X

Soạn văn 8 Kết nối tri thức

Soạn bài Soạn bài Phiếu học tập số 1 Tập 2 - ngắn nhất Kết nối tri thức


Haylamdo biên soạn và sưu tầm soạn bài Soạn bài Phiếu học tập số 1 trang 129, 130, 131 Tập 2 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 8 Kết nối tri thức giúp học sinh soạn văn 8 dễ dàng hơn.

Soạn bài Soạn bài Phiếu học tập số 1 Tập 2 - ngắn nhất Kết nối tri thức

1. Đọc

Đọc văn bản trong sách giáo khoa (trang 128 sgk Ngữ văn lớp 8 Tập 2  - Kết nối tri thức với cuộc sống) và thực hiện các yêu cầu:

* Chọn phương án đúng

Câu 1 (trang 130 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Câu chuyện được kể trong đoạn trích bao gồm những tuyến truyện nào?

A. Tuyến truyện về “tôi” và Tường trong cuộc sống gia đình (làm việc nhà, học hành, đọc sách)

B. Tuyến truyện về “tôi” và Tường kết hợp với tuyến truyện về chàng thư sinh, cóc tía, người bạn xấu

C. Tuyến truyện về “tôi” và Tường kết hợp và lồng ghép với tuyến truyện về chàng thư sinh, cóc tía, người bạn xấu, nàng công chúa

D. Tuyến truyện về “tôi” và Tường kết hợp và lồng ghép với tuyến truyện về chàng thư sinh, cóc tía, người bạn xấu

Trả lời:

Phương án lựa chọn: C

Câu 2 (trang 130 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Những yếu tố nào giúp em xác định được tuyến truyện trong đoạn trích?

A. Nhân vật và thời gian

B. Nhân vật và không gian

C. Nhân vật và sự việc chính

D. Nhân vật và đối thoại

Trả lời:

Phương án lựa chọn: C

Câu 3 (trang 131 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Chuyện Cóc tía mà Tường đọc cho “tôi” nghe có tính chất của loại truyện nào?

A. Truyện truyền thuyết

B. Truyện cười

C. Truyện cổ tích

D. Truyện ngụ ngôn

Trả lời:

Phương án lựa chọn: C.

Câu 4 (trang 131 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Câu “Để cho anh Hai học bài!” thuộc kiểu câu nào?

A. Câu hỏi

B. Câu kể

C. Câu cảm

D. Câu khiến

Trả lời:

Phương án lựa chọn: D

Câu 5 (trang 131 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Xác định loại thành phần biệt lập (in đậm) trong câu sau: “Tâu bệ hạ, trước hết xin bệ hạ hãy cho bắt giam tên này lại”.

A. Thành phần cảm thán

B. Thành phần tình thái

C. Thành phần gọi - đáp

D. Thành phần chêm xen

Trả lời:

Phương án lựa chọn: C.

Câu 6 (trang 131 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Dòng nào sau đây chỉ bao gồm những từ Hán Việt được sử dụng trong văn bản?

A. thư sinh, giáo khoa, tài sản, nhường nhịn

B. thư sinh, giáo khoa, tài sản, ngự y

C. thư sinh, giáo khoa, tài sản, ngân nga

D. thư sinh, giáo khoa, tài sản, giáo sư

Trả lời:

Phương án lựa chọn: B

* Trả lời câu hỏi:

Câu 1 (trang 131 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Câu chuyện được kể trong đoạn trích có cốt truyện đơn tuyến hay đa tuyến? Vì sao?

Trả lời:

Cốt truyện đa tuyến. Vì có sự kết hợp, lồng ghép các tuyến truyện khác nhau, có liên quan đến nhau nhưng có sự khác nhau về sự việc chính và nhân vật trong mỗi tuyến.

Câu 2 (trang 131 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Qua lời kể của nhân vật “tôi”, em nhận thấy Tường có những đức tính gì đáng quý? Hãy nêu các chi tiết cho thấy rõ những đức tính đó của nhân vật Tường.

Trả lời:

- Những đức tính đáng quý của nhân vật Tường: luôn nhường nhịn, chăm chỉ lao động, yêu thích đọc sách.

- Nêu các chi tiết cụ thể:

+ Chi tiết cho thấy đức tính nhường nhịn của Tường: là em nhưng luôn nhường anh và thay anh làm mọi công việc trong nhà mà không bao giờ oán thán, tị nạnh để anh có thời gian học bài, sẵn sàng kể chuyện (sau khi đọc sách) cho anh nghe trước khi đi ngủ

+ Chi tiết cho thấy đức tính chăm chỉ của Tường: giúp mẹ mọi việc từ “chạy qua bà mượn cái thúng, cái nia, qua nhà hàng xóm xin rơm về lót ổ cho gà đế’ đến “xách nước đổ vô lu”, làm hết “việc nặng việc nhẹ trong nhà” một cách tự nguyện, vui vẻ.

+ Chi tiết cho thấy đức tính “mê sách”, yêu thích đọc sách của Tường: đọc rất nhiễu sách và nhớ kĩ, thuộc lòng những câu chuyện trong sách, kể được rất chi tiết sau khi đọc.

Câu 3 (trang 131 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Theo em, điều gì ở câu chuyện Cóc tía khiến Tường đặc biệt yêu thích? Việc Tường yêu thích câu chuyện này gợi cho em những suy nghĩ gì về nhân vật?

Trả lời:

Theo em, Tường đặc biệt yêu thích câu chuyện Cóc tía ở chỗ chàng thư sinh làm bạn với cóc tía, hàng ngày cóc quanh quẩn bên chàng, đớp gọn những con muỗi bay vo ve khi chàng học bài.

Việc Tường yêu thích câu chuyện này gợi cho em suy nghĩ rằng Tường là một cậu bé nhân hậu, sống tình cảm. Cậu sẵn sàng dành thời gian và không gian cho anh hai học bài, giống như cóc tía quẩn quanh bắt muỗi và giúp đỡ chàng thư sinh.

Câu 4 (trang 131 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Nêu những chi tiết cho thấy cách hiểu và đánh giá của nhân vật “tôi” về câu chuyện Cóc tía. Cách hiểu và đánh giá đó của nhân vật “tôi” gợi cho em suy nghĩ gì?

Trả lời:

Những chi tiết cho thấy cách hiểu và đánh giá của nhân vật “tôi” về câu chuyện Cóc tía:

- Chắc chắn chàng thư sinh này đọc sách giáo khoa để đi thi chứ chẳng phải đọc truyện như thằng Tường.

- Tôi không hiểu sao thằng Tường lại thích câu chuyện dở ẹc đó.

=> Cách hiểu và đánh giá đó của nhân vật “tôi” gợi cho em suy nghĩ rằng đây là một cậu bé có cái nhìn hơi phiến diện và chủ quan khi nghe câu chuyện Cóc tía. Cậu chỉ thấy được những sự việc nối tiếp mà không cảm nhận được tính nhân văn, bài học về tình bạn, lòng yêu thương, san sẻ lẫn nhau giữa các nhân vật ở trong truyện.

Câu 5 (trang 131 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Em yêu thích nhân vật nào trong câu chuyện của đoạn trích này? Vì sao?

Trả lời:

Em yêu thích nhân vật Tường vì đây là một cậu bé nhân hậu, có tấm lòng sẻ chia và rất giàu lòng trắc ẩn. Cậu luôn nhường nhịn anh trai để anh có thể học tập tốt hơn, giỏi hơn mình. Tường cũng sẵn sàng làm hết việc nặng nhọc mà không hề oán than vì muốn tốt cho anh.

2. Viết

Bài tập (trang 131 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Từ câu chuyện về nhân vật “tôi” và Tường, về chàng thư sinh và người bạn xấu trong đoạn trích, hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của em về một phẩm chất tốt đẹp cần trau dồi hoặc một thói xấu đáng phê phán của con người.

Trả lời:

Dàn ý: Nghị luận về đức tính chăm chỉ

I. Mở bài

Thomas Edison đã từng nói: “Thiên tài một phần trăm là cảm hứng và chín mươi chín phần trăm là mồ hôi”.

Quả vậy, để gặt hái được thành công, con người phải luôn cố gắng không ngừng nghỉ.

Đức tính chăm chỉ vô cùng cần thiết trong cuộc sống.

II. Thân bài

1. Giải thích

- Chăm chỉ là sự cố gắng, nỗ lực làm một việc đó để đạt được kết quả tốt.

- Người chăm chỉ, cần cù thì không ngại khó khăn, gian khổ và luôn kiên trì đến khi đạt được thành quả mới dừng lại.

- Biểu hiện:

+ Luôn cố gắng hoàn thành tốt mục tiêu nhiệm vụ cho dù phải mất nhiều thời gian.

+ Không ngừng học hỏi, tìm tòi và rèn luyện đến khi đạt được kết quả tốt nhất.

+ Kiên trì với những mục tiêu mà bản thân đã đề ra và hoàn thành nó.

2. Bình luận

- Chăm chỉ là một đức tính quý giá của con người.

- Ý nghĩa, vai trò của đức tính chăm chỉ:

+ Giúp cho con người đạt được những điều mình mong muốn trong cuộc sống.

+ Rèn luyện đức tính kiên nhẫn cho mỗi người.

+ Ông cha ta có câu “cần cù bù thông minh”, sự kiên trì bền bỉ cũng đóng vai trò quan trọng không kém so với tài năng.

- Tuy nhiên, có những người lười biếng, ỷ lại và không chịu cố gắng thì sẽ không thu được kết quả tốt.

3. Liên hệ bản thân

- Là một học sinh, bản thân tôi cũng cố gắng học tập thật chăm chỉ.

- Tích cực rèn luyện nâng cao kiến thức, kĩ năng sống và cả thể chất.

III. Kết bài

- Quả thật, đức tính cần cù chăm chỉ vô cùng quan trọng, quyết định đến sự thành công hay thất bại của con người.

Bài làm tham khảo:

Chúng ta thường sẽ tiếc nuối những việc nên làm mà không làm, những lời nên nói mà không nói ra, những ước mơ chính đáng nhưng không dám theo đuổi. Và sự chăm chỉ, cần cù là “công cụ” giúp bạn tháo gỡ sự tiếc nuối ấy.

Chăm chỉ, cần cù là sự nỗ lực học tập, lao động không ngừng nghỉ. Người chăm chỉ thường luôn sẵn sàng tìm tòi, mày mò những điều mới mẻ, luôn cố gắng trong cuộc sống. Cuộc sống có rất nhiều những khó khăn, thách thức, con người vì thế không thể tránh khỏi những lúc nản lòng, bị sa vào cám dỗ cuộc đời. Nếu chúng ta không bỏ cuộc mà lựa chọn đối mặt, tìm ra cách giải quyết để vượt qua thì khi chúng ta chiến thắng, đó là chiến thắng của sự chăm chỉ, cần cù đến cùng. Nếu bạn luôn chăm chỉ và trau dồi bản thân ở bất cứ đâu, bạn sẽ có thể thấu hiểu bản thân, biết bản thân trân trọng và mong muốn điều gì. Khi đó, bạn tự khắc sẽ thấy con đường theo đuổi chúng dù có khi vất vả, nhưng luôn khiến mình vui vẻ và tràn đầy nhiệt huyết. Chắc hẳn chúng ta đều biết đến Nguyễn Hiền là - vị trạng nguyên đầu tiên và nhỏ tuổi nhất trong lịch sử nước ta. Cuộc sống thuở nhỏ của Nguyễn Hiền cũng rất khó khăn nhưng ông luôn yêu thích tìm tòi học hỏi và thường lân la ở các lớp học trong làng để có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với chữ nghĩa.

Sự chăm chỉ, cần cù của ông đã khiến người đời kinh ngạc phải gọi ông là ‘’thần đồng’’. Bên cạnh những hình mẫu lý tưởng như vậy, xã hội vẫn còn có nhiều người lười biếng, quen thói dựa dẫm, ỷ lại vào người khác, không chủ động trong cuộc sống của chính mình. Mong rằng tất cả chúng ta đều sẽ vẽ lên một chặng đường nỗ lực đầy nhiệt huyết cho đời mình.

3. Nói và nghe

Bài tập (trang 131 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Chọn một trong hai nội dung sau đây để chuẩn bị và trình bày bài nói:

a. Ai cũng có thể có những thói xấu và sai lầm. Điều quan trọng là cần nhận thức được điều đó để sửa chữa

b. Phê phán người khác thì dễ, tự biết mình để thay đổi những thói xấu của bản thân mới khó.

Trả lời:

a.

Trong dòng chảy không ngừng nghỉ của cuộc sống bộn bề, tấp nập, con người luôn phải trải qua vô vàn những trải nghiệm khác nhau về sự thành công - thất bại, được - mất, hạnh phúc - khổ đau, đúng - sai... Nằm trong chuỗi hành trình đó, sai lầm là một trong những yếu tố mà chúng ta cần thẳng thắn đối diện và mạnh mẽ vượt qua. Bàn về vấn đề này, Elbert Hubhard từng nói: "Sai lầm lớn nhất mà bạn mắc phải trong cuộc sống là luôn sợ sai lầm".

Như chúng ta đã biết, sai lầm là khái niệm để chỉ những quan điểm, việc làm, hành động không đúng đắn, trái với quy luật khách quan và lẽ phải thông thường. Sai lầm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chủ thể của hành động và thậm chí có thể gây ra hậu quả đối với những người xung quanh. "Sợ sai lầm" là thái độ lo lắng, run sợ bản thân sẽ phạm phải những sai lầm và buông xuôi, đầu hàng, bất lực. Như vậy, câu nói của Elbert Hubhard đã thể hiện một quan điểm về việc con người cần mạnh mẽ đối diện và sửa chữa sai lầm.

Sai lầm luôn là yếu tố diễn ra và xuất hiện trong cuộc sống của con người như quy luật khách quan mang tính tất yếu bởi không ai có thể tránh khỏi sai lầm, vấp ngã. Điều quan trọng là con người cần mạnh mẽ đứng lên, nhìn nhận sai lầm của bản thân và tìm ra nguyên nhân để khắc phục, sửa chữa sai lầm và vượt qua. Bàn về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Bất cứ một người lao động nào, dù thông minh đến đâu, đôi lúc cũng có thể sai lầm. Chỉ có những kẻ ngồi không mới không sai lầm mà thôi. Nhưng làm việc mà có sai lầm còn hơn là sợ sai lầm mà khoanh tay ngồi không". Quan điểm cùng hành trình bôn ba tìm đường cứu nước của Người là minh chứng thể hiện rõ lối sống không run sợ trước sai lầm và luôn mạnh mẽ, dũng cảm trong hành động. Mặt khác, sau mỗi sai lầm, vấp ngã, chúng ta sẽ rút ra được những bài học kinh nghiệm quý giá cho bản thân và trưởng thành, bản lĩnh, từng trải hơn. Ngược lại, nếu run sợ trước những sai lầm, con người sẽ đánh mất những cơ hội để trải nghiệm, để học hỏi, không thể vượt lên chính mình và không thể mạnh mẽ bước đi trên con đường đầy rẫy những gian nan, thử thách. Sophia Loren - nữ diễn viên người Italia cũng từng tâm sự về hành trình đến với giải Oscar của mình: "Sau tất cả những năm tháng đó, tôi vẫn ở trong quá trình tự khám phá bản thân. Khám phá cuộc sống và phạm lỗi lầm vẫn tốt hơn chọn phương án an toàn. Sai lầm là một phần phí mà con người trả cho một cuộc đời trọn vẹn". Như vậy, thái độ ứng xử của con người trước mỗi lần vấp ngã cũng chính là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của con người, bởi "sợ sai lầm" chính là sai lầm lớn nhất và là nguyên nhân chính khiến con người tiếp tục thất bại và sống thu mình trong chiếc vỏ bọc của sự nhút nhát, yếu mềm.

Như vậy, để hoàn thiện và phát triển bản thân, chúng ta cần rèn luyện thái độ mạnh mẽ đối diện với những sai lầm, từ đó thay đổi và rút ra những bài học kinh nghiệm. Đồng thời, cần hoàn thiện và làm đầy kiến thức, kĩ năng của bản thân sau mỗi lần vấp ngã để đạt tới thành công.

Qua những gì đã phân tích, chúng ta có thể khẳng định câu nói của Elbert Hubhard đã để lại bài học ý nghĩa giáo dục sâu sắc về thái độ của con người trước những sai lầm: Con người cần mạnh mẽ đối diện với những vấp ngã để rút ra những bài học kinh nghiệm cho bản thân và không buông xuôi, sợ hãi trước sai lầm.

b.

Bạn tôi đã từng nói với tôi: “Con người thường dễ dàng phán xét người khác hơn phán xét chính mình.”

Tôi đã từng gặp rất nhiều trường hợp như vậy. Khi chính bản thân mình mắc lỗi thì thường viện cớ này cớ khác để bao biện cho chính mình, nhưng ngược lại người khác mắc lỗi tương tự lại khó có thể tha thứ hay dễ dàng chỉ trích. Thực ra, con người thường không dễ dàng chấp nhận sai lầm của chính mình, họ thường tìm cách giải thích cho hành động sai lầm của mình để an ủi bản thân, xoa dịu chính mình, để bao che cho những cái xấu của mình hay bởi những hành động không đúng của họ không gây ảnh hưởng cho họ. Nhưng, khi người khác làm vậy, họ lại không dễ dàng chấp nhận, bởi hành động không đúng của đối phương có thể nó gây tác động xấu đến họ, hay bởi vì vị trí của họ là ngoài cuộc, dù sự việc như nào cũng sẽ không tác động tới họ nên họ dễ dàng phán xét và phê bình hơn, dễ dàng bàng quan và thờ ơ hơn.

Chúng ta thường hay nói câu “trước khi nói người khác phải biết nhìn lại chính mình”, đúng là như vậy. Khi bạn khó chịu với ai đó hay nặng lời với một ai, hãy nhìn lại chính bản thân, hãy tự hỏi bản thân mình đã từng như vậy chưa?Thực ra thì bạn có thể lấy sai lầm của chính bản thân để giúp đỡ và khuyên bảo cho người khác tránh đi vào vết xe đổ của bản thân, nhưng nếu bạn nói với thái độ chỉ trích và phán xét hay kiểu mỉa mai chê trách thì nó lại là chuyện khác. Hẳn bạn quá hiểu cảm giác khi bản thân trải qua những sai lầm, tâm trạng khi lắng nghe chỉ trích và những lời chê trách của ai khác cũng chẳng dễ chịu gì, uất ức và bất lực ra sao khi bị người khác chĩa mũi nhọn vào bản thân, vậy nên giờ khi đối diện với hình ảnh của mình trong người khác, bạn có nên dùng những lời nói, hành động của mình tấn công đối phương không? Đừng, tôi khuyên bạn hãy nhẹ nhàng khuyên bảo, có thể phê bình nhưng hãy dùng thái độ cầu thị nhất có thể. Hãy giúp đỡ chứ đừng dồn ép, hãy khuyên bảo chứ đừng chỉ trích, hãy nhẹ nhàng chứ đừng mỉa mai. Hành động của bạn sẽ làm cho đối phương cảm thấy được an ủi, sẻ chia. Còn nếu như bạn nhất thiết phải dùng những lời nói sắc nhọn đẩy đối phương vào đường cùng, hẳn sẽ có ngày những lời nói sắc nhọn ấy sẽ quay lại phía bạn, gậy ông đập lưng ông.

Ai cũng sẽ mắc sai lầm. Cảm giác trải qua sai lầm ắt hẳn chẳng vui vẻ gì. Vậy nên, khi nhìn người khác sai lầm giống như mình, hãy biết sẻ chia, thông cảm và chỉ bảo cho họ. Và, khi bạn mắc sai lầm, hãy tự mình chịu trách nhiệm, biết đối diện với sai lầm của bản thân, đừng tự ngụy biện cho chính mình để rồi sai càng thêm sai.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 8 Kết nối tri thức ngắn nhất, hay khác: