Soạn bài Sóng - ngắn nhất Cánh diều
Haylamdo biên soạn và sưu tầm soạn bài Sóng ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 11 Cánh diều giúp học sinh soạn văn 11 dễ dàng hơn.
Soạn bài Sóng - ngắn nhất Cánh diều
1. Chuẩn bị
Yêu cầu (trang 13 sgk Ngữ Văn lớp 11 Tập 1):
- Nhớ lại những kiến thức về thơ đã học để vận dụng đọc hiểu văn bản này.
- Khi đọc hiểu thơ nói chung, các em cần chú ý:
+ Xác định được đề tài, chủ đề, nhân vật trữ tình, nội dung trữ tình,… (Lời của ai? Nói với ai? Nói về điều gì?...)
+ Nhận biết và phân tích được tác dụng của các yếu tố hình thức: nhan đề, thể thơ, vần nhịp, hình ảnh, ngôn từ, các biện pháp nghệ thuật,… trong việc thể hiện nội dung.
+ Hiểu được thông điệp mà bài thơ muốn chuyển đến người đọc và ý nghĩa của thông điệp ấy đối với cuộc sống hiện nay.
- Đọc trước văn bản Sóng, tìm hiểu thêm thông tin về nhà thơ Xuân Quỳnh.
Trả lời:
- Đọc hiểu bài thơ:
+ Đề tài: tình yêu.
+ Chủ đề: mượn hình tượng sóng để diễn tả hình tượng tình yêu của con người.
+ Nhân vật trữ tình: người con gái đang yêu, là sự hóa thân của cái tôi trữ tình.
+ Thể thơ: thơ năm chữ
+ Nhịp điệu bài thơ Sóng: câu thơ được ngắt nhịp linh hoạt, mô phỏng cái đa dạng của nhịp sóng: 2/3; 3/1/1; 3/2.
+ Các biện pháp nghệ thuật: điệp ngữ, đối, ẩn dụ.
+ Thông điệp bài thơ: Dù tình duyên trắc trở thì hãy vẫn mạnh mẽ và vẫn khát khao như Xuân Quỳnh để đến được bến bờ tình yêu.
- Tác giả Xuân Quỳnh: (1942 – 1988) tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh.
+ Quê quán xã La Khê, thị xã Hà Đông, Tỉnh Hà Đông, nay thuộc Quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội. Bà là một trong những nhà thơ nữ Việt Nam với nhiều những tác phẩm thơ nổi tiếng và được nhiều người biết đến.
+ Xuân Quỳnh được xem là một trong nữ thi sĩ nổi tiếng với nhiều những bài thơ đã đi vào lòng của biết bao nhiêu thế hệ như: Thuyền và Biển, Sóng, Tiếng gà trưa, Thơ tình cuối mùa thu,…
+ Nhà thơ đã được nhà nước phong tặng Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về những thành tựu bà đã làm cho nền văn học của nước nhà.
- Hoàn cảnh sáng tác bài Sóng: được sáng tác năm 1967 trong chuyến đi công tác vùng biển Diêm Điền. Trước khi Sóng ra đời, Xuân Quỳnh đã phải nếm trải những đổ vỡ trong tình yêu. Đây là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ và phong cách thơ Xuân Quỳnh. Tác phẩm được in trong tập Hoa dọc chiến hào (1968).
2. Đọc hiểu
*Nội dung chính: Bài thơ nói về tình yêu của người phụ nữ thiết tha, nồng nàn, chung thủy, muốn vượt lên thử thách của thời gian và sự hữu hạn của đời người. Từ đó cho thấy tình yêu là một thứ tình cảm cao đẹp, một hạnh phúc lớn lao của con người.
*Trả lời câu hỏi giữa bài:
Câu 1 (trang 14 sgk Ngữ Văn lớp 11 Tập 1): Chú ý các trạng thái ngược của sóng và nguyên nhân sóng từ sông ra bể.
Trả lời:
- Các trạng thái trái ngược của sóng: Ồn ào - lặng lẽ, dữ dội - dịu êm.
- Nguyên nhân sóng từ sông ra bể: khát vọng muốn vươn xa, thoát khỏi những gì chật chội, nhỏ hẹp và tầm thường.
Câu 2 (trang 14 sgk Ngữ Văn lớp 11 Tập 1): Hình tượng “sóng” gợi lên những suy nghĩ gì về tình yêu?
Trả lời:
- Hình tượng “sóng” thể hiện mong muốn tìm được cội nguồn của tình yêu, lý giải được tình yêu, khát khao hiểu được tình yêu, hiểu được bản thân mình và hiểu được người mình yêu.
Câu 3 (trang 14 sgk Ngữ Văn lớp 11 Tập 1): Tác dụng của biện pháp tu từ điệp (điệp từ ngữ và điệp cú pháp) trong bài thơ là gì?
Trả lời:
Biện pháp nghệ thuật điệp đã được tác giả sử dụng để tăng sức gợi hình, gợi cảm cho bài thơ. Bên cạnh đó, nó cho thấy được nỗi lòng người con gái khi yêu với đủ cung bậc, với đủ những xốn xang trong lòng. Tất cả hòa quyện cho thấy một tình yêu trải qua những chông gai, trắc trở và nỗi nhớ tha thiết của người con gái khi yêu.
Câu 4 (trang 15 sgk Ngữ Văn lớp 11 Tập 1): Chú ý khát vọng của người phụ nữ trong tình yêu.
Trả lời:
- Khát vọng của người phụ nữ trong tình yêu: được hòa mình vào cuộc đời, được sống trong “biển lớn tình yêu” với một tình yêu trường cửu, bất diệt với thời gian.
*Trả lời câu hỏi cuối bài:
Câu 1 (trang 15 sgk Ngữ Văn lớp 11 Tập 1): Em có nhận xét gì về nhịp điệu, âm điệu của bài thơ? Nhịp điệu, âm điệu đó được gợi lên từ những yếu tố nào?
Trả lời:
Âm điệu, nhịp điệu của bài thơ xao xuyến, rộn ràng. Được tạo bởi các yếu tố:
- Những câu thơ năm chữ ngắn gọn
- Nhịp thơ lúc nhịp nhàng, lúc dồn dập
- Vần thơ: đa dạng, linh hoạt bằng các vần chân, vần cách, gợi hình ảnh các đợt sóng nối tiếp nhau.
Câu 2 (trang 15 sgk Ngữ Văn lớp 11 Tập 1): Hình tượng bao trùm, xuyên suốt bài thơ là hình tượng “sóng”, được gợi tả với những biểu hiện khác nhau. Hãy chỉ ra những biểu hiện đó.
Trả lời:
Hình tượng sóng được nhắc đến xuyên suốt bài thơ và mang cả ý nghĩa thực cũng như nghĩa biểu tượng.
- Sóng mang ý nghĩa thực: con sóng ngoài biển khơi có nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, khi “dữ dội” – “dịu êm”, khi “ồn ào” – “lặng lẽ”. Hình tượng sóng được miêu tả chân thực nhưng cũng hết sức sinh động với nhiều trạng thái trái lập, mâu thuẫn với nhau trong cùng một thực thể, một tâm hồn sóng.
- Sóng mang ý nghĩa biểu tượng: Sóng còn là hình ảnh ẩn dụ để Xuân Quỳnh thể hiện ý thơ cho nhân vật trữ tình “em”. Tác giả mượn trạng thái đa dạng của sóng để biểu đạt một tình yêu đầy sôi nổi, chân thành với muôn vàn cung bậc cảm xúc khác nhau.
→ Tác giả cũng thông qua hình tượng sóng thể hiện khát vọng tình yêu dạt dào, mạnh mẽ; muốn chính phục đến mọi giới hạn của tình yêu.
Câu 3 (trang 15 sgk Ngữ Văn lớp 11 Tập 1): Phân tích sự tương đồng giữa tâm trạng của người phụ nữ đang yêu với những trạng thái của sóng trong bài thơ.
Trả lời:
- Sự tương đồng giữa tâm trạng của người phụ nữ đang yêu với những trạng thái của sóng trong bài thơ:
+ Sóng nhớ bờ – em nhớ anh: Nỗi nhớ da diết cả đêm lẫn ngày, cả lúc tỉnh táo nhận thức đến khi chìm vào trong mơ thì nỗi nhớ vẫn len lỏi và tồn tại khôn nguôi.
+ Dữ dội – dịu êm – ồn ào – lặng lẽ: Có đầy đủ hết thảy những cung bậc cảm xúc hỉ nộ ái ố trong tình yêu có thể bắt gặp ở bất cứ cô gái đang yêu nào. Có lúc giận hờn, ghen tuông, lúc vui vẻ, hạnh phúc, lúc trầm ngâm, yên lặng.
+ Nguồn gốc của sóng vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ, ta chỉ nhìn thấy ngọn sóng mà chẳng biết chúng xuất phát nguồn cội từ đâu. Và tình yêu của nhân vật trữ tình “em” cũng thế, chỉ biết yêu là yêu thôi.
+ Con sóng cũng muốn vươn mình ra biển lớn để khám phá thế giới bao la của biển khơi thì người con gái khi yêu cũng muốn mình sẽ chinh phục tình yêu trên cuộc hành trình không giới hạn, vươn mình ra khỏi những tục lệ gò bó, khỏi những rào cản xưa cũ, không chấp nhận sự tù túng, chật hẹp.
+ Sóng luôn vận động không ngừng như tình yêu luôn biến chuyển, luôn trường tồn, hướng đến sự thủy chung, vững bền, dài lâu.
+ Sóng còn là hiện thân của một hiện tượng tự nhiên vĩnh cửu giống như khát vọng tình yêu muôn đời mãnh liệt, người phụ nữ không thể sống thiếu tình yêu, luôn muốn dành cả cuộc đời của mình để tìm và sống với tình yêu đích thực.
=> Hình tượng “sóng” và “em” sánh vai cùng nhau xuyên suốt bài thơ, song kiếm hợp bích hỗ trợ cho nhau tạo nên những ý thơ trọn vẹn nhất và cho ta nhận ra trong tình yêu thì cảm xúc nhiều màu sắc vô cùng. “Sóng” và “nhân vật trữ tình em” tuy hai mà một với những tương đồng, gắn kết với nhau thể hiện được nỗi lòng tác giả muốn truyền tải, ẩn dụ ý thơ về tâm trạng người con gái khi yêu.
Câu 4 (trang 15 sgk Ngữ Văn lớp 11 Tập 1): Chỉ ra và phân tích tác dụng của một số biện pháp tu từ trong bài thơ.
Trả lời:
- Biện pháp tu từ đối lập, nhân hóa (khổ 1): “Dữ dội và dịu êm…Sóng tìm ra tận bể”. → mượn hình ảnh sóng để nói lên tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu, nó như những đợt sóng kia.
- Biện pháp điệp cấu trúc “con sóng” (khổ 5) → Phép điệp sử dụng 3 lần như một điệp khúc của bản tình ca với những giai điệu da diết, như những đợt sóng gối lên nhau.
- Biện pháp tu từ ẩn dụ “ngực trẻ” (hai câu thơ cuối) → Chữ trẻ mang đến cảm nhận về những nhịp sóng muôn đời cồn cào trào dâng mãnh liệt khiến cho biển muôn đời trẻ trung. Tình yêu cũng thế, nó đem đến sự trẻ trung, mạnh mẽ, nhiệt huyết của tuổi thanh xuân cho con người.
Câu 5 (trang 15 sgk Ngữ Văn lớp 11 Tập 1): Nêu cảm nhận của em về tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu qua hai khổ thơ cuối.
Trả lời:
Hai khổ thơ cuối là những lời thổ lộ chân thành của một tâm hồn người phụ nữ đang yêu:
- Một tâm hồn khao khát yêu thương mãnh liệt, sôi nổi, rộn ràng, nhiều cung bậc cảm xúc trong tình yêu và muốn chinh phục mọi giới hạn đặt ra để có tình yêu đích thực.
- Luôn trân trọng và thủy chung với tình yêu của mình.
- Rất chủ động, táo bạo và quyết liệt trong tình yêu nhưng cũng vô cùng nữ tính, dịu dàng.
Câu 6 (trang 15 sgk Ngữ Văn lớp 11 Tập 1): Hình tượng người phụ nữ trong bài thơ Sóng có điểm gì tương đồng và mới so với người phụ nữ trong ca dao hoặc văn học trung đại mà em biết?
Trả lời:
- Điểm tương đồng: đều thể hiện tình yêu mang nét đẹp truyền thống, với những cung bậc tình cảm, tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu: nhân hậu, khao khát yêu thương và luôn hướng tới một tình yêu cao thượng, lớn lao.
- Điểm mới: người phụ nữ trong bài thơ Sóng thể hiện cái tôi trong tình yêu đầy mới mẻ, mạnh mẽ và hiện đại để khẳng định tin bất diệt vào tình yêu, bày tỏ khát vọng thành thực của bản thân rằng muốn được dâng hiến, sống hết mình cho tình yêu.
Câu 7 (trang 15 sgk Ngữ Văn lớp 11 Tập 1): Trong văn học Việt Nam hiện đại, có nhiều câu thơ, bài thơ dùng hình tượng “sóng” và “biển” để nói về tình yêu. Hãy sưu tầm một số câu thơ, bài thơ đó, đồng thời so sánh với bài Sóng để thấy được những sáng tạo đặc sắc của nhà thơ Xuân Quỳnh.
Trả lời:
- Một số bài thơ dùng hình tượng “sóng” và “biển” để nói về tình yêu:
+ Bài thơ “Biển” – Xuân Diệu
… Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ, thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi
Đã hôn rồi, hôn lại
Cho đến mãi muôn đời
Đến tan cả đất trời
Anh mới thôi dào dạt…
+ Bài thơ Biển nhớ - Minh Lý
Em một mình trên biển
Khung trời của riêng anh
Tình em như con sóng
Cuồn cuộn mỗi chiều hè.
Em muốn gửi cho anh
Tình muôn đời thắm mãi
Như bến bờ hoang dại
Yêu mãi biển trong xanh.
Em chờ anh về nhé
Biển mãi gọi tên anh
Gió buồn ru khe khẽ
Lời riêng em ngọt lành.
Về biển khơi anh nhé
Tình nồng bên biển xanh
Con sóng hiền vỗ mãi
Em vẫn hoài chờ anh.
- Qua các bài thơ nói mượn hình tượng “sóng” và “biển” để nói về tình yêu, ta càng thấy rõ nét được những sáng tạo đặc sắc của Nhà thơ Xuân Quỳnh khi viết bài thơ Sóng: âm điệu tự nó tạo thành một hình tượng sóng, phù hợp với nhịp điệu tâm trạng của người con gái đang yêu; hồn thơ của Xuân Quỳnh luôn tự bộc lộ những khát vọng, những say đắm rạo rực, những suy tư day dứt, trăn trở của lòng mình trong tình yêu.