Câu hỏi bài Vợ Nhặt chọn lọc - Ngữ văn lớp 12
Câu hỏi bài Vợ Nhặt chọn lọc
Trọn bộ câu hỏi ôn tập về bài Vợ Nhặt Ngữ văn lớp 12 chọn lọc, cực hay. Với bộ câu hỏi bài Vợ Nhặt này, học sinh sẽ ôn tập, nắm vững kiến thức môn Ngữ văn 12 để đạt điểm cao trong các bài thi môn Ngữ văn 12.
Câu hỏi: Thể loại của văn bản Vợ nhặt
Trả lời:
Thể loại của văn bản Vợ nhặt là truyện ngắn.
Câu hỏi: Hoàn cảnh sáng tác của Vợ nhặt
Trả lời:
Hoàn cảnh sáng tác của Vợ nhặt in trong tập Con chó xấu xí. Tiền thân của truyện ngắn này là tiểu thuyết Xóm ngụ cư – được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám nhưng dang dở và mất bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại (năm 1954), ông dựa vào một phần truyện cũ để viết truyện ngắn này.
Câu hỏi: Giá trị nội dung của Vợ nhặt
Trả lời:
Truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân không chỉ miêu tả tình cảnh thê thảm của người nông dân nước ta trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 mà còn thể hiện đưuọc bản chất tốt đẹp và sức sống kì diệu của họ: ngay trên bờ vực của chết, họ vẫn hướng về sự sống, khát khao tổ ấm gia đình và thương yêu, đùm bọc lẫn nhau
Câu hỏi: Giá trị nghệ thuật của Vợ nhặt
Trả lời:
- Xây dựng tình huống truyện độc đáo, tự nhiên, kết hợp nhuần nhuyễn hai yếu tố hiện thực và nhân đạo.
- Bút pháp phân tích tâm lí nhân vật tinh tế, sâu sắc.
- Nghệ thuật đối thoại, độc thoại nội tâm làm nổi rõ tâm lí của từng nhân vật.
- Ngôn ngữ kể chuyện phong phú, cách kể chuyện gần gũi, tự nhiên.
- Kết cấu truyện đặc sắc.
Trả lời:
Chủ đề của Vợ nhặt là phản ánh đời sống của những con người bần cùng, lương thiện, trong cảnh đói kém khủng khiếp do bọn thực dân phong kiến gây ra.
Câu hỏi: Ý nghĩa nhan đề Vợ nhặt của Kim Lân
Trả lời:
Nhan đề Vợ nhặt thâu tóm giá trị nội dung tư tưởng tác phẩm. Nhặt đi với những thứ không ra gì. Thân phận con người bị rẻ rúng như cái rơm, cái rác, có thể nhặt ở bất kì đâu, bất kì lúc nào. Nhưng vợ lại là sự trân trọng. Người vợ có vị trí trung tâm xây dựng tổ ấm. Người ta hỏi vợ, cưới vợ, còn ở đây Tràng nhặt vợ. Đó thực chất là sự khốn cùng của hoàn cảnh.
⇒Nhan đề vừa thể hiện thảm cảnh của người dân trong nạn đói 1945 vừa bộc lộ sự cưu mang, đùm bọc và khát vọng, sức mạnh hướng tới cuộc sống, tổ ấm, niềm tin của con người trong cảnh khốn cùng.
Câu hỏi: Ý nghĩa tình huống truyện của Vợ nhặt
Trả lời:
– Tình huống truyện: Anh Tràng vừa nghèo, vừa xấu lại là dân ngụ cư thế mà lấy được vợ ngay giữa lúc đói khát, ranh giới giữa sự sống và cái chết hết sức mong manh.
– Tình huống lạ, độc đáo: người như Tràng mà lấy được vợ, thậm chí có vợ theo. Thời buổi đói khát này, người như Tràng nuôi thân chẳng xong mà dám lấy vợ. Chẳng phải thế mà việc Tràng có vợ đã tạo ra sự lạ lùng, ngạc nhiên với tất cả mọi người trong xóm ngụ cư, với bà cụ Tứ, thậm chí đã có những thời điểm chính Tràng cũng chẳng thể nào tin được vào điều đó.
– Ý nghĩa tình huống truyện: không chỉ tạo ra một hoàn cảnh “có vấn đề” cho câu chuyện mà còn nén trong đó ý đồ nghệ thuật độc đáo của nhà văn đồng thời gợi mở các khía cạnh giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm.
Câu hỏi: Giá trị hiện thực và nhân đạo của Vợ nhặt
Trả lời:
*Giá trị hiện thực :
- Phản ánh chân thực, sắc nét và cảm động tình cảnh khốn cùng của nhân dân ta trong nạn đói năm 1945.
- Tố cáo tội ác của bọn thực dân phong kiến đã đẩy nhân dân ta vào bước đường cùng.
- Con đường đi đến với cách mạng là con đường tất yếu của người dân lao động nghèo.
*Giá trị nhân đạo :
- Niềm cảm thương, đồng cảm sâu sắc của nhà văn trước số phận của những người nghèo khổ.
- Là tiếng nói khẳng định, đề cao những tình cảm cao đẹp của người lao động nghèo khổ: đó là tình yêu thương đùm bọc, tình mẫu tử, khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc.
- Thể hiện niềm tin, niềm hi vọng vào cuộc sống vào tương lai dù ở trong tình cảnh khốn khó nhất.
Câu hỏi: Phân tích nhân vật Tràng trong Vợ nhặt
Trả lời:
*Thân phận nhân vật Tràng:
- Xuất thân: là dân ngụ cư, lép vế.
- Gia cảnh: nghèo khó tận cùng, tài sản vẻn vẹn là ngôi nhà rúm ró, chiếc áo nâu tàng.
- Nghề nghiệp: kéo xe bò thuê kiếm sống.
- Ngoại hình: xấu xí với chiếc áo nâu tàng, đầu trọc lốc, mắt gà gà, thân hình to lớn thô kệch,...
- Tính cách: dở hơi.
⇒Tràng là một gã trai nghèo khổ tận cùng theo đúng “mười phần mất cả mười”.
*Diễn biến tâm trạng nhân vật Tràng:
– Chặng 1: Cách chọn vợ đại khái → Một sự táo bạo liều lĩnh, đánh cuộc với cái đói để đi đến hạnh phúc đời thường.
– Chặng 2: Cảm giác tự đắc, niềm vui, hồi hộp, nhưng vẫn sống và sống trong cảm giác nghi hoặc
+ Trên đường đưa vợ về nhà → Niềm vui, tự đắc, hạnh phúc, hãnh diện.
+ Khi vợ vào nhà:
•Xăm xăm bước vào dọn dẹp sơ qua, thanh minh về sự bừa bộn vì thiếu bàn tay của đàn bà → Hành động ngượng nghịu nhưng chân thật, mộc mạc.
•Thưa chuyện một cách trịnh trọng với bà cụ Tứ, biện minh lí do lấy vợ là “phải duyên”, căng thẳng mong mẹ vun đắp.
•Khi bà cụ Tứ tỏ ý mừng lòng Tràng thở phào, ngực nhẹ hẳn đi. → Hồi hộp nhưng vẫn lấy lại được sự bình tĩnh cần thiết, nghi hoặc.
– Chặng 3: Sự tự ý thức về hạnh phúc: Tràng nhận thấy sự thay đổi kì lạ của ngôi nhà và nhận ra vai trò và vị trí của người đàn bà trong gia đình.
⇒Từ khi nhặt được vợ, nhân vật Tràng đã có sự biến đổi theo chiều hướng tốt đẹp: có trách nhiệm hơn với gia đình. Hành động nhanh, mạnh, quyết định, thể hiện sự chủ động của Tràng.
Chặng 4: Khi thấy đám người đói và lá cờ bay phấp phới trong suy nghĩ → báo hiệu sự đổi đời, con đường đi mới, một tương lai tươi sáng.
Trả lời:
- Tràng nhận thấy sự thay đổi kì lạ của ngôi nhà (sân vườn, ang nước, quần áo, ...). Tràng nhận ra vai trò và vị trí của người đàn bà trong gia đình. Cũng thấy mình trưởng thành hơn, có trách nhiệm hơn với gia đình, với mẹ và vợ.
- Lúc ăn cơm trong suy nghĩ của Tràng là hình ảnh đám người đói và lá cờ bay phấp phới. Đó là hình ảnh báo hiệu sự đổi đời, con đường đi mới, phướng hướng mới để thoát khỏi cảnh nghèo khổ hiện tại.
•Nhận xét: Từ khi nhặt được vợ nhân vật đã có sự biến đổi theo chiều hướng tốt đẹp. Qua sự biến đổi này, nhà văn ca ngợi vẻ đẹp và khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của những con người trong cái đói.
Câu hỏi: Niềm khao khát tổ ấm gia đình của nhân vật Tràng trong Vợ nhặt
Trả lời:
- Lúc quyết định lấy người đàn bà làm vợ: mặc dù chợn nhưng Tràng vẫn tặc lưỡi kệ. → Một tiềm thức, một tình cảm đã có từ lâu trong lòng người và giờ đây bật lên thành tiếng nói, hành động.
- Khi dẫn vợ về qua xóm ngụ cư: tâm trạng Tràng tỏ ra thích chí và tự đắc → Vẻ hãnh diện hồn nhiên của một con người lần đầu tiên dẫn vợ mình đi qua xóm làng.
- Trong buổi sáng đầu tiên có gia đình, Tràng bỗng nhận ra có sự thay đổi mới mẻ, khác lạ từ cảnh vật cho đến tâm trạng, nhận thức của bản thân.
•Trong bờ vực thẳm của cái chết người dân lao động vẫn luôn nghĩ tới cuộc sống và không ngừng tìm kiếm hạnh phúc → Niềm khao khát tổ ấm gia đình chính là giá trị nhân văn cao cả của Kim Lân.
Câu hỏi: Phân tích nhân vật thị trong Vợ nhặt
Trả lời:
*Thân phận nhân vật thị: Là cô gái không tên, không gia đình, quê hương, bị cái đói đẩy ra lề đường: có số phận nhỏ nhoi, đáng thương.
*Diễn biến tâm trạng nhân vật thị:
- Thị theo Tràng sau lời nói nửa đùa nửa thật để chạy trốn cái đói.
- Cái đói đã làm thị trở nên chao chát, đanh đá, liều lĩnh, đánh mất sĩ diện, sự e thẹn, bản chất dịu dàng.
- Nhưng vẫn là người phụ nữ có tư cách:
+ Trên đường theo Tràng về, cái vẻ "cong cớn" biến mất, chỉ còn người phụ nữ xấu hổ, ngượng ngừng và cũng đầy nữ tính.
+ Thị ra mắt mẹ chồng trong tư thế khép nép và tâm trạng lo âu, băn khoăn, hồi hộp.
- Thị có sự thay đổi khi tìm thấy sự ấm áp của gia đình:
+ Trở thành một người vợ đảm đang.
+ Người con dâu ngoan khi tham gia công việc nhà chồng một cách tự nguyện, chăm chỉ.
- Chính thị cũng thắp lên niềm tin và hi vọng trong hoàn cảnh tối tăm đó người đói.
Câu hỏi: Cảm nhận về khát vọng sống của người vợ nhặt trong Vợ nhặt
Trả lời:
- Cận kề với cái chết, Thị vẫn giữ được niềm tin và khát vọng sống mãnh liệt. → thị liều lĩnh theo không một người đàn ông xa lạ, hành động theo bản năng để chống chọi với hoàn cảnh, bám trụ với cuộc sống.
- Khi trở thành nàng dâu mới: âm thầm vun vén gia cảnh nhà Tràng, thản nhiên nuốt miếng cháo cám chát xít trong bữa ăn ngày đói để Tràng và bà cụ Tứ không mặc cảm vì hoàn cảnh. → Thị trở về với bản chất thực của người phụ nữ hiền hậu, đúng mực → Thắp lên tia hy vọng về sự sống trong cái đói tối tăm trời đất...
Câu hỏi: Ý nghĩa chi tiết nồi cháo cám trong Vợ nhặt
Trả lời:
- Bữa ăn ngày đói thật thảm hại. Trên cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối và một đĩa muối ăn với cháo lõng bõng. Bà mẹ Tràng còn chuẩn bị một nồi cháo cám đắng chát, nghẹn bứ mà bà gọi là chè khoán ngon đáo để.
- Ý nghĩa chi tiết nồi cháo cám trong Vợ nhặt:
+ Chi tiết trên thể hiện tình trạng cùng cực của người dân lao động trong nạn đói 1945; lên án, tố cáo thực dân, phong kiến.
+ Thể hiện tình người cao đẹp đã cưu mang đùm bọc lẫn nhau giúp họ vượt qua được bóng tối đang bao trùm; đồng cảm, xót xa với các số phận bất hạnh.
+ Khát vọng sống mãnh liệt của con người dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất.
+ Khát khao hạnh phúc, mái ấm gia đình.
Câu hỏi: Ý nghĩa chi tiết bát bánh đúc trong Vợ nhặt
Trả lời:
- Thể hiện số phận thảm thương, khốn cùng của nhân vật trong nạn đói khủng khiếp năm 1945.
- Thể hiện niềm ham sống, khát khao cuộc sống của người nông dân.
- Thể hiện vẻ đẹp của tình người hào hiệp, tấm lòng nhân hậu, biết cưu mang đồng loại.
- Bánh đúc nên duyên vợ chồng.
⇒Ý nghĩa:
- Chi tiết bát bánh đúc trong tác phẩm đã phản ánh hiện thực về nạn đói trong đó con người bị coi như cọng rơm cái rác, giá trị cả con người trở nên rẻ mạt.
- Cảm thông với nỗi khổ của con người qua đó cũng tố cáo, lên án những những chính sách tàn bạo của thực dân Pháp và phát xít Nhật đã đẩy nhân dân ta vào thảm cảnh nạn đói thảm khốc.
- Ca ngợi vẻ đẹp của tình người ở người lao động trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn.
- Là chi tiết quan trọng góp phần thúc đẩy cốt truyện, khắc họa số phận, phẩm chất, tính cách của nhân vật.
Câu hỏi: Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong Vợ nhặt
Trả lời:
*Ngoại hình: Một bà lão già nua, ốm yếu, lưng khòng vì tuổi tác.
*Diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ
- Ngạc nhiên:
+ Đứng sững lại hấp háy cặp mắt cho đỡ nhoèn, quay nhìn Tràng không hiểu (thấy người đàn bà bên Tràng).
+ Băn khoăn ngồi xuống giường khi nghe người đàn bà chào.
- Lo âu, thương cảm, tủi thân:
+ Cúi đầu, kẽ mắt rĩ xuống hai dòng nước mắt (buồn vì không lo nổi đám cưới cho con, sợ con và dâu, có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không).
+ Nghẹn lời, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng.
- Hi vọng tin tưởng ở tương lai:
+ Nói đến chuyện nuôi gà, chuyện sẽ có một đàn gà nay mai. Nói đến triết lí ai giàu ba họ ai khó ba đời để động viên con và dâu về một viễn cảnh thoát đói nghèo.
+ Thu dọn, quét tước nhà cửa, sân vườn mong mang lại một sinh khí mới.
Câu hỏi: Vẻ đẹp của tình mẫu tử trong Vợ nhặt
Trả lời:
- Bà chấp nhận nàng dâu mới trong sự tủi hờn, thương xót vì đúng lúc nạn đói khủng khiếp nhất. → Bà cụ Tứ là người mẹ nhân hậu, giàu lòng vị tha, bao dung .
- Tấm lòng thương con trai, thương con con dâu: Thương con lấy vợ không giống ai, thương dâu gặp phải hoàn cảnh đói khát mới lấy đến con mình. → Bà thương mình làm mẹ mà không lo nổi cho con bằng người.
- Đức hi sinh cao cả: Niềm vui bà cụ Tứ để lộ ra ngoài, đon đả mời con dâu món chè khoán nhưng thật ra là cháo cám để rồi bà lặng lẽ quay mặt giấu những giọt nước mắt hiếm hoi của người già vì không muốn con trai, con dâu trông thấy mình khóc.
Câu hỏi: Ý nghĩa cảnh kết thúc khi lá cờ hiện ra trong Vợ nhặt
Trả lời:
- Hình ảnh đám người đói và lá cờ đỏ hiện lên trong tâm trí Tràng vừa gợi ra cảnh ngộ đói khát thê thảm vừa gợi ra những tín hiệu của cuộc cách mạng, cả hai đều là những nét chân thực trong bức tranh đời sống lúc bấy giờ.
- Thể hiện tư tưởng nhân đạo của Kim Lân: trân trọng niềm khát vọng sống của người lao động nghèo đang bên bờ vực cái chết; niềm tin bất diệt vào tương lai tươi sáng.
- Hình ảnh dùng để kết thúc truyện là triển vọng sáng sủa của hiện thực tăm tối, đó là tương lai đang nảy sinh quyết định đến âm hưởng lạc quan chung của câu chuyện.
- Đây là kiểu kết thúc mở giúp thể hiện xu hướng vận động tích cực của cuộc sống được mô tả trong toàn bộ câu chuyện; dành khoảng trống cho người đọc suy tưởng, phán đoán.
Câu hỏi: Nghệ thuật viết truyện ngắn của Kim Lân
Trả lời:
- Xây dựng tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn.
- Cách kể chuyện tự nhiên, lôi cuốn, hấp dẫn:
+ Cách dẫn dắt câu chuyện tự nhiên, giản dị, chặt chẽ.
+ Khéo léo làm nổi bật sự đối lập giữa hoàn cảnh và tính cách nhân vật.
- Dựng cảnh chân thật, sinh động, đặc sắc: cảnh chết đói, cảnh bữa cơm ngày đói,…
- Miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế nhưng bộc lộ tự nhiên, chân thật.
- Ngôn ngữ nông thôn mộc mạc, giản dị, gần với khẩu ngữ nhưng được chọn lọc kĩ, tạo nên sức gợi.