X

Soạn văn lớp 12

Câu hỏi bài Chiếc thuyền ngoài xa chọn lọc - Ngữ văn lớp 12


Câu hỏi bài Chiếc thuyền ngoài xa chọn lọc

Trọn bộ câu hỏi ôn tập về bài Chiếc thuyền ngoài xa Ngữ văn lớp 12 chọn lọc, cực hay. Với bộ câu hỏi bài Chiếc thuyền ngoài xa này, học sinh sẽ ôn tập, nắm vững kiến thức môn Ngữ văn 12 để đạt điểm cao trong các bài thi môn Ngữ văn 12.

Câu hỏi bài Chiếc thuyền ngoài xa chọn lọc - Ngữ văn lớp 12

Câu hỏi: Thể loại của văn bản Chiếc thuyền ngoài xa

Trả lời:

Thể loại của văn bản Chiếc thuyền ngoài xa là truyện ngắn.

Câu hỏi: Hoàn cảnh sáng tác của Chiếc thuyền ngoài xa

Trả lời:

- Tác phẩm được viết vào tháng 8 năm 1983.

- Truyện ngắn lúc đầu được in trong tập Bến quê (1985), sau được nhà văn lấy làm tên chung cho một tuyển tập truyện ngắn cùng tên (1987).

Câu hỏi: Giá trị nội dung của Chiếc thuyền ngoài xa

Trả lời:

Từ câu chuyện về một bức ảnh nghệ thuật và sự thật cuộc đòi đằng sau bức ảnh, truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa mang đến một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: một cách nhìn đa diện, nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thật sau vẻ đẹp bên ngoài của hiện tượng.

Câu hỏi: Giá trị nghệ thuật của Chiếc thuyền ngoài xa

Trả lời:

- Cốt truyện có nhiều tình huống độc đáo, có ý nghĩa khám phá, phát hiện về đời sống.

- Chọn ngôi kể, hình thức kể chuyện phù hợp.

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo, đặc sắc.

- Xây dựng nhiều hình ảnh, hình tượng vừa chân thực vừa chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc.

Câu hỏi: Chủ đề của Chiếc thuyền ngoài xa

Trả lời:

Chủ đề của Chiếc thuyền ngoài xa là những cảnh đời, thân phận trớ trêu của con người và gửi gắm chiêm nghiệm sâu sắc của tác giả về nghệ thuật. Nghệ thuật chân chính phải luôn luôn gắn bó với cuộc đời và vì cuộc đời và cần phải nhìn nhận cuộc sống và con người một cách đa diện.

Câu hỏi: Ý nghĩa nhan đề Chiếc thuyền ngoài xa

Trả lời:

- Hình ảnh một cánh buồm nhòa mờ trong màn sương huyền ảo của buổi sớm mai trên biển xa. Vẻ đẹp hài hòa, toàn bích như trong một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ khiến người nghệ sĩ xúc động như vừa khám phá thấy chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn.

- Đằng sau vẻ đẹp tuyệt diệu ấy lại là cuộc sống của những người dân chài bị giam cầm bởi đói nghèo tăm tối và bạo lực gia đình.

→ Sự đối lập giữa ngoại cảnh và hiện thực cuộc sống.

⇒ Ý nghĩa về cách nhìn cuộc sống: Không phải bao giờ cái đẹp cũng tồn tại song song với cái thiện, không phải cái bên ngoài lúc nào cũng thể hiện bản chất bên trong và muốn hiểu đúng một con người, hiểu cuộc sống cần có cái nhìn thấu đáo, đa chiều, sâu sắc ở nhiều góc độ. Và chỉ khi nào người nghệ sĩ có trách nhiệm trong cái nhìn hiện thực cuộc sống, có mối quan hoài thường trực về số phận, hạnh phúc của những người xung quanh thì khi ấy tác phẩm nghệ thuật mới đạt được giá trị cao nhất.

Câu hỏi: Phát hiện thứ nhất của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng trong Chiếc thuyền ngoài xa

Trả lời:

- Vẻ đẹp trời cho mà cả đời bấm máy người nghệ sĩ chỉ có diễm phúc bắt gặp một lần: Mũi thuyền in... trên chiếc mui khum khum...

+ Một bức tranh mực tàu thời cổ.

+ Toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hoà.

+ Một vẻ đẹp toàn bích.

→ Những từ ngữ ấn tượng ca ngợi bức tranh thiên nhiên hoàn mĩ với vẻ đẹp cổ điển mà lãng mạn của bức tranh biển lúc bình minh.

- Cảm xúc của người nghệ sĩ: ngây ngất, bay bổng, tràn ngập hạnh phúc đến mức anh ″tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lí của sự hoàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn″.

Câu hỏi: Phát hiện thứ hai của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng trong Chiếc thuyền ngoài xa

Trả lời:

- Chiếc thuyền đẹp như mơ >< Hai vợ chồng thuyền chài.

+ Chồng: hành động vũ phu để giải toả.

+ Vợ: cam chịu, nhẫn nhục.

+ Thằng bé: như một viên đạn trên đường lao tới đích nhảy xổ vào gã đàn ông.

→ Tâm hồn thăng hoa → Tâm hồn choáng váng.

→ Một bi kịch ngang trái mà người nghệ sĩ phải chứng kiến đúng lúc cảm xúc nghệ thuật đang thăng hoa.

⇒ Người nghệ sĩ nhận ra rằng: đằng sau cái đẹp không phải bao giờ cũng là chân lí của sự hoàn thiện, là đạo đức. Cuộc đời vốn chứa đựng nhiều điều phức tạp, đầy mâu thuẫn.

Câu hỏi: Nhân vật người đàn bà ở tòa án huyện trong Chiếc thuyền ngoài xa

Trả lời:

- Gọi là người đàn bà một cách phiếm định → người đàn bà vô danh như bao người đàn bà vùng biển khác.

- Cuộc đời bất hạnh, chứa đầy mâu thuẫn, bi kịch: nghèo khổ, con đông, bị chồng hành hạ, đánh đập.

- Thấu hiểu chồng, những gì chồng mình phải trải qua.

- Cam chịu, nhất quyết gắn bó với người đàn ông vũ phu ấy vì:

+ Trong cuộc mưu sinh đầy cam go để kiếm sống ngoài biển khơi cần có một người đàn ông khoẻ mạnh và biết nghề.

+ Những đứa con của bà cần được sống và lớn lên: Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình.

⇒ Trong đau khổ triền miên, người đàn bà ấy vẫn chắt lọc được những niềm vui hạnh phúc nhỏ nhoi. Ẩn trong đó hạt ngọc ẩn sâu bên trong tâm hồn con người lao động lam lũ, vất vả. Qua đó, thấp thoáng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung, vị tha, đầy cảm thông.

Câu hỏi: Nhân vật nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng trong Chiếc thuyền ngoài xa

Trả lời:

- Vốn là nghệ sĩ, chiến sĩ, nhạy cảm với cái đẹp và ghét áp bức bất công.

- Chưa hiểu hết những phức tạp của cuộc đời, của con người: không thể nào hiểu được, không thể nào hiểu được, vỡ lẽ nhiều điều, hiểu hơn về con người, cuộc đời.

⇒ Phùng là một nghệ sĩ chân chính, có trái tim nhân hậu: không chỉ say mê nghệ thuật mà còn luôn trăn trở, suy nghĩ về lẽ sống; biết thông cảm, sẻ chia và bênh vực cho những mảnh đời bất hạnh.

Câu hỏi: Nhân vật lão đàn ông độc ác trong Chiếc thuyền ngoài xa

Trả lời:

- Lai lịch của nhân vật: Không đi lính ngụy mà trốn quân dịch cho nên cuộc sống của hắn nghèo khổ, túng quẫn và gặp người đàn bà nên vợ nên chồng. Trước là một anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm nhưng giờ trở thành người chồng vũ phu.

- Ngoại hình: Lưng rộng và cong như một chiếc thuyền, mái tóc tổ quạ, chân đi chữ bát, bước từng bước chắc chắn, hàng lông mày cháy nắng và hai con mắt độc dữ….

- Hành động đánh vợ của gã đàn ông diễn ra một cách thô bạo: lão rút trong người ra một chiếc thắt lưng của lính ngụy ngày xưa….chẳng nói chẳng rằng lão trút cơn giận như lửa cháy…quật tới tấp vào lưng người đàn bà.

- Đi đôi với hành động trên là những lời chửi mắng độc địa: Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ!.

- Sự tàn độc của gã đàn ông thuyền chài xảy ra mà nó diễn như cơm bữa: Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng.

⇒ Người đàn ông thuyền chài được tác giả đặt vào trong những tình huống và góc nhìn của các nhân vật khác cho ta thấy nhân vật này vừa tàn nhẫn nhưng cũng vừa đau đớn, xót xa của một phận người khốn khổ.

Câu hỏi: Nhân vật chánh án Đẩu trong Chiếc thuyền ngoài xa

Trả lời:

- Tin giải pháp anh lựa chọn cho người đàn bà là đúng nhất.

- Thay đổi cái nhìn, hiểu hơn về con người, cuộc đời Phải, phải, bây giờ tôi đã hiểu.

⇒ Vị Bao Công vùng biển nhưng thiếu cái nhìn thực tế.

Xem thêm bộ câu hỏi theo bài học môn Ngữ văn lớp 12 chọn lọc, hay khác: