Soạn bài Kiến thức ngữ văn trang 11 Tập 1 - ngắn nhất Cánh diều
Haylamdo biên soạn và sưu tầm soạn bài Kiến thức ngữ văn trang 11 Tập 1 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 11 Cánh diều giúp học sinh soạn văn 11 dễ dàng hơn.
Soạn bài Kiến thức ngữ văn trang 11 Tập 1 - ngắn nhất Cánh diều
1. Truyện thơ dân gian
- Truyện thơ dân gian mang các đặc điểm của văn học dân gian: sáng tác tập thể, phương thức lưu truyền chủ yếu bằng con đường truyền miệng, mang tính nguyên hợp.
- Truyện thơ dân gian có sự kết hợp giữa tự sự (yếu tố truyện) và trữ tình (yếu tố thơ).
+ Dựa trên cơ sở này, truyện thơ dân gian có thể chia thành hai nhóm:
o Nhóm tự sự - trữ tình (yếu tố tự sự nổi trội hơn): thường hướng vào đề tài, chủ đề những người nghèo khổ, bất hạnh; ước mơ công lí, chính nghĩa.
o Nhóm trữ tình – tự sự (yếu tố trữ tình nổi trội hơn): thường hướng vào đề tài, chủ đề tình yêu lứa đôi
+ Căn cứ vào đề tài, chủ đề, có thể chia truyện dân gian thành ba nhóm chính: tình yêu lứa đôi; những người nghèo khổ, bất hạnh; ước mơ công lí, chính nghĩa.
- Cốt truyện của truyện thơ dân gian thường gồm ba phần: Gặp gỡ - Thử thách (hoặc Tai biến) – Đoàn tụ.
+ Ở nhóm truyện tự sự - trữ tình, nhiều tác phẩm có cốt truyện giống truyện cổ tích (do truyện dân gian tiếp biến từ truyện cổ tích).
+ Ở nhóm truyện thơ trữ tình – tự sự, tác phẩm thường có kết cấu: Gặp gỡ (yêu nhau, thề nguyền, đính ước,…) – Thử thách (cha mẹ ngăn cấm, ép giả,…) – Đoàn tụ (nơi trần gian hoặc thế giới bên kia).
- Nhân vật của truyện thơ dân gian thường được phân theo loại (tốt – xấu, thiện – ác), được miêu tả qua những biểu hiện bên ngoài (diện mạo, hành động, lời nói) và qua tâm trạng.
- Ngôn ngữ trong truyện thơ dân gian đậm chất dân ca, giàu cảm xúc, giàu hình ảnh, nhạc điệu và các biện pháp tu từ.
2. Truyện thơ Nôm
- Truyện thơ Nôm là truyện thơ được viết bằng chữ Nôm, phần lớn theo thể thơ lục bát. Đặc điểm nổi bật của truyện thơ Nôm là sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình. Truyện thơ Nôm vừa có thể phản ánh cuộc sống qua hệ thống nhân vật, qua một cốt truyện với hệ thống những biến cố, sự kiện, vừa có thể bộc lộc thái độ, cảm xúc, tâm trạng của nhân vật, của tác giả.
- Căn cứ vào nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, có thể phân thành hai nhóm truyện thơ Nôm một cách tương đối: Truyện thơ Nôm bình dân và truyện thơ Nôm bác học.
+ Truyện thơ Nôm bình dân thường khuyết tên tác giả; thường lấy đề tài, cốt truyện từ truyện dân gian như cổ tích; ngôn ngữ thường nôm na, mộc mạc.
+ Truyện thơ Nôm bác học đa số có tên tác giả, thường lấy đề tài, cốt truyện từ những tác phẩm cổ của Trung Quốc nhưng được người viết sáng tạo lại một cách độc đáo. - Cốt truyện của truyện thơ Nôm thường được xây dựng theo mô hình khá ổn định với ba phần cơ bản: Gặp gỡ - Thử thách – Đoàn tụ.
- Nhân vật truyện thơ Nôm thường được phân theo loại chính diện và phản diện. Nhân vật truyện thơ Nôm chủ yếu là con người được miêu tả với những biểu hiện bên ngoài hơn là con người với đời sống nội tâm. Tính cách nhân vật thường tĩnh tại, ít có sự vận động và phát triển, những tác động của hoàn cảnh có tác dụng làm rõ hơn tính cách đã được định hình.
- Trong ba hình thức ngôn ngữ tự sự là ngôn ngữ gián tiếp (lời tác giả), ngôn ngữ trực tiếp (lời nhân vật), ngôn ngữ nửa trực tiếp (lời tác giả nhưng thể hiện cảm xúc, suy tư, giọng điệu nhân vật; lời tác giả và lời nhân vật đan xen vào nhau, khó lòng tách bạch), truyện thơ Nôm thường sử dụng ngôn ngữ gián tiếp. Người kể chuyện thường ở ngôi thứ ba.
- Kiệt tác Truyện Kiều và một số truyện thơ Nôm xuất sắc vừa mang những đặc điểm chung của truyện thơ Nôm, vừa có những sáng tạo riêng mang ý nghĩa cách tân.
3. Biện pháp lặp cấu trúc
Lặp cấu trúc (còn gọi: lặp cú pháp, điệp cú pháp) là biện pháp tu từ cú pháp, theo đó người viết (người nói) lặp lại cấu trúc của một cụm từ, một câu nhằm nhấn mạnh nội dung biểu đạt và tạo nhịp điệu, sự liên kết cho các câu văn, câu thơ.
Lặp cấu trúc thường được dùng nhiều trong phong cách ngôn ngữ chính luận và phong cách ngôn ngữ văn chương.