X

Soạn văn 8 Kết nối tri thức

Soạn bài Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do - ngắn nhất Kết nối tri thức


Haylamdo biên soạn và sưu tầm soạn bài Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do trang 51, 52, 53, 54 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 8 Kết nối tri thức giúp học sinh soạn văn 8 dễ dàng hơn.

Soạn bài Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do - ngắn nhất Kết nối tri thức

B. Viết đoạn văn nghị luận ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ

* Yêu cầu đối với kiểu bài:

- Giới thiệu được bài thơ, tác giả, nêu cảm nghĩ chung về bài thơ.

- Nêu được cảm nghĩ về nội dung, nghệ thuật, nêu được tác dụng của thể thơ tự do trong việc thể hiện mạch cảm xúc, tạo nên nét độc đáo của bài thơ.

- Khái quát được cảm nghĩ về bài thơ.

* Phân tích bài viết tham khảo

Lá đỏ - niềm tin và hi vọng ngày chiến thắng

1. Giới thiệu bài thơ, tác giả và nêu cảm nghĩ chung về bài thơ.

- Bài thơ Lá đỏ được viết năm 1974, trong thời gian nhà thơ Nguyễn Đình Thi đến với chiến trường Tây Nguyên.

- Cảm nghĩ chung về bài thơ: Ra đời trong bom rơi, đạn nổ, bài thơ vẫn ngời lên niềm tin, niềm hi vọng.

2. Trình bày cảm nghĩ về nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

- Nội dung: Cuộc gặp gỡ rồi chia li trong niềm tin gặp lại của 1 người lính và cô thanh niên xung phong.

- Nghệ thuật: hình ảnh đẹp, chi tiết gợi xúc động, biện pháp so sánh,…

3. Nêu tác dụng của thể thơ tự do trong việc thể hiện mạch cảm xúc và nét độc đáo của bài thơ.

- Thể thơ tự do với hình thức phóng khoáng, vần nhịp, linh hoạt giúp nhà thơ khắc họa được bối cảnh Trường Sơn hùng vĩ, khí thế hào hùng, tâm hồn lạc quan phơi phới của đoàn quân ra trận.

4. Nêu khái quát cảm nghĩ về bài thơ

- Câu cuối đoạn văn

* Thực hành viết theo các bước

1. Trước khi viết

a. Lựa chọn bài thơ

- Bài thơ đã học hoặc đã đọc: Ví dụ Những cánh buồm, Mây và sóng, Mẹ và quả,…

b. Tìm ý

Để tìm ý, em hãy thực hiện những thao tác sau đây:

- Đọc bài thơ nhiều lần để cảm nhận âm điều, mạch cảm xúc của nó.

- Ghi lại cảm nghĩ của em về những nét đặc sắc trên hai phương diện nội dung và nghệ thuật của bài thơ:

+ Thể thơ, văn, nhịp.

+ Yếu tố miêu tả, hình ảnh nổi bật, từ ngữ đặc sắc, biện pháp tu từ,...

+ Nội dung cảm xúc, thông điệp của bài thơ.

c. Lập dàn ý

Em hãy tham khảo gợi ý dưới đây.

Dàn ý

- Mở đoạn: Giới thiệu bài thơ và tác giả; nêu cảm nghĩ chung về bài thơ.

- Thân đoạn

+ Trình bày cảm nghĩ về nét độc đáo của bài thơ trên hai phương diện nội dung và nghệ thuật.

+ Nêu tác dụng của thể thơ tự do trong việc thể hiện mạch cảm xúc, nét độc đáo của bài thơ.

- Kết đoạn: Nêu khái quát cảm nghĩ về bài thơ.

Ví dụ dàn ý: Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ của em sau khi đọc bài thơ “Những cánh buồm” (Hoàng Trung Thông).

Mở đoạn:

+ Dẫn dắt, giới thiệu tác giả Hoàng Trung Thông và bài thơ “Những cánh buồm”.

+ Ấn tượng, cảm xúc khái quát về bài thơ (Lí do em muốn chia sẻ cảm xúc về bài thơ).

Thân đoạn:

+ Chia sẻ cảm xúc của em về tình cha con thiêng liêng, thắm thiết; hình ảnh người cha âu yếm, trìu mến, thành thật với con; hình tượng người con yêu thương, tin cậy, ngây thơ, có ước mơ táo bạo; hình tượng “những cánh buồm” là biểu tượng của ước mơ, khát vọng của tuổi trẻ,…

+ Chia sẻ tình cảm, cảm xúc về tác dụng nghệ thuật đặc sắc của bài thơ mà tác giả đã thể hiện:

• Kết hợp biểu cảm với các yếu tố tự sự và miêu tả. 

• Thể thơ tự do kết hợp với những biện pháp tu từ ẩn dụ, điệp ngữ,... sinh động, hấp dẫn.

• Cách dùng từ ngữ giàu hình ảnh và cảm xúc,…

Kết đoạn:

Khái quát lại suy nghĩ của bản thân về yếu tố đã mang lại cảm xúc ấy.

2. Viết bài

Đoạn văn mẫu tham khảo:

Những cánh buồm” là bài thơ hay của Hoàng Trung Thông nói về tình cảm cha con, đồng thời nói về ước mơ và khát vọng của tuổi trẻ. Bài thơ mở ra một không gian rộng rãi, khoáng đạt, tươi tắn, trong trẻo với các hình ảnh của “ánh mặt trời rực rỡ”, “biển xanh”, “cát mịn”, “ánh mai hồng”,… Trên nền không gian ấy, hai cha con xuất hiện với phép tương phản “bóng cha dài lênh khênh – bóng con tròn chắc nịch”. Người cha nghe tiếng con bước mà lòng vui phơi phới. Ngắm nhìn thế giới rộng lớn ngoài kia, đứa trẻ đã hỏi cha bằng một giọng điệu đầy hồn nhiên, ngây thơ. Và khi nhận được câu trả lời thành thật của cha, con mong muốn được mượn “cánh buồm trắng” để đi khám phá thế giới rộng lớn đó. Dấu chấm lửng sau ba chữ “Để con đi…” muốn nói đến những nơi cha chưa đến thì người con sẽ đến. Ý thơ toát ra từ sự kế tiếp thế hệ sau và thế hệ trước. Những gì cha chưa làm được, người con sẽ làm tiếp tạo thành một dòng đời không đứt đoạn. “Cánh buồm trắng” ở đây đã trở thành biểu tượng của ước mơ, khát vọng được đi xa, được hiểu biết của tuổi trẻ. Người cha như trẻ lại, tìm thấy lại mình từ tiếng nói ước mơ của đứa con. Thế hệ con đã tiếp nối ý chí thế hệ cha. Mỗi lần đọc bài thơ “Những cánh buồm” em không khỏi xúc động, bồi hồi trước tình cha con thiêng liêng, thắm thiết. Bài thơ giàu tính tượng trưng ấy đã giúp em và bao bạn đọc nuôi dưỡng những ước mơ, khát vọng để hướng tới tương lai, hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

3. Chỉnh sửa bài viết

Hãy chỉnh sửa bài viết theo những yêu cầu sau:

- Kiểm tra xem đoạn văn đã giới thiệu được bài thơ, tác giả và nêu được cảm nghĩ chung về bài thơ chưa. Nếu chưa thì cần bổ sung

- Xác định những từ ngữ biểu đạt cảm nghĩ về những nét độc đáo của bài thơ trên hai phương diện nội dung và nghệ thuật, về tác dụng của thể thơ tự do. Bổ sung hoặc chỉnh sửa nếu thiếu hoặc chưa phù hợp

- Nếu những câu văn cuối đoạn chưa khái quát được cảm nghĩ chung về bài thơ thì cần bổ sung

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 8 Kết nối tri thức ngắn nhất, hay khác: