X

Soạn văn lớp 12

Câu hỏi bài Một người Hà Nội chọn lọc - Ngữ văn lớp 12


Câu hỏi bài Một người Hà Nội chọn lọc

Trọn bộ câu hỏi ôn tập về bài Một người Hà Nội Ngữ văn lớp 12 chọn lọc, cực hay. Với bộ câu hỏi bài Một người Hà Nội này, học sinh sẽ ôn tập, nắm vững kiến thức môn Ngữ văn 12 để đạt điểm cao trong các bài thi môn Ngữ văn 12.

Câu hỏi bài Một người Hà Nội chọn lọc - Ngữ văn lớp 12

Câu hỏi: Thể loại của văn bản Một người Hà Nội?

Trả lời:

Thể loại của văn bản Một người Hà Nội là truyện ngắn.

Câu hỏi: Hoàn cảnh sáng tác của Một người Hà Nội?

Trả lời:

- Tác phẩm in trong tập truyện ngắn cùng tên (1990) của Nguyễn Khải.

- Hoàn cảnh ra đời: 19 – 1 – 1990, khi đất nước có nhiều thăng trầm, biến động, những giá trị truyền thồng cũng dần phai mờ, đặc biệt là những giá trị của người Hà Nội.

Câu hỏi: Giá trị nội dung của Một người Hà Nội?

Trả lời:

- Khẳng định sức sống bền bỉ của các giá trị văn hóa mang nét đẹp Hà Nội.

- Gửi gắm niềm thiết tha gìn giữ các giá trị ấy cho hôm nay và cho cả mai sau.

- Nhân vật cô Hiền là “Một người Hà Nội” mãi mãi là hạt bụi vàng trong bể vàng trầm tích của văn hóa xứ sở.

Câu hỏi: Giá trị nghệ thuật của Một người Hà Nội?

Trả lời:

- Giọng điệu trần thuật: vừa tự nhiên, dân dã, hài hước vừa chiêm nghiệm, suy tư, triết lí.

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật: khắc họa nhân vật thông qua suy nghĩ, lời nói, hành động. Nhân vật được cá thể hóa cao độ với lứa tuổi, giai tầng, tính cách, cuộc đời riêng.

Câu hỏi: Chủ đề của Một người Hà Nội?

Trả lời:

Chủ đề của Một người Hà Nội là nói về bản chất kinh kì trong một người Hà Nội bình thường, từ đó khẳng định vẻ đẹp và chiều sâu văn hóa của những người Hà Nội nói chung.

Câu hỏi: Ý nghĩa nhan đề của Một người Hà Nội?

Trả lời:

- Nhan đề tác phẩm như kết lắng lại những suy tư của tác giả về bà Hiền - một người Hà Nội tiêu biểu trong những người Hà Nội. Trong mắt nhìn của tác giả, bà Hiền là biểu tượng của đất Hà thành, một thế hệ mang đậm “chất kinh kì” còn ở lại cùng Hà Nội hôm nay.

- Tác giả muốn khắc đậm bản lĩnh cốt cách người Hà Nội.

- Đồng thời, khi truyện ngắn này được đưa vào tập truyện Hà Nội trong mắt tôi (1995), nhan đề vừa gợi một biểu tượng về Hà Nội, kích thích trí tò mò, hứng thú của độc giả vừa thể hiện những suy tư của tác giả về con người, tính cách, lối sống Hà Nội trước những biến thiên của lịch sử.

Câu hỏi: Nhân vật cô Hiền trong Một người Hà Nội?

Trả lời:

*Lai lịch: gốc Hà Nội, có nhan sắc, thông minh, gia đình nề nếp, yêu văn chương.

*Nếp sống:

- Hôn nhân: Nghiêm túc, thực tế.

- Sinh con: Có ý thức trách nhiệm.

- Quản lý gia đình: Chủ động, tự tin trong vai trò của người mẹ, người vợ.

- Dạy con: Chú ý đến văn hóa của người Hà Nội.

- Cách sinh hoạt: không thay đổi trước biến động của thời cuộc.

⇒ Cô Hiền là người bản lĩnh, thức thời, khôn ngoan và sắc sảo.

*Cách ứng xử trước thời cuộc:

- Trước 1955: Ở lại Hà Nội. → Có tình yêu Hà Nội, gắn bó với Hà Nội.

- Sau năm 1955: Nhận ra niềm vui hơi quá mức và có phần thỏa mãn của con người sau chiến thắng. → Trầm tĩnh, từng trải và tỉnh táo.

- Trong thời kỳ kháng chiến chống Mĩ: tôn trọng danh dự của con, bằng lòng cho con ra trận. → Là người giàu lòng tự trọng, có ý thức trách nhiệm với cộng đồng.

⇒ Cô Hiền là người luôn có ý thức giữ gìn nền nếp gia phong, truyền thống của đất kinh kì, là một nhân cách sống biết tự trọng.

Câu hỏi: Nhân vật “tôi” (người kể chuyện) trong Một người Hà Nội?

Trả lời:

- Yêu Hà Nội, hiểu Hà Nội, say mê nét đẹp văn hóa của người Hà Nội.

- Có cái nhìn lịch lãm, sâu sắc.

- Cách kể chuyện vừa thân tình vừa hóm hỉnh nhưng vẫn khẳng định được giá trị của kinh nghiệm cá nhân.

- Giọng kể: Chiêm nghiệm - triết lý.

- Ngôn ngữ: vừa giản dị vừa giàu ngụ ý và triết lý.

Câu hỏi: Nhân vật Dũng trong Một người Hà Nội?

Trả lời:

- Là đứa con trai đầu mà cô Hiền rất yêu quý. Anh đã sống đúng với những lời mẹ dạy về cách sống của người Hà Nội.

- Năm 1965, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra ác liệt, Dũng vừa tốt nghiệp trung học và ngay lập tức tình nguyện đăng kí xin đi đánh Mĩ. Tháng tư anh lên Thái Nguyên huấn luyện, tháng bảy vào Nam, anh đã chiến đấu suốt mười năm trời và đã trở về. Nhưng có biết bao người đồng đội của anh không có mặt trong ngày toàn thắng. → Anh đã lên đường hiến dâng tuổi xuân của mình cho đất nước. Góp phần tô thắm thêm cốt cách tin thần người Hà Nội, phẩm giá cao đẹp của con người Việt Nam.

Câu hỏi: Ý nghĩa của câu chuyện "cây si cổ thụ" trong Một người Hà Nội?

Trả lời:

- Chuyện cây si cổ thụ ở đền Ngọc Sơn bị bão đánh bật rễ rồi lại hồi sinh gợi những suy nghĩ, chiêm nghiệm về quy luật bất diệt của sự sống. Cây si mọc ở đền Ngọc Sơn, biểu tượng cho nét cổ kính, linh thiêng của Hà Nội. Nhưng nó cũng có thể bị bão đánh đổ, tán cây đè lên hậu cung, một phần bộ rễ bật đất chổng ngược lên trời.

- Chi tiết thể hiện quy luật vận động khắc nghiệt của xã hội: Hà Nội đẹp đẽ, thanh bình, Hà Nội trải qua bao biến cố dữ dội. Cây si dù bị bật một phần bộ rễ vẫn hồi sinh, lại trổ cành, xanh lá nhờ ý thức bảo vệ của con người. Vẻ đẹp, sức sống, truyền thống văn hóa của Hà Nội cũng bền bỉ, trường tồn cùng tạo vật thiên nhiên.

Câu hỏi: Giọng điệu trần thuật và nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Khải trong Một người Hà Nội?

Trả lời:

- Giọng điệu trần thuật:

+ Một giọng điệu rất trải đời, vừa tự nhiên, dân dã vừa trĩu nặng suy tư, vừa giàu chất khái quát, triết lí.

+ Tính chất đa thanh thể hiện trong lời kể: nhiều giọng (tự tin xen lẫn hoài nghi, tự hào xen lẫn tự trào…).

→ Giọng điệu trần thuật đã làm cho truyện ngắn đậm đặc chất tự sự rất đời thường mà hiện đại.

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Tạo tình huống gặp gỡ giữa nhân vật "tôi" và nhân vật khác. Ngôn ngữ nhân vật góp phần khắc hoạ tính cách.

Câu hỏi: Ý nghĩa hình ảnh một hạt bụi vàng trong Một người Hà Nội

Trả lời:

Bà Hiền xứng đáng được gọi là một hạt bụi vàng của đất Kinh kì. Ý nghĩa của hình ảnh so sánh:

- Hạt bụi vàng là hình ảnh một vật nhỏ bé, khiêm nhường mà cao đẹp, quý báu. Những hạt bụi vàng như thế hợp lại thành ánh vàng chói sáng, đó chính là phẩm giá đã thành bản sắc Hà Nội, thành truyền thống của người Hà Nội nghìn năm văn hiến.

- Là hình ảnh so sánh đặc sắc thể hiện sự khái quát nghệ thuật cao, trong đó có sự đối lập mà thống nhất giữa thân phận và giá trị, biểu hiện được mối gắn bó giữa cá nhân với cộng đồng, chứa đựng niềm trân trọng và tự hào của tác giả.

⇒ Nguyễn Khải đã cô đúc được toàn bộ phẩm chất phong phú của nhân vật cô Hiền vào một chi tiết nhỏ nhưng giàu ý nghĩa biểu tượng, gây ấn tượng sâu đậm với người đọc. 

Xem thêm bộ câu hỏi theo bài học môn Ngữ văn lớp 12 chọn lọc, hay khác: