Câu hỏi bài Những đứa con trong gia đình chọn lọc - Ngữ văn lớp 12
Câu hỏi bài Những đứa con trong gia đình chọn lọc
Trọn bộ câu hỏi ôn tập về bài Những đứa con trong gia đình Ngữ văn lớp 12 chọn lọc, cực hay. Với bộ câu hỏi bài Những đứa con trong gia đình này, học sinh sẽ ôn tập, nắm vững kiến thức môn Ngữ văn 12 để đạt điểm cao trong các bài thi môn Ngữ văn 12.
Câu hỏi: Thể loại của văn bản Những đứa con trong gia đình
Trả lời:
Thể loại của văn bản Những đứa con trong gia đình là truyện ngắn.
Câu hỏi: Hoàn cảnh sáng tác của Những đứa con trong gia đình
Trả lời:
- Viết năm 1966 giữa những tháng ngày ác liệt của chiến tranh chống Mĩ.
- Sau in trong tập Truyện và kí (1978).
Câu hỏi: Giá trị nội dung của Những đứa con trong gia đình
Trả lời:
Truyện kể về những người con trong một gia đình nông dân Nam Bộ có truyền thống yêu nước, căm thù giặc, thủy chung son sắt với quê hướng cách mạng. Chính sự gắn bó sâu nặng giữa tình cảm gia đình với tình yêu nước, giữa truyền thống gia đình với truyền thống dân tộc đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
Câu hỏi: Giá trị nghệ thuật của Những đứa con trong gia đình
Trả lời:
- Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo.
- Nghệ thuật trần thuật (nghệ thuật kể chuyện) qua dòng hồi tưởng của nhân vật góp phần giúp nhân vật bộc lộ tính cách của mình và tác phẩm đậm chất trữ tình.
- Ngôn ngữ bình dị, phong phú, giàu giá trị tạo hình và đậm chất Nam Bộ.
- Chi tiết được chọn lọc vừa cụ thể vừa giàu ý nghĩa gây ấn tượng mạnh đến người đọc, làm nổi rõ góc cạnh của cuộc sống.
Câu hỏi: Chủ đề của Những đứa con trong gia đình
Trả lời:
Chủ đề của Những đứa con trong gia đình là ngợi ca tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng của một gia đình miền Nam trong kháng chiến chống Mĩ.
Câu hỏi: Ý nghĩa nhan đề Những đứa con trong gia đình
Trả lời:
- Đó là những con người được nuôi dưỡng và trưởng thành trong gia đình có truyền thống tốt đẹp, đáng tự hào.
- Họ là những con người đã tiếp nối xứng đáng truyền thống cách mạng của gia đình.
- Khẳng định, ngợi ca mối liên kết bền chặt, thiêng liêng giữa các thế hệ trong gia đình, giữa con người với gia đình.
Câu hỏi: Truyền thống gắn bó những người con trong Những đứa con trong gia đình
Trả lời:
- Căm thù giặc sâu sắc.
- Gan góc, dũng cảm, khao khát, chiến đấu, giết giặc.
- Giàu tình nghĩa, rất mực thủy chung son sắt với quê hương, Cách mạng.
→ Truyền thống gia đình trong mối quan hệ với truyền thống Cách mạng, dân tộc tạo nên một dòng sông truyền thống.
Câu hỏi: Nhân vật Chiến trong Những đứa con trong gia đình
Trả lời:
- Giống mẹ: Vóc dáng và đức tính gan góc, đảm đang. → Kế thừa
- Tính cách:
+ Vừa trẻ con: tranh công bắt ếch, tranh đi tòng quân, tranh công bắt tàu giặc
+ Vừa ý thức là chị: thương em, lo cho em, nhường nhịn em.
→ Một cô bé hồn nhiên, vô tư ở tuổi mới lớn (tuổi 19).
- Khác mẹ: Trẻ trung, thích làm dáng. Có điều kiện trực tiếp cầm súng đánh giặc trả thù nhà, thực hiện lời thề sắt đá. → Biết kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình và dân tộc.
⇒ Thông qua được những phẩm chất đẹp đẽ của Chiến luôn được Nguyễn Thi miêu tả trong sự soi rọi với hình tượng đẹp nhất, phẩm chất kiên trung của người mẹ. Chiến được Nguyễn Thi xây dựng lên có những nét rất giống mẹ nhưng khác ở hành động quyết định vào bộ đội, Chiến cũng lại quyết định cầm súng đi trả thù cho gia đình, quê hương.
Câu hỏi: Nhân vật Việt trong Những đứa con trong gia đình
Trả lời:
- Tính tình hồn nhiên, trẻ con
+ Luôn giữ trong mình cái ná thun, cho tới khi đã vào bộ đội
+ Vị thương rất nặng nhưng không sợ chết mà lại sợ ma và bóng đêm.
+ Yêu chị nhưng hay tranh giành với chị. Rất yêu quý đồng đội nhưng không nói thật là mình có chị, sợ mất chị, phải giấu chị.
- Có tình thương yêu gia đình sâu đậm:
+ Tình cảm chị em, đối với linh hồn má, với chú Năm.
+ Hình ảnh cha mẹ thân yêu luôn chập chờn trong hồi ức khi bị thương.
- Tính chất anh hùng, tinh thần chiến đấu dũng cảm:
+ Luôn ý thức phải sống và chiến đấu để trả thù nhà, đền nợ nước xứng đáng với truyền thống gia đình.
+ Can đảm chịu đựng khi bị thương.
+ Tư thế luôn sẵn sàng chiến đấu dù đang bị kiệt sức.
→ Một con sóng vươn xa nhất trong dòng sông truyền thống, người tiêu biểu cho tinh thần tiến công cách mạng.
Câu hỏi: Nhân vật chú Năm trong Những đứa con trong gia đình
Trả lời:
- Chú Năm là người thân còn lại của hai chị em Việt và Chiến, chú là điểm tựa tinh thần vững chắc cho sự trưởng thành của các cháu sau này.
- Hay kể về sự tích gia đình, tác giả của cuốn biên niên sử gia đình.
- Dặn dò các cháu, khích lệ, động viên các cháu trong quá trình trưởng thành cũng như đăng kí đi bộ đội.
- Tiếng hò đầy tâm tư: tha thiết, nhắn nhủ, lời thề, trái tim, tâm hồn, luôn hướng về truyền thống, đại diện và lưu giữ truyền thống.
⇒ Ông là khúc thượng nguồn của dòng sông truyền thống, là nơi kết tinh đầy đủ hơn cả truyền thống của gia đình.
Câu hỏi: Những biểu hiện của khuynh hướng sử thi trong Những đứa con trong gia đình
Trả lời:
- Tuy là những câu chuyện về những đứa con trong gia đình, nhưng truyện đã đề cập đến vấn đề cốt tử của quốc gia dân tộc lúc bấy giờ: vận mệnh của đất nước trước nạn ngoại xâm, kẻ thù đã từng chiếm đóng, tàn sát đồng bào ta, quê hương, xóm làng ở miền Nam.
- Qua tác phẩm, tác giả muốn nói lên một sự thực – cũng là một điều kì diệu: lòng yêu nước, ý thức dân tộc đã thấm sâu đến từng người con trong gia đình bình thường nhất khiến họ có một khát khao cháy bỏng là chiến đấu để giết giặc bảo vệ và thống nhất cho Tổ quốc.
- Cả một thế hệ trẻ như Chiến và Việt đã lên đường đi đánh Mĩ như đi trẩy hội mùa xuân, hồn nhiên vô tư, tạo ra một sức mạnh to lớn để chiến thắng kè thù vì trên vai họ có cả thù nhà và nợ nước.
⇒ Chất sử thi trong tác phẩm toát lên từ chính trong cuộc sống đời thường.
Câu hỏi: Ý nghĩa chi tiết khiêng bàn thờ má trong Những đứa con trong gia đình
Trả lời:
- Không khí thiêng liêng đã biến Việt trở thành người lớn: lần đầu tiên Việt thấy rõ lòng mình, Việt thấy thương chị lạ, cảm thấy được trách nhiệm lớn lao của mình vì mối thù với thằng Mỹ đang đè nặng trên vai.
- Bàn thờ má còn là chứng tích tội ác do bọn giặc Mỹ tàn ác để lại, là động lực thúc đẩy chị em Việt ra đi đánh giặc để trả thù nhà, đền nợ nước.
- Hình ảnh còn có ý nghĩa tượng trưng, thể hiện sự trưởng thành của hai chị em là có thể gánh vác việc gia đình và viết tiếp khúc sông của mình trong dòng sông truyền thống gia đình. Hơn thế nữa, thế hệ sau cứng cáp, trưởng thành hơn và có thể đi xa hơn.
- Hình ảnh lãng mạn ở tạm bên nhà chú và đến khi nước nhà độc lập con lại đưa má về, đây là giai đoạn kháng chiến chống Mỹ ác liệt, nhưng Nguyễn Thi vẫn mang một niềm tin vào tương lai tất thắng.
Câu hỏi: Ý nghĩa hình tượng cuốn sổ trong Những đứa con trong gia đình
Trả lời:
- Chú Năm không ghi qua loa mà rất cụ thể: thím Năm chèo xuồng đi rọc lá chuối bị đại bác bắn bể xuồng, khi chết còn mặc cái quần mới, trong túi có hai đồng bạc, bà nội bị lính Tổng phòng bắt, vết đạn bắn thằng giặc trên sông Định Thủy của Chiến và Việt,...
→ Cuốn sổ gia đình ấy đã ghi dấu lại truyền thống yêu nước của gia đình qua các thế hệ.
⇒ Nó là niềm tự hào về truyền thống kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm của một gia đình Nam Bộ. Nó còn là bản án ghi lại tội ác của kẻ thù. Để những thế hệ đi sau mỗi khi đọc lại vẫn còn cảm nhận được máu và nước mắt đang nóng hổi trên từng trang giấy mà khắc sâu lòng căm thù và quyết tâm trả thù.
Câu hỏi: Ý nghĩa tiếng hò của chú Năm trong Những đứa con trong gia đình
Trả lời:
- Tiếng hò thể hiện vẻ đẹp tâm hồn nhân vật. Chú Năm gửi gắm tâm sự của một con người yêu nước, căm thù giặc... Nó là lời nhắn nhủ của thế hệ đi trước với thế hệ sau: phải tiếp nối truyền thống cha anh, là nỗi lòng thiết tha của bậc cha chú truyền sức mạnh cho con cháu ngày ra trận (chú ý các từ: hiệu lệnh, lời thề...).
- Tiếng hò tạo màu sắc Nam Bộ cho tác phẩm, là thức ăn tinh thần chính của người Nam Bộ. Âm thanh tiếng hò vang lên giữa không gian sông nước, vườn cây trái mênh mông... rất giàu sức gợi về một không gian văn hóa đặc trưng Nam Bộ.