X

Soạn văn lớp 12

Câu hỏi bài Tiếng hát con tàu chọn lọc - Ngữ văn lớp 12


Câu hỏi bài Tiếng hát con tàu chọn lọc

Trọn bộ câu hỏi ôn tập về bài Tiếng hát con tàu Ngữ văn lớp 12 chọn lọc, cực hay. Với bộ câu hỏi bài Tiếng hát con tàu này, học sinh sẽ ôn tập, nắm vững kiến thức môn Ngữ văn 12 để đạt điểm cao trong các bài thi môn Ngữ văn 12.

Câu hỏi bài Tiếng hát con tàu chọn lọc - Ngữ văn lớp 12

Câu hỏi: Thể loại của bài thơ Tiếng hát con tàu?

Trả lời:

Thể loại của bài thơ Tiếng hát con tàu là thể thơ tự do.

Câu hỏi: Hoàn cảnh sáng tác của bài thơ Tiếng hát con tàu?

Trả lời:

Hoàn cảnh sáng tác của bài thơ Tiếng hát con tàu:

- Bài thơ được gợi cảm hứng từ một sự kiện lịch sử những năm 1958 - 1960: cuộc vận động đồng bào miền xuôi xây dựng kinh tế ở miền núi Tây Bắc.

- Rút từ tập Ánh sáng và phù sa (1960).

Câu hỏi: Giá trị nội dung của bài thơ Tiếng hát con tàu?

Trả lời:

Giá trị nội dung của bài thơ Tiếng hát con tàu:

- Bài thơ là khúc hát về lòng biết ơn, thể hiện tình yêu và sự gắn bó, khát vọng và niềm hân hoan khi trở về với nhân dân, đất nước.

- Tác giả đã tìm thấy ngọn nguồn nuôi dưỡng và chân trời nghệ thuật mới của mình ở đời sống của nhân dân và đất nước.

Câu hỏi: Giá trị nghệ thuật của bài thơ Tiếng hát con tàu?

Trả lời:

Giá trị nghệ thuật của bài thơ Tiếng hát con tàu:

- Hình ảnh thơ mới lạ, phong phú.

- Lời thơ có nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc, giàu chất trí tuệ, bộc lộ cách thể hiện riêng tài hoa, độc đáo, tạo ấn tượng thẩm mĩ cho người đọc.

- Sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật với giọng điệu tha thiết, chân thành.

Câu hỏi: Chủ đề của bài thơ Tiếng hát con tàu?

Trả lời:

Chủ đề của bài thơ Tiếng hát con tàu là lời giục giã, thôi thúc khát vọng đi đến cuộc sống mới đang rộng mở, là tiếng gọi đến với nhân dân đậm tình, nặng nghĩa để khơi dậy nguồn thơ ca.

Câu hỏi: Ý nghĩa nhan đề của bài thơ Tiếng hát con tàu?

Trả lời:

Ý nghĩa nhan đề của bài thơ Tiếng hát con tàu:

- Con tàu là hình ảnh độc đáo diễn tả khát vọng lên đường để xây dựng miền quê Tổ quốc và là ngọn nguồn của ước mơ và nghệ thuật. (Con tàu = tâm hồn).

- Tiếng hát là khát vọng cất thành tiếng, nhân lên thành tiếng nhạc, là hành khúc lên đường say mê, giục giã. Tây Bắc vừa là biểu tượng vừa là mảnh đất cụ thể, là mảnh đất tâm hồn nhà thơ. (Tây Bắc = tâm hồn nhà thơ).

Tiếng hát con tàu là một nhân hóa mang ý nghĩa biểu tượng: tiếng hát của một tâm hồn tràn ngập niềm tin vào lí tưởng, vào cuộc đời với khát vọng ra đi.

Câu hỏi: Ý nghĩa lời đề từ của bài thơ Tiếng hát con tàu?

Trả lời:

Ý nghĩa lời đề từ của bài thơ Tiếng hát con tàu:

- Sự hoà nhập tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của người nghệ sĩ với cuộc đời rộng lớn của nhân dân, đất nước.

- Tâm hồn của nhà thơ hoà nhập với niềm vui chung của nhân dân trong công cuộc xây dựng đất nước thì cũng là lúc soi vào lòng mình, có thể thấy được cả cuộc đời rộng lớn.

→ Khẳng định tình yêu Tây Bắc khôn cùng trong trái tim nhà thơ, khẳng định khát vọng lên đường của người nghệ sĩ.Tình yêu và khát vọng đã xóa mờ khoảng cách không gian và thời gian.

⇒ Bằng một câu hỏi tu từ, kết hợp với nhịp thơ da diết, lời đề từ khẳng định vai trò của cuộc sống đối với tâm hồn người nghệ sĩ – cần mở lòng hòa nhập với cuộc sống để có cảm hứng sáng tạo nghệ thuật trong hoàn cảnh đất nước bắt tay vào xây dựng sau chiến tranh.

Câu hỏi: Sự vận động tâm trạng của chủ thể trữ tình trong bài thơ Tiếng hát con tàu?

Trả lời:

Sự vận động phát triển đầy lôgic của tâm trạng của chủ thể trữ tình: đi từ lí tưởng đến khát khao dấn thân, cống hiến cho Tổ quốc; đi từ kỉ niệm, nỗi nhớ về hình ảnh nhân dân đến ước vọng gặp gỡ, trở về với cội nguồn sáng tạo của người nghệ sĩ.

Câu hỏi: Sự trăn trở, giục giã lên đường qua khổ 1, 2 trong bài thơ Tiếng hát con tàu?

Trả lời:

- Nhà thơ bộc lộ cảm xúc, tình cảm đối với sự nghiệp xây dựng đất nước của toàn dân thông qua biểu tượng con tàuTây Bắc.

- Biện pháp đối lập: Đất nước mênh mông >< đời anh nhỏ hẹp

- Câu hỏi tu từ → nhân vật trữ tình tự phân đôi để chất vấn, đối thoại với chính mình, thể hiện tâm hồn, khát vọng được hòa nhập vào cuộc sống của nhân dân.

- Lời thơ giục giã, gấp gáp, khẩn trương → lời kêu gọi khẩn thiết, cấp bách, thôi thúc mọi người hãy đi xây dựng Tây Bắc.

⇒ Tác giả kêu gọi mọi người cũng chính là tự nói với lòng mình, thể hiện nhận thức mới tiến bộ của người nghệ sĩ: Không thể có ý nghĩa cuộc đời, không thể có thơ hay nếu chỉ quẩn quanh trong thế giới chật hẹp của cái tôi.

Câu hỏi: Niềm hạnh phúc lớn lao khi gặp lại nhân dân qua khổ thơ thứ 5 trong bài thơ Tiếng hát con tàu?

Trả lời:

Niềm hạnh phúc lớn lao khi gặp lại nhân dân qua khổ thơ thứ 5:

- Những hình ảnh vừa có vẻ đẹp thơ mộng, mượt mà vừa biểu tượng cho quy luật tất yếu của tự nhiên: nai về suối cũ, cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa

- Vừa có sự hoà hợp giữa nhu cầu, khát vọng của bản thân với hiện thực: trẻ thơ đói lòng gặp sữa, nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa

⇒ Sự trở về với nhân dân là niềm hạnh phúc lớn lao của tác giả: trở về để được tắm mát, để tâm hồn được hồi sinh, tìm thấy ý nghĩa sự tồn tại của cuộc đời mình, được chăm sóc, vỗ về, an ủi. Những hình ảnh so sánh vừa gần gũi có vẻ đẹp thơ mộng mượt mà, vừa có sự hoà hợp giữa nhu cầu, khát vọng của bản thân với hiện thực đã nhấn mạnh niềm hạnh phúc tột độ và ý nghĩa sâu xa của việc trở về với nhân dân.

Câu hỏi: Hình ảnh nhân dân trong kỉ niệm nhà thơ qua khổ thơ 6 - 11 trong Tiếng hát con tàu?

Trả lời:

(Khổ 6 - 11) Hình ảnh Tây Bắc hiện lên qua những con người cụ thể:

- Đó là người anh du kích với chiếc áo nâu, đứa em liên lạc linh hoạt, dũng cảm, người mẹ nuôi quân giàu đức hi sinh, cô gái xung phong với vắt xôi nuôi quân giấu giữa rừng ⇒ sự gắn bó và niềm biết ơn của tác giả.

- Những điệp ngữ con nhớ anh con, con nhớ em con, con nhớ mế ... làm đoạn thơ chồng chất kỉ niệm được gợi ra từ hoài niệm về nhân dân của nhà thơ. → Cách xưng hô của chủ thể trữ tình bộc lộ một tình cảm chân thành, ruột thịt với những con người đã từng gắn bó mật thiết với mình trong những năm kháng chiến.

- Nhóm từ chỉ thời gian vĩnh hằng, từ xưng hô nói lên mối quan hệ gắn bó, gần gũi.

- Đoạn thơ có những câu mang tính triết lí:

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn

→ bình thường khi ta ở mảnh đất ấy chỉ là chốn trú thân. Khi rời xa mới nhận ra nơi ấy đã lưu giữ một phần tâm hồn.

- Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương →Tình yêu có khả năng gắn kết những tâm hồn xa lạ.

⇒ Cuộc gặp gỡ giữa tác giả và nhân dân đã được viết bằng những dòng thơ đầy gắn bó, nặng biết ơn. Đó không phải là cuộc gặp gỡ đơn thuần mà là cuộc hội ngộ trong hạnh phúc. Niềm vui sướng, nỗi hạnh phúc dâng trào bất tận trở thành tiếng ca reo vui, tiếng lòng phấn khởi, tiếng đập náo nức trong lời thơ, câu chữ. Qua đó khơi nguồn cho tinh thần trách nhiệm đối với Tây Bắc, với Tổ quốc.

Câu hỏi: Khúc hát lên đường qua khổ thơ 4 khổ thơ cuối trong bài thơ Tiếng hát con tàu?

Trả lời:

- Tiếng gọi của đất nước, của nhân dân, của đời sống trở thành động lực bên trong làm nhà thơ khao khát, bồn chồn: mắt ta thèm, tai ta nhớ, mắt ta nhớ, lòng ta cũng như tàu...

- Những hình ảnh có tính biểu tượng và ẩn dụ chỉ cuộc sống lớn của nhân dân... thành lời thôi thúc, mời gọi lên đường xây dựng Tây Bắc, xây dựng Tổ quốc.

- Âm hưởng đoạn thơ dồi dào lôi cuốn.

- Khổ thơ cuối với nhiều hình ảnh thơ mộng, lãng mạn, mang ý nghĩa biểu tượng bộc lộ niềm vui sướng được trở về với Tây Bắc được hòa mình với cuộc sống của nhân dân.

→ Khao khát, bồn chồn, giục giã lên đường sôi nổi, mê say đáp lại lời mời gọi của hai khổ thơ đầu.

Câu hỏi: Chất suy tưởng và triết lí của thơ Chế Lan Viên trong bài thơ Tiếng hát con tàu?

Trả lời:

Những câu thơ thể hiện rõ nhất chất suy tưởng và triết lí :

Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ

Nơi nao qua, lòng lại chẳng yêu thương?

Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!

- Tác giả đi từ những hình ảnh, cảm xúc cụ thể dẫn tới những suy ngẫm triết luận.

- Những bản làng, núi đèo ẩn hiện ẩn hiện trong sương mờ, mây phủ, gợi lên những miền đất mà trong đời chúng ta đã từng qua, làm sống dậy trong lòng ta vô vàn kỉ niệm. → Chính những kỉ niệm ấy đã nuôi dưỡng, bồi đắp làm phong phú tâm hồn ta.

Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét

Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng

Như xuân đến chim rừng lông trở biếc

Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương.

- Những hình ảnh so sánh sinh động, gần gũi khiến ta thấy tình yêu ở đây không chỉ giới hạn trong tình yêu đôi lứa mà còn là những tình cảm sâu nặng đối với quê hương đất nước.

- Chính tình yêu đã biến những miền đất xa lạ trở thành thân thương như chính quê hương ta, hoá thành tâm hồn ta. → Chất triết lí trong thơ Chế Lan Viên được rút ra từ quy luật tình cảm nên không khô khan mà rất tự nhiên, sâu sắc.

Câu hỏi: Nhận xét nghệ thuật sáng tạo của Chế Lan Viên trong bài thơ Tiếng hát con tàu?

Trả lời:

Nghệ thuật sáng tạo hình ảnh của Chế Lan Viên:

- Hình ảnh thị giác do quan sát được trong đời sống thực: bản sương giăng, đèo mây phủ, chim rừng lông trở biếc...

- Hình ảnh được miêu tả cụ thể, chi tiết: Chiếc áo nâu suốt một đời vá rách...

- Hình ảnh thực nhưng lại giàu sức gợi: Con nhớ mế! Lửa hồng soi tóc bạc...

- Hình ảnh mang tính biểu tượng: con tàu, vầng trăng, Tây Bắc, suối lớn mùa xuân...

→ Nhà thơ đã sáng tạo một hệ thống hình ảnh mới lạ đa dạng, phong phú, có giá trị thẩm mĩ cao, tạo nên những liên tưởng so sánh bất ngờ.

⇒ Chế Lan Viên thường có thói quen thiết kế những hình ảnh độc đáo, mới lạ, xâu chuỗi, liên kết với nhau bằng những liên tưởng bất ngờ, có chiều sâu trí tuệ. Khiến lời thơ có nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc, giàu chất trí tuệ, bộc lộ cách thể hiện riêng tài hoa, độc đáo, tạo ấn tượng thẩm mĩ cho người đọc.

Xem thêm bộ câu hỏi theo bài học môn Ngữ văn lớp 12 chọn lọc, hay khác: