chưa tán thành với cách nhìn nhận, đánh giá của người nói về sự việc. |
* Bài nói tham khảo:
Xin chào các bạn! Tôi tên là …… học sinh lớp ……. Hôm nay, tôi xin trình bày ý kiến của mình về vấn đề: Sự xuất hiện các sản phẩm trí tuệ nhân tạo và tác động của chúng đối với đời sống con người.
Như các bạn đã biết, vào năm 2010, trí tuệ nhân tạo (AI) chỉ xuất hiện trong các bộ phim khoa học viễn tưởng hơn là trong cuộc sống hàng ngày của con người. Và lúc đó, con người chưa hề nghĩ rằng công nghệ AI sẽ có mặt trong tương lai gần Công nghệ AI đã xuất hiện và ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của chúng ta trong một thập kỷ qua. Những tiến bộ công nghệ trong lĩnh vực khoa học, kết hợp với việc AI ngày càng được tích hợp dễ dàng hơn, rẻ hơn vào các máy tính mạnh hơn.
Hiện nay, AI xuất hiện trên tất cả các điện thoại thông minh, từ phần mềm nhận dạng khuôn mặt để mở khóa điện thoại cho đến các ứng dụng phổ biến như Google Maps. Càng ngày, các công ty như Apple và Google đang cố gắng áp dụng tối đa công nghệ AI trên các thiết bị cầm tay (với các con chip đặc biệt giúp hỗ trợ các khả năng điều khiển bằng AI), do đó, các hoạt động như nhận dạng giọng nói có thể được thực hiện trên điện thoại thay vì trên máy tính từ xa, thực hiện các công việc nhanh hơn, chính xác hơn như: biên dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác và bảo vệ sự riêng tư của dữ liệu
Bất cứ khi nào người dùng nói chuyện với trợ lý ảo Alexa của Amazon, Siri của Apple hay Assistant của Google, đó sẽ là một tương tác gần gũi và thoải mái với AI. Điều đặc biệt nhất là những trợ lý ảo này có thể hiểu được những gì mọi người đang nói và trả lời đúng với những gì họ mong muốn. Sự phát triển vượt bậc của các trợ lý ảo này bắt đầu vào năm 2011, khi hãng Apple phát hành trợ lý ảo Siri trên điện thoại thông minh iPhone. Gã khổng lồ công nghệ Google đã tiếp bước với sự ra mắt Google Now vào năm 2012, sau đó hãng đã phát hành một phiên bản mới hơn, đó là Google Assistant vào năm 2016.
Khi AI đã được cải tiến và hoàn thiện hơn, công nghệ này dường như đã trở thành một công cụ giám sát. Một trong những điều gây tranh cãi nhất là công nghệ nhận dạng khuôn mặt, AI có thể xác định mọi người từ video trực tiếp, video được ghi lại hay những bức ảnh tĩnh và thường so sánh các đặc điểm khuôn mặt của con người với đặc điểm khuôn mặt lấy từ các cơ sở dữ liệu được lưu trữ trước đó. Ngoài ra, AI còn được sử dụng trong nhiều bối cảnh khác nhau, như: tại các buổi hòa nhạc, bởi cảnh sát và tại các sân bay.
Hiện nay, công nghệ AI ngày càng được sử dụng trong chẩn đoán và quản lý tất cả các loại vấn đề về sức khỏe, từ phát hiện ung thư phổi đến theo dõi các vấn đề về mắt, sức khỏe tâm thần và các vấn đề về đường tiêu hóa. Mặc dù phần lớn những công việc này vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu hoặc đang phát triển, nhưng đã có những công ty khởi nghiệp như: Mindstrong Health, sử dụng một số ứng dụng AI để đo lường tâm trạng ở những bệnh nhân đang đối phó với các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra nghệ thuật hay không? Và câu trả lời là có. Trong 10 năm qua, AI đã được sử dụng để tạo ra các tác phẩm âm nhạc, tranh vẽ và nhiều thứ khác dường như rất giống với những thứ mà con người tạo ra. Và đôi khi, nghệ thuật đó thậm chí là một cỗ máy sản xuất tiền và tạo ra lợi nhuận lớn cho con người. Vào cuối năm 2018, khi một tác phẩm mờ ảo có tên Edmond de Belamy, đã trở thành tác phẩm nghệ thuật đầu tiên được sản xuất bởi công nghệ AI và được bán đấu giá với 433 nghìn USD.
Tuy nhiên, công nghệ trí tuệ nhân tạo đòi hỏi đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng, phần cứng, phần mềm và nhân sự chuyên gia. Điều này gây áp lực lên ngân sách và chi phí của các doanh nghiệp và tổ chức khi triển khai và duy trì các hệ thống AI. Trí tuệ nhân tạo có khả năng thay thế một số công việc truyền thống mà trước đây do con người thực hiện. Điều này dẫn đến lo ngại về việc tỷ lệ thất nghiệp tăng lên trong một số lĩnh vực công việc khi công nghệ AI thay thế con người trong các nhiệm vụ cụ thể. Trong một số trường hợp, AI được thiết kế với hình dạng và tính cách giống con người, gây ra hiểu lầm về sự tồn tại và tâm lý của con người. Việc nhân tính hóa máy móc có thể tạo ra những tác động tâm lý không mong muốn và gây nên sự nhầm lẫn giữa con người và máy móc. Sự phát triển của AI có thể dẫn đến việc con người dựa quá nhiều vào công nghệ, giảm sự linh hoạt và sáng tạo. Việc sử dụng AI và dữ liệu lớn đòi hỏi sự thu thập và lưu trữ thông tin cá nhân của người dùng. Nếu không có các biện pháp bảo mật mạnh mẽ, thông tin cá nhân có thể bị rò rỉ và đe dọa an ninh thông tin của người dùng.
Trí tuệ nhân tạo đã và đang thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hứa hẹn tiềm năng không giới hạn trong tương lai. Tuy nhiên, đối mặt với lợi ích và tác hại của AI ngay trước mắt, chúng ta cần tập trung vào việc sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách đúng đắn và có trách nhiệm. Thông qua việc áp dụng công nghệ AI một cách có chủ đích, chúng ta mới có thể khai thác toàn bộ tiềm năng của trí tuệ nhân tạo. Góp phần vào sự tiến bộ và phát triển bền vững của loài người trong tương lai.
Trên đây là những ý kiến của tôi về vấn đề: Sự xuất hiện các sản phẩm trí tuệ nhân tạo và tác động của chúng đối với đời sống con người. Cảm ơn thầy cô và các bạn đã chú ý lắng nghe.
3. Sau khi nói
Tổ chức trao đổi, đánh giá, rút kinh nghiệm về hoạt động nói và nghe xoay quanh các khía cạnh sau:
- Sự việc được trình bày có tính thời sự không? Sự việc đó có ý nghĩa như thế nào trong đời sống của cộng đồng, đất nước, nhân loại?
- Người nói trình bày sự việc rõ ràng chưa? Đã thể hiện rõ ý kiến của cá nhân về sự việc chưa? Sử dụng lí lẽ và bằng chứng có phù hợp không?
- Cách người nói sử dụng các phương tiện phi ngôn ngữ và phương tiện hỗ trợ, tương tác với người nghe đã đạt yêu cầu chưa?
- Người nghe có thái độ như thế nào khi người nói trình bày? Có thể hiện được sự chủ động, tích cực khi tiếp nhận thông tin và tương tác với người nói không? Nhận biết và đánh giá như thế nào về mức độ thuyết phục của bài nói