Soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm (truyện) - ngắn nhất Kết nối tri thức
Haylamdo biên soạn và sưu tầm soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm (truyện) trang 77, 78, 79, 80, 81 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 8 Kết nối tri thức giúp học sinh soạn văn 8 dễ dàng hơn.
Soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm (truyện) - ngắn nhất Kết nối tri thức
* Yêu cầu đối với kiểu bài:
• Giới thiệu tác phẩm truyện (nhan đề, tác giả) và nêu ý kiến khái quát về tác phẩm.
• Nêu ngắn gọn nội dung chính của tác phẩm.
• Nêu được chủ đề của tác phẩm.
• Chỉ ra và phân tích được tác dụng của một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm (như cốt truyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật, ngôi kể, ngôn ngữ,...), tập trung vào một số yếu tố nghệ thuật nổi bật nhất của tác phẩm.
• Sử dụng các bằng chứng từ tác phẩm để làm sáng tỏ ý kiến nêu trong bài viết. Nêu được ý nghĩa, giá trị của tác phẩm truyện.
* Phân tích bài viết tham khảo
Văn bản: Bức tranh của em gái tôi – lời tự thú chân thành
1. Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm và nêu ý kiến khái quát về tác phẩm.
- Đoạn văn đầu tiên của văn bản.
2. Nêu ngắn gọn nội dung chính và chủ đề của tác phẩm.
- Nội dung: Truyện kể về kiều Phương, em gái của "tôi", Kiều Phương là một cô gái có tài hội họa thiên bẩm. Tài năng của em được phát hiện khi một họa sĩ là bạn của bố đến chơi. Biết em gái có năng khiếu "tối" cảm thấy ghen tị và mặc cảm, nhờ chú họa sĩ, giới thiệu, Kiều Phương tham dự cuộc thi vẽ tranh quốc tế và đoạt giải nhất với bức tranh em trai mình.
- Chủ đề của tác phẩm: Vẻ đẹp nhân vật người em gái, sự ăn năn thức tỉnh của người anh, tâm lí tuổi mới lớn và mối quan hệ ứng xử trong gia đình.
3. Dùng lí lẽ, bằng chứng để chỉ ra và phân tích tác dụng một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm.
- Lí lẽ: Bức tranh thu hút người đọc trước hết bởi nghệ thuật xây dựng nhân vật…, Em giống như 1 thiên thần nhỏ trong trẻo, vô tư,…
- Bằng chứng: Hai nhân vật Kiều Phương và "tôi" hiện lên trong tương quan đối sánh, bổ sung, soi chiếu cho nhau để lại ấn tượng sâu sắc cho người đọc. Khắc họa nhân vật qua lời nói, cử chỉ, hành động, em giống như một thiền thần nhỏ, hồn nhiên, trong trẻo, vô tư dành tình yêu thương ấm áp cho mọi người xung quanh với những con vật, đồ vật.
4. Phân tích tác dụng của nghệ thuật thể hiện tâm lí nhân vật "tôi".
- Khác với em giá, nhân vật người anh được tập trung khắc họa rõ nét hơn về tâm lí.
5. Phân tích tác dụng của nghệ thuật sử dụng ngôi kể.
- Tác dụng của việc sử dụng ngôi kể thứ nhất trong truyện.
6. Khẳng định tâm huyết, tài năng của tác giả và ý nghĩa, giá trị của tác phẩm.
- Đoạn cuối bài viết.
* Thực hành viết theo các bước:
1. Trước khi viết
a. Lựa chọn đề tài
Có thể tham khảo các đề tài:
- Sức hấp dẫn của đoạn trích Xe đêm của Pau-xtốp-xki.
- Những nét đặc sắc của truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê.
- Giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn trích Đi lấy mật, trích Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi.
b. Tìm ý
Có thể tìm ý bằng cách đặt câu hỏi xoay quanh tác phẩm.
- Nội dung của truyện là gì? Nội dung ấy được thể hiện như thế nào qua hệ thống nhân vật, sự kiện?
- Chủ đề của truyện là gì?
- Truyện có những đặc điểm nổi bật nào về hình thức nghệ thuật? Những đặc điểm ấy có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện nội dung?
- Ý nghĩa của truyện là gì?
c. Lập dàn ý
Từ các ý đã tìm được, sắp xếp thành dàn ý hợp lí.
Mở bài |
Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm (nhan đề, tác giả), nêu ý kiến khái quát về tác phẩm. |
Thân bài |
+ Nêu nội dung chính của tác phẩm. + Nêu chủ đề của tác phẩm. + Chỉ ra và phân tích tác dụng của một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm. |
Kết bài |
Khẳng định ý nghĩa, giá trị của tác phẩm. |
Ví dụ: Dàn ý phân tích những nét đặc sắc của truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê.
1. Mở bài:
Giới thiệu truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” của tác giả Lê Minh Khuê: truyện ca ngợi tinh thần dũng cảm của thế hệ trẻ trong những ngày kháng chiến, đặc biệt là sự hi sinh thầm lặng của các cô gái thanh niên xung phong.
2. Thân bài
a. Hoàn cảnh sống và chiến đấu của các nhân vật
- Ba cô gái trong tổ trinh sát sống trong hang, luôn theo dõi tình hình trên cao điểm.
- Công việc: đo khối lượng đất phải lấp vào hố bom, đếm và phá bom chưa nổ, bom nổ chậm.
⇒ công việc nguy hiểm, hoàn cảnh sống khắc nghiệt.
b. Tính cách, tâm hồn của ba cô gái ở tổ đội trinh sát
- Ba cô gái hồn nhiên, mơ mộng, giàu tình cảm:
+ Phương Định hay hát, hay cười một mình; hay ngắm mình trong gương, tự đánh giá mình là một cô gái khá, có hai bím tóc dài đẹp, cổ cao kiêu hãnh, mắt dài, “có cái nhìn sao mà xa xăm”; làm ngơ trước sự trêu đùa, yêu mến của các anh chiến sĩ nhưng thực lòng luôn ngưỡng mộ các anh; có nhiều ước mơ, muốn sống nhiệt huyết, cống hiến
+ Nho: Tính nết trẻ con, thích ăn kẹo, có dáng vẻ bé nhỏ, nhẹ nhàng, nhưng rất bản lĩnh, rắn rỏ; ước mơ trở thành thợ hàn trong một nhà máy thủy điện lớn, chơi bóng chuyền giỏi.
+ Chị Thao: thích chép bài hát, chăm chút tỉa tót đôi lông mày, mong muốn được làm y sĩ, lấy được chồng là bộ đội.
- Cả ba đều hay nhớ về quê hương Hà thành: khi nhận được thư của bạn Nho, khi hát, khi suy nghĩ vu vơ, ngóng từng đoàn xe dưới xuôi đi qua để hỏi thăm tin tức.
- Mối quan hệ, tình cảm với đồng đội:
+ Họ yêu mến, quan tâm nhau như người thân.
+ Sự quan tâm, gắn kết của các đơn vị: tổ trinh sát làm việc trên cao xạ luôn báo cáo tình hình chính xác cho đơn vị phía dưới, đơn vị luôn sẵn sàng chi viện cho tổ (qua những lời nhắc nhở của đại đội trưởng).
c. Sự gan dạ, chất anh hùng của ba cô gái trong đội trinh sát
- Nghiêm túc trong công việc: Phương Định hay hát và nghĩ vẩn vơ, Nho thêu thùa, chị Thoa chép bài hát, nhưng khi có máy bay địch là tất cả ở tư thế sẵn sàng. Chị Thoa chỉ đạo, Phương Định và Nho được giao việc gì cũng hoàn thành.
- Tinh thần dũng cảm:
+ Phương Định: bình tĩnh, đàng hoàng bước tới quả bom chứ không đi khom, đào đất quanh bom có lúc lưỡi xẻng chạm trúng vào quả bom cũng không sợ.
+ Nho: luôn sẵn sàng chiến đấu
+ Chị Thao: cương quyết, táo bạo, chỉ huy cả đội trinh sát
- Trên người ai cũng có vô số vết thương to nhỏ: chị Thao có 9 vết thương, Nho 5 vết, Phương Định 4 vết, dù vết thương chưa khép miệng, dù chân tay đau nhức nhưng quyết không nằm trong quân y, vẫn chạy trên cao điểm phá bom.
⇒ Coi cái chết rất nhẹ, dù bị thương, bị vùi trong đất, mệt lả nhưng vẫn đùa vui trong gian khổ, coi việc bị thương là “xúi quẩy tí”, coi công việc của mình cũng có cái thú vị riêng.
d. Nghệ thuật
- Ngôi kể thứ nhất, nhân vật xưng tôi: câu chuyện chân thực giàu cảm xúc, các nhân vật, sự kiện được tái hiện qua con mắt nhân vật Phương Định.
- Xây dựng nhân vật hay hồi tưởng, cho thấy nỗi nhớ quê hương, nhớ những ngày mới ra chiến trường của nhân vật
- Ngôn ngữ đối thoại ngắn gọn, mang tính mệnh lệnh, giúp bộc lộ sự quyết đoán, nhanh nhẹn, mạnh mẽ trong công việc của các nữ thanh niên xung phong. Nghệ thuật chọn lọc hình ảnh miêu tả đắt giá: lột tả được vẻ đẹp con người trước chiến tranh khốc liệt.
- Miêu tả các nhân vật chỉ bằng một vài nét chấm phá nhưng làm bật lên được tính cách, nội tâm nhân vật.
3. Kết bài
- Tác giả đã tái hiện lại một thời kì chiến tranh gian khó, khốc liệt, làm nổi bật lên hình ảnh những nữ thanh niên xung phong trẻ trung, nhiệt huyết, gan dạ, kiên cường.
Nghệ thuật truyện ngắn đặc sắc: sử dụng dòng thời gian hồi tưởng xen lẫn thực tại, giọng kể bình thản càng tôn lên phẩm chất anh hùng của các nhân vật, sử dụng hình ảnh miêu tả sự tàn khốc của chiến tranh.
2. Viết bài
- Dựa vào dàn ý, triển khai bài viết theo hệ thống luận điểm đã xây dựng. Xác định rõ mục đích viết bài văn phân tích tác phẩm truyện để không viết theo lối kể chuyện hay nêu cầm nghĩ về câu chuyện đã đọc.
- Mỗi luận điểm cần được làm sáng tỏ bằng các lí lẽ, bằng chứng. Khi phân tích, cần bám sát sự kiện, nhân vật, ngôi kể, ngôn ngữ,... Chú ý phân tích có diện, có điểm, lựa chọn được các yếu tố đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm để đi sâu khai thác.
Bài viết tham khảo
Có lẽ không nơi đâu như mảnh đất Việt Nam này, mỗi con đường, góc phố, cánh rừng đều in đậm vẻ đẹp của những con người hiền hòa mà anh dũng. Nhất là trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có biết bao con người trẻ tuổi khoác ba lô ra chiến trường để chiến đấu và làm việc, vì một lý tưởng cao cả là giành lại độc lập tự do cho quê hương mình. Rất nhiều tác phẩm văn học đã sinh ra từ không khí hào hùng của thời đại đó. Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi được Lê Minh Khuê viết vào năm 1971, khi cuộc chiến đấu của quân dân ta đang ở giai đoạn cam go, ác liệt nhất. Tác phẩm ra đời từ một ngòi bút trực tiếp tham gia công tác và chiến đấu tại tuyến đường Trường Sơn, nên đã chuyển tải được sự ác liệt của bom đạn và làm nổi bật lên vẻ đẹp tâm hồn của những con người Việt Nam trẻ tuổi, mà đại diện tiêu biểu chính là Nho, Thao và Phương Định.
Hãy xem hoàn cảnh sống và chiến đấu của các nhân vật chính trong tác phẩm. Họ là ba cô gái sống trong một cái hang dưới chân cao điểm. Nơi này đạn bom luôn làm rung chuyển mặt đất. Công việc của họ là trinh sát mặt đường, đo khối lượng đất đá cần để lấp hố bom, phát hiện, đếm những quả bom nổ chậm, và tìm cách phá bom để bảo vệ con đường. Nơi ở là nơi nguy hiểm, công việc thì luôn phải đối đầu với cái chết. Bên cạnh đó, họ phải chịu đựng nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhưng ở họ, ta lại cảm nhận được một tinh thần đoàn kết sâu sắc. Họ như kết thành một khối, có sức mạnh để vượt qua tất cả.
Lê Minh Khuê miêu tả từng nhân vật với những nét tính cách khác nhau. Đầu tiên là chị Thao, tiểu đội trưởng. Thao xứng đáng là người chỉ huy của cả đội, bởi chị lúc nào cũng rất bình tĩnh. Tình thế càng nguy hiểm thì sự bình tĩnh đó càng lộ ra rõ rệt, "những khi biết rằng cái sắp tới sẽ không êm ả thì chị tỏ ra bình tĩnh đến phát bực". Sự bình tĩnh đó giúp cho việc thực hiện nhiệm vụ lúc nào cũng chính xác và hiệu quả. Ấy vậy mà cô gái này lại "thấy máu, thấy vắt là chị nhắm mắt lại, mặt tái mét, áo lót của chị cái nào cũng thêu chỉ màu. Chị lại hay tỉa đôi lông mày của mình, tỉa nhỏ như cái tăm.", đó là vẻ đẹp mang màu sắc nữ tính của chị Thao. Thao điệu đà, thích chép những bài hát vào một cuốn sổ, nhưng trong công tác thì vô cùng táo bạo và cương quyết. Mệnh lệnh của chị Thao luôn được Nho và Phương Đinh tuân thủ chặt chẽ. Tính kỷ luật của tiểu đội được đặt lên hàng đầu.
Còn khi miêu tả Nho, nhà văn để cho nhân vật xuất hiện trong cái nhìn rất thương mến của Phương Định. Đó là lúc Nho đi từ dưới suối lên, cái cổ tròn, trông nhẹ "mát mẻ như một que kem". Nho có những mơ ước bình dị "Xong chiến tranh, sẽ xin vào một nhà máy thuỷ điện lớn. Nó làm thợ hàn, sẽ trở thành cầu thủ bóng chuyền của nhà máy. Nó sẽ đập thật giỏi. Và biết đâu lại sẽ được người ta tuyển vào đội bóng chuyền miền bắc". Vẻ đẹp của Nho giản dị như thế đấy, nhưng cô gái thanh niên xung phong này có thể đảm đương những nhiệm vụ khó khăn nhất. Khi phá bom: "Nho hai quả dưới lòng đường". Khi bị thương, Nho vẫn điềm tĩnh, đòi uống nước, và tinh nghịch trước cơn mưa đá bất chợt ào đến. Nho thật đáng yêu và đáng khâm phục.
Nhưng có thể nói nhân vật trung tâm mà Lê Minh Khuê miêu tả thật sâu sắc phải kế đến Phương Định, người ở ngôi thứ nhất kể lại câu chuyện này. Về nguồn gốc xuất thân, Phương Định vốn là một cô gái Hà Nội vừa rời ghế nhà trường đã xung phong ra trận, đó là vẻ đẹp lý tưởng ở những con người trẻ tuổi thuộc thế hệ đánh Mỹ. Ngoại hình của Phương Định khá xinh đẹp, "nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như cái đài hoa loa kèn. Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: "Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!".... Vẻ đẹp tươi tắn đó của Phương Định hoàn toàn tương phản với khung cảnh chiến tranh, nó khiến cho người đọc thêm căm ghét cuộc chiến tranh xâm lược tàn ác mà kẻ thù đã gây ra.
Nhà văn miêu tả tính cách của Phương Định vẫn còn nhiều nét lãng mạn, tinh nghịch. Cô thích ca hát: "Tôi thích nhiều bài hát, dân ca quan họ dịu dàng, dân ca Ý trữ tình giàu có". Cô cũng thích ngắm mình trong gương. Nhiều anh bộ đội thầm thương trộm nhớ, nhưng Phương Định cũng không kiêu căng, vì đối với cô, các anh bộ đội chính là những con người đẹp nhất. Những cử chỉ, hành động và suy nghĩ của Phương Định cho ta thấy cô gái này là một con người giản dị, yêu đời, rất đỗi ngây thơ, trong sáng và có nội tâm phong phú.
Trong truyện ngắn, nhà văn Lê Minh Khuê đã khám phá ra đằng sau vẻ đẹp dịu dàng của Phương Định là một tâm hồn đầy sức mạnh và lòng dũng cảm của một người chiến sĩ. Điều này thể hiện trong những lần Phương Định phá bom. Quả bom của kẻ thù là phương tiện tàn ác gieo rắc cái chết, để có những con đường an toàn cho đoàn xe ra trận, Phương Định và đồng đội của cô đối mặt với những quả bom đáng sợ đó. Nhà văn Lê Minh Khuê không né tránh miêu tả thực tại phũ phàng trần trụi của chiến tranh. Đó là lúc Phương Định để lộ mình trên cao điểm, và cảm nhận sự hiểm nguy sát ngay bên cạnh. Nhưng cũng chính giây phút đó, cô gái thanh niên xung phong không thấy mình đơn độc, cô cảm thấy ánh mắt của các anh bộ đội đang dõi theo mình, động viên và bảo vệ. Vì thế, Phương Định không đi khom, cô giữ tư thế hiên ngang khi đến gần quả bom. "Cảm thấy có ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi lom khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới". Tâm trạng của Phương Định lúc đó thật bình tĩnh, dù rất căng thẳng. Những cử chỉ của cô khi phá bom rất chuẩn xác: cẩn thận bỏ gói thuốc nổ cạnh quả bom, khoan đất, chạy lại chỗ núp, nép người vào bức tường, nhìn đồng hồ... Những lúc như thế, Phương Định cũng có nghĩ đến cái chết, nhưng tinh thần trách nhiệm và khát khao hoàn thành nhiệm vụ mạnh mẽ hơn. Phương Định hiểu rõ ý nghĩa việc mình làm, thế nên đối mặt với cái chết, cô vẫn chủ động, bình tĩnh, dũng cảm và sẵn sàng hi sinh cho con đường ra trận được thông suốt. Đó chính là vẻ đẹp tâm hồn cao cả của cô và đồng đội!
Là một cô gái thanh niên xung phong anh dũng, nhưng trái tim Phương Định lại dịu dàng và chan chứa yêu thương, nhất là đối với những người đồng đội cô xem như ruột thịt. Khi thấy Nho bị bom vùi, Phương Định cuống cuồng bới đất cứu bạn, và chăm sóc Nho với tất cả tấm lòng người chị em gái. Đối với chị Thao, Phương Định cũng hiểu rõ tính cách, sở thích và những tâm tình của bạn, sẵn sàng giúp đỡ và sẻ chia tâm sự. Nghe giọng hát rất chua của chị Thao, Phương Định cảm thấy sự thân thiết và niềm động viên khi tình thế nước sôi lửa bỏng.Cũng như Thao và Nho, Phương Định có một tâm hồn trong sáng, nhạy cảm. Trong những ngày xa Hà Nội, cô nhớ da diết những hình ảnh thân thương của quê hương, nhớ xe bán kem, nhớ cả những ngôi sao xa xôi trên bầu trời Hà Nội. Đó là những kỷ niệm đẹp đẽ mà Phương Định đã gói ghém làm hành trang khi tham gia vào cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc đánh Mỹ.
Có thể nói, ở ba cô gái này, ta cảm nhận những nét tính cách đối lập: họ vừa là người chiến sĩ dũng cảm, gan dạ, sẵn sàng hi sinh cho Tổ quốc, vừa là ba cô gái hồn nhiên, đầy nữ tính và có lòng yêu quê hương đất nước lắng sâu da diết. Đó không phải chỉ là vẻ đẹp tâm hồn của riêng họ, mà là nét đẹp tâm hồn chung của những con người Việt Nam trẻ tuổi thời đại chống Mỹ cứu nước.
Lê Minh Khuê đã chọn cho mình một cách viết thật bình dị, với ngôn từ mang đậm hơi thở của chiến tranh. Ngôi kể của truyện là Phương Định - "tôi", thế nên lời kể thật tự nhiên và trẻ trung. Có lẽ bản thân nhà văn từng là một cô gái thanh niên xung phong, nên bà miêu tả tâm lý nhân vật rất thật, rất tinh tế. Từ đó, bà đã làm nổi bật tâm hồn trong sáng, mơ mộng, tinh thần dũng cảm, cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, hi sinh nhưng hồn nhiên và lạc quan của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn đầy khói lửa. Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi có thể được coi là một khúc ca ca ngợi vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam:
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai"
(Tố Hữu)
3. Chỉnh sửa bài viết
Với bài viết phân tích tác phẩm truyện, cần tập trung vào một số vấn đề sau:
- Giới thiệu được tác giả, tác phẩm và nêu được ý kiến khái quát về tác phẩm Nếu chưa thì bổ sung.
- Nêu được nội dung chính và chủ đề của truyện. Nếu chưa nêu được hoặc nêu chưa rõ, chưa chính xác thì bổ sung, chỉnh sửa.
- Chỉ ra và phân tích được tác dụng của một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm. Nếu có yếu tố nghệ thuật cần được làm nổi bật hơn nữa thì tập trung phân tích sâu yếu tố đó để không rơi vào tình trạng phân tích dàn trải.