Soạn bài Kiến thức ngữ văn trang 64 Tập 1 - ngắn nhất Cánh diều
Haylamdo biên soạn và sưu tầm soạn bài Kiến thức ngữ văn trang 64 Tập 1 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 11 Cánh diều giúp học sinh soạn văn 11 dễ dàng hơn.
Soạn bài Kiến thức ngữ văn trang 64 Tập 1 - ngắn nhất Cánh diều
1. Chủ đề chính, chủ đề phụ trong một văn bản có nhiều chủ đề
Chủ đề là vấn đề cơ bản đặt ra trong văn bản. Những tác phẩm văn học lớn thường mang nhiều chủ đề, có chủ đề chính và chủ đề phụ. Chủ đề chính là chủ đề quán xuyến toàn bộ văn bản, chủ đề phụ (còn gọi là chủ đề cục bộ) là chủ đề được thể hiện qua các nhân vật hoặc tình tiết riêng lẻ.
2. Tác dụng của sự thay đổi điểm nhìn trong truyện
Trong quá trình trần thuật, điểm nhìn có thể được chuyển từ người kể chuyện sang nhân vật, từ nhân vật này sang nhân vật khác, giúp đi sâu vào nội tâm nhân vật, mở rộng khả năng bao quát, nhận xét, đánh giá của người trần thuật. Song, xét đến cùng, mọi cách nhìn, xuất phát từ mọi điểm nhìn đều trực tiếp hoặc gián tiếp thể hiện quan niệm, tư tưởng, thái độ của nhà văn. Điều đó giúp cho nhà văn có khả năng nhập vào các vai, chuyển từ vai này sang vai khác một cách tự nhiên; đồng thời, tạo cho tác phẩm nhiều giọng điệu đan xen lẫn nhau, phong phú và biến hóa, làm nên sức hấp dẫn đối với người đọc.
3. Giá trị văn hóa và triết lí nhân sinh trong văn học
- Mỗi tác phẩm văn học là sản phẩm của một nền văn hóa, phản ánh giá trị văn hóa cộng đồng nơi tác phẩm sinh thành.
- Triết lí nhân sinh trong văn học là quan niệm và sự lí giải của nhà văn về các vấn đề chung liên quan đến cuộc sống, số phận con người, sự tồn tại và phát triển của xã hội. Triết lí nhân sinh thường biểu hiện trực tiếp qua lời người kể chuyện.
4. Ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết
- Ngôn ngữ nói có những đặc điểm sau:
+ Phương tiện được sử dụng là âm thanh (phương tiện ngôn ngữ), kết hợp cử chỉ, điệu bộ, nét mặt, ánh mắt,…(phương tiện phi ngôn ngữ) -> không được phổ biến và lưu trữ lâu dài nếu không được ghi lại.
+ Có người nói và người nghe; người nói và người nghe có thể đổi vai cho nhau. Để thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, người đối thoại cần đợi đến lượt lời của mình. Khi đối thoại, do cả người nói và người nghe đều phản ứng nhanh nên người nói cần chú ý cân nhắc sử dụng từ ngữ, cách nói sao cho thuyết phục, lịch sự; người nghe cần tập trung chú ý để hiểu đúng và đầy đủ ý kiến của người nói.
+ Ngôn ngữ nói thường sử dụng những từ ngữ giản dị, dễ hiểu và những từ biểu cảm như trợ từ, thán từ. Nhờ có sự hỗ trợ của bối cảnh giao tiếp, người nói có thể sử dụng các câu rút gọn, câu đặc biệt. Người nói có thể sử dụng những yếu tố chêm xen dư thừa để người nghe dễ theo dõi.
- Ngôn ngữ viết có những đặc điểm sau:
+ Phương tiện được sử dụng là chữ viết (phương tiện ngôn ngữ), kết hợp hình ảnh, kí hiệu, sơ đồ,…(phương tiện ngôn ngữ). -> Các văn bản viết được phổ biến rộng và lưu giữ rất lâu dài.
+ Giao tiếp bằng ngôn ngữ viết là hình thức giao tiếp mà người viết và người đọc không thể ngay lập tức đổi vai cho nhau. Nhưng người viết vẫn phải hình dung là viết cho người đọc nhất định và có thể nhận được phản hồi của người đọc.
+ Ngôn ngữ viết thường là ngôn ngữ được trau chuốt, hoàn chỉnh. Vì đối tượng giao tiếp không có mặt nên người viết cần lựa chọn từ ngữ và cách diễn đạt sao cho người đọc hiểu đúng và hiểu đầy đủ điều mình muốn nói. Ngôn ngữ viết ít sử dụng các câu rút gọn, câu đặc biệt, các yếu tố chêm xen dư thừa
- Trong thực tế sử dụng ngôn ngữ, chúng ta có thể gặp ngôn ngữ nói ở dạng viết (đối thoại của các nhân vật trong truyện, bản ghi các cuộc phỏng vấn, tọa đàm, nói chuyện,…) và ngôn ngữ viết ở dạng nói (thuyết trình trước tập thể, đọc văn bản, báo cáo,…).