Bộ đề thi vào lớp 10 môn Văn Tp. HCM năm 2023 có đáp án
Bộ đề thi vào lớp 10 môn Văn Tp. HCM năm 2023 có đáp án
Haylamdo biên soạn và sưu tầm Bộ đề thi vào lớp 10 môn Văn Tp. HCM năm 2023 có đáp án được các Thầy/Cô giáo nhiều năm kinh nghiệm biên soạn và tổng hợp chọn lọc từ đề thi môn Văn vào lớp 10 của các trường THPT trên cả nước sẽ giúp học sinh có kế hoạch ôn luyện từ đó đạt điểm cao trong kì thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn.
Sở Giáo dục và Đào tạo .....
Trường THPT ....
Kì thi tuyển sinh vào lớp 10
Năm học 2023
Môn: Văn
Thời gian làm bài: 120 phút
(Đề thi số 1)
Câu 1: (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Văn bản 1
Gần đây trên mạng xã hội liên tục xuất hiện các bức ảnh về việc làm tình nguyện của giới trẻ được chụp trước và sau khi hoàn thành các hoạt động tình nguyện như: xóa “điểm đen” về rác, sơn vẽ nhà mẫu giáo, tu sửa nhà tình thương, xây nhà cho người nghèo, kêu gọi không sử dụng đồ nhựa,…
(Hình ảnh một ngôi nhà trước và sau khi được các bạn trẻ chung tay xây mới)
Đây là những bức ảnh tham gia cuộc thi “Thách thức để thay đổi” (cuộc thi do Trung ương Đoàn và Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp tổ chức) nhằm lan tỏa thông điệp: giới trẻ cần dấn thân vào các hoạt động tình nguyện để thử thách bản thân trước những thách thức của cuộc sống nhằm thay đổi chính mình và thay đổi cuộc đời của nhiều người
(Theo Vũ Thơ, Người trẻ thách thức bản thân để thay đổi, Báo Thanh Niên, ngày 18/4/2019)
Văn bản 2
Hãy thách thức bản thân: Thách thức bằng những thử thách không ai biết, chỉ có bản thân mình chứng kiến.
Ví dụ, dù ở nơi không có con mắt của người đời cũng sống chính trực, dù những khi chỉ có một mình vẫn giữ đúng luật lệ, phép tắc
Và khi đã chiến thắng trong nhiều thử thách, khi thẳng thắn tự mình nhìn lại bản thân và hiểu ra bản thân là người có phẩm hạnh cao, lúc ấy con người sẽ có được lòng tự tôn thật sự.
Việc này sẽ trao cho ta lòng tự tin mạnh mẽ. Đó chính là phần thưởng dành cho bản thân.
(Theo Shiratori Haruhiko, Lời của Nietzsche cho người trẻ, NXB Thế giới, 2018)
a. Xác định phép liên kết câu được sử dụng trong đoạn (1) của văn bản 2 (0,5 điểm)
b.Dựa vào văn bản 1, hãy cho biết thông điệp mà cuộc thi “Thách thức để thay đổi” muốn lan tỏa tới cộng đồng. (0,5 điểm)
c. Chỉ ra một điểm chung và một điểm khác biệt về nội dung của hai văn bản trên. (1,0 điểm)
d. Theo em, có phải lúc nào việc thách thức bản thân cũng giúp chúng ta thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn? (Trả lời trong khoảng 3 – 5 dòng) (1,0 điểm)
Câu 2: (3,0 điểm)
Câu chuyện của những cái cây
Có lẽ những cách ứng xử của cây 2, 3, 4 đối với cây 1 cũng là những cách ứng xử của một số bạn trẻ đối với một ai đó nổi bật hơn mình. Em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) bàn về một trong ba cách ứng xử ấy.
Câu 3: (4,0 điểm)
Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:
Đề 1:
Cảm nhận của em về tình cảm mà người cha dành cho con trong tác phẩm Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Từ đó liên hệ với thực tế cuộc sống hoặc với một tác phẩm khác cũng viết về đề tài gia đình để thấy được sức mạnh của tình cảm gia đình
Đề 2:
Mỗi bài thơ của chúng ta Phải như một ô cửa Mở tới tình yêu (Trích Liên tưởng tháng Hai, Lưu Quang Vũ)
Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc thơ, hãy viết về một bài thơ hoặc một đoạn thơ “như một ô cửa / mở tới tình yêu” trong em.
Đáp án & Thang điểm
Câu 1: (3,0 điểm)
a. Phép lặp: thách thức, bản thân.
b. Thông điệp mà cuộc thi “Thách thức để thay đổi” muốn lan tỏa tới cộng đồng: giới trẻ cần dấn thân vào các hoạt động tình nguyện để thử thách bản thân trước những thách thức của cuộc sống/ nhằm thay đổi chính mình/ và thay đổi cuộc đời của nhiều người.
c. Chỉ ra một điểm chung về nội dung của hai văn bản: đều đề cập đến vấn đề thách thức bản thân (hoặc đều nêu ra những điều tốt đẹp mà việc thách thức bản thân mang lại;…)
Chỉ ra một điểm khác biệt về nội dung của hai văn bản: văn bản 1 đề cập đến những thách thức được cả cộng đồng chứng kiến, văn bản 2 đề cập đến những thách thức chỉ bản thân chứng kiến (hoặc văn bản 1 đề cập đến những thách thức có khả năng thay đổi chính mình và thay đổi cuộc đời của nhiều người, văn bản 2 đề cập đến những thách thức giúp ta nhìn lại bản thân và nhận thức rõ giá trị của mình;…)
Lưu ý: Chấp nhận những cách trả lời hợp lý khác.
d. Học sinh có thể đồng ý hoặc không đồng ý với vấn đề đặt ra miễn sao lí lẽ phải thuyết phục. Bày tỏ được quan điểm của bản thân; thuyết phục được người đọc về quan điểm ấy; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
Một vài gợi ý: Không phải lúc nào việc thách thức bản thân cũng giúp chúng ta thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Cần thấy được chỉ nên đối mặt với những thử thách mang ý nghĩa tích cực; tránh những thử thách tiêu cực như hút thuốc, uống bia, đánh nhau, đua xe,… Khi thách thức bản thân, nên cân nhắc hoàn cảnh, điều kiện thực tế để không rơi vào bi quan, tuyệt vọng về khả năng của mình trước những thách thức quá sức.
Câu 2: (3,0 điểm)
Học sinh lựa chọn bàn về một trong ba cách ứng xử được đề cập ở đề bài. Sau đây là một số gợi ý cho các hướng giải quyết đề bài:
Cách ứng xử 1 | Cách ứng xử 2 | Cách ứng xử 3 |
---|---|---|
Giải thích – Nêu hiện tượng : Đây là dạng đề mở. Học sinh có thể đưa ra những cách giải mã khác nhau để rút ra vấn đề bàn luận . Một vài gợi ý: | ||
Lời nói của cây 2 thể hiện thái độ sẵn sàng hạ bệ, chơi xấu người khác (cưa bớt cậu, làm cho cậu thấp hơn) để trở nên nổi bật nhất. | Lời nói của cây 3 thể hiện thái độ luôn nỗ lực hoàn thiện bản thân (cố gắng từng ngày để mình cao hơn) nhằm trở nên nổi bật hơn người khác. | Lời nói của cây 4 thể hiện thái độ không thích so sánh mình với người khác (Với tớ thì việc cậu cao hay thấp hơn tớ không quan trọng), coi mình là một cá nhân độc lập, riêng biệt. |
- Bàn luận: Tùy vào những hiểu biết và suy ngẫm riêng, học sinh bàn luận vấn đề đã chọn theo những cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các bước làm bài Nghị luận xã hội (lí giải nguyên nhân, phân tích các mặt đúng - sai, lợi - hại,…). Cần phân tích các dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề. Một vài gợi ý: | ||
+ Việc nổi bật hơn người khác là điều không dễ dàng. Chính vì vậy nhiều bạn trẻ lựa chọn cách thức không đúng đắn: nói xấu, hãm hại, cản trở sự phát triển của người khác để mình tỏa sáng.
+ Khi hạ bệ người khác, các bạn trẻ chỉ nổi bật hơn họ trong nhất thời chứ không tạo ra những giá trị bền vững, đích thực, lâu dài. Cứ mải với những mưu toan thay vì trau dồi bản thân, các bạn sẽ trở thành kẻ xấu xa và dần tụt lại phía sau về mọi phương diện. |
+ Cách thức đúng đắn nhất để vượt trội hơn người khác là tự bồi dưỡng, rèn luyện bản thân để tạo ra những giá trị nổi bật (tài năng, phẩm chất,…) cho mình.
+ Việc cố gắng để giỏi hơn, tốt hơn người khác khiến các bạn trẻ phải nỗ lực, cố gắng. Quá trình đó sẽ giúp các bạn hoàn thiện bản thân và dễ đạt được thành công trên đường đời. |
+ Mỗi người sẽ có giá trị riêng. Người giỏi nào cũng có người giỏi hơn. Việc so sánh mình và người khác vì vậy trở nên không cần thiết.
+ Không so sánh mình với ai khác, các bạn trẻ giữ được cái tâm bình an. Tuy nhiên nếu cứ mãi hài lòng với chính mình, các bạn sẽ khó thể tiến bộ và không thể làm cho xã hội phát triển. Ít nhất các bạn cũng cần biết so sánh với chính mình của ngày hôm qua để vượt lên chính mình. |
+ Phê phán những kẻ bất chấp thủ đoạn để vượt qua người khác. | + Không đồng tình với những người không chịu cố gắng vươn lên; phê phán những kẻ bất chấp thủ đoạn để vươn lên. | + Không đồng tình với những người mãi khổ sở vì luôn so sánh mình với người khác cũng như những người quá hài lòng với bản thân dẫn đến ngày càng tụt hậu. |
- Bài học nhận thức và hành động: Mỗi người phải có cách ứng xử đúng đắn đối với những người nổi bật hơn mình: tôn trọng sự nổi bật đó và nỗ lực thay đổi bản thân theo hướng tốt đẹp, tích cực. |
Câu 3: (4,0 điểm)
Đề 1:
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận; triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận.
- Cảm nhận về tình cảm mà người cha dành cho con
+ Vẻ đẹp của tình cảm mà người cha dành cho con thể hiện qua: nỗi mong nhớ và khát khao gặp con trong tám năm xa cách; mong muốn gần gũi, chăm sóc con trong ba ngày nghỉ phép; tình cảm dâng trào trong giờ phút chia xa; niềm thương nhớ con khi quay lại chiến khu (ân hận dai dẳng vì trót đánh con; vui sướng khi làm chiếc lược ngà cho con;…). Tình cảm mà người cha dành cho con là tình cảm thiêng liêng, sâu nặng, bất diệt. Đây là tình cảm muôn thuở, có tính nhân bản bền vững được thể hiện trong hoàn cảnh ngặt nghèo, éo le của chiến tranh và trong cuộc sống nhiều gian khổ, hi sinh của người cán bộ cách mạng. Chính tình cha con là động lực tinh thần to lớn cho anh Sáu trong những ngày kháng chiến.
+ Vẻ đẹp của tình cảm mà người cha dành cho con thể hiện qua ngôn ngữ mộc mạc, dân dã, gần với khẩu ngữ và đậm màu sắc Nam Bộ, qua cốt truyện hấp dẫn, qua việc lựa chọn nhân vật kể chuyện thích hợp, qua nghệ thuật miêu tả tâm lý và nghệ thuật xây dựng tình huống truyện bất ngờ mà tự nhiên,…
- Học sinh có thể liên hệ với thực tế đời sống (nêu ra những câu chuyện, hiện tượng có thực trong đời sống) hoặc liên hệ với một tác phẩm khác cũng viết về đề tài tình cảm gia đình (trong hoặc ngoài SGK). Trên cơ sở đó khẳng định sức mạnh của tình cảm gia đình: gia đình là nơi dựa yêu thương, là điểm tựa tinh thần giúp con người vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống,…
Đề 2:
a. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận; triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
Học sinh có thể triển khai bài làm theo nhiều hướng khác nhau: bình luận vấn đề; phân tích một hay nhiều tác phẩm cụ thể chứng minh vấn đề; kết hợp giữa chứng minh và bình luận;… Sau đây là một hướng giải quyết đề bài:
- Giới thiệu vấn đề nghị luận: khi đọc thơ, ta sẽ hiểu thêm và yêu thêm con người, quê hương, cuộc sống,… Nói cách khác mỗi văn bản thơ sẽ như một ô cửa dẫn ta đến với tình yêu gia đình, thiên nhiên, đất nước,…
- Chứng minh bằng những trải nghiệm trong quá trình đọc thơ: Học sinh tự chọn phân tích một bài thơ hay một đoạn thơ (trong hoặc ngoài SGK) để chỉ ra tình yêu mà bài thơ hay đoạn thơ ấy mở ra trong mình. Cảm nhận của học sinh cần chân thành, tinh tế, sâu sắc. Bài làm cần có lí lẽ làm sáng tỏ vấn đề chứ không chỉ dừng lại ở việc phân tích nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
- Khái quát, đánh giá, bàn luận vấn đề: Học sinh đưa ra các ý kiến, suy nghĩ khác nhau về vấn đề . Có thể là:
+ Một bài thơ hay, một đoạn thơ hay phải khơi mở những tình cảm tốt đẹp, những suy nghĩ sâu sắc ở con người.
+ Để mở cửa tình yêu trong trái tim người đọc, trước hết tâm hồn nhà thơ cũng phải dạt dào tình yêu đối với cuộc đời. Để thấy được những gì mà ô cửa thơ mở ra, người đọc phải có trình độ thưởng thức, có sự am hiểu văn học.
Sở Giáo dục và Đào tạo .....
Trường THPT ....
Kì thi tuyển sinh vào lớp 10
Năm học 2023
Môn: Văn
Thời gian làm bài: 120 phút
(Đề thi số 2)
Câu 1 (4 điểm)
“Một trong những lời khuyên tệ nhất trên đời là: “Hãy theo đuổi đam mê”. Lời khuyên đó rất tồi vì thực sự nhiều người không giỏi trong lĩnh vực họ đam mê”. Đây là quan điểm của ông Mark Cuban – một tỉ phú Mĩ có khối tài sản trị giá hơn 3 tỉ USD, sở hữu câu lạc bộ bóng rổ Dallas Mavericks và là một ngôi sao của chương trình truyền hình thực tế “Shark Tank”.
“Tôi từng đam mê trở thành vận động viên bóng chày. Rồi tôi nhận ra cú ném bóng nhanh nhất của mình chỉ đạt 70 dặm/giờ, trong khi các tay ném chuyên nghiệp đạt vận tốc trên 90 dặm/giờ” – ông Cuban đưa ra dẫn chứng từ bản thân.
Có những đam mê chỉ nên dừng lại ở sở thích, một người chỉ thành công khi biết khai thác thế mạnh của mình. Đừng cố chấp theo đuổi đam mê.
(Theo Phúc Long, Tỉ phú Mỹ nói sốc: “Theo đuổi đam mê là lời khuyên dối trá”, Báo Tuổi Trẻ, ngày 20/ 02/ 2018)
Còn em, em nghĩ như thế nào về việc theo đuổi đam mê? Từ những suy nghĩ riêng của em, hãy viết bài văn đối thoại với tỉ phú Mark Cuban.
Câu 2 (6 điểm)
Nỗi nhớ bắt đầu từ những điều giản dị, thân quen, từ vầng trăng nghĩa tình năm nào (Ánh trăng – Nguyễn Duy), từ hình ảnh làng quê thân yêu (Làng – Kim Lân), từ bếp lửa ấp iu nồng đượm (Bếp lửa – Bằng Việt), từ những tháng ngày hồn nhiên trong ngôi nhà nhỏ ở Hà Nội (Những ngôi sao xa xôi – Lê Minh Khuê),…
Nỗi nhớ có lúc đầy lúc vơi, lúc trào dâng mạnh mẽ, lúc lặng lẽ dịu êm,…
Nỗi nhớ khiến con người nhận ra bao điều; khiến con người yêu thêm, hiểu thêm những giá trị cuộc sống để thấy đời mình ý nghĩa hơn,…
Từ những gợi ý trên và từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn học, em hãy viết bài văn với nhan đề: “Hành trình của nỗi nhớ”.
Đáp án & Thang điểm
Câu 1 (4 điểm)
- Giải thích: “đam mê” : sở thích mãnh liệt, cao độ. Theo lẽ thông thường, con người sẽ luôn nỗ lực theo đuổi đam mê. Thế nhưng tỉ phú Mĩ lại khuyên các bạn trẻ “đừng cố chấp theo đuổi đam mê” bởi vì “một người chỉ thành công khi biết khai thác thế mạnh của mình và đam mê không phải lúc nào cũng đi đôi với sở trường.
- Bàn luận:
+ Không hẳn cứ theo đuổi đam mê thì sẽ đạt được thành công. Thành công chỉ đến khi con người phát huy được năng lực của mình. Nếu chỉ có sự yêu thích mà không có khả năng trong lĩnh vực mình yêu thích thì chắc chắn con người không thể làm tốt công việc, thậm chí còn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, thay vì làm điều mình đam mê, hãy lựa chọn đúng sở trường của mình để phát huy.
+ Tuy nhiên, giá trị của đam mê không chỉ ở chỗ nó mang đến thành công cho con người mà quan trọng hơn, nó giúp con người có được niềm vui trong cuộc sống. Được theo đuổi đam mê, dù kết quả có ra sao, nhiều người vẫn cảm thấy hài lòng, hạnh phúc. Hơn nữa nếu không theo đuổi đam mê, cả đời chúng ta sẽ luôn cảm thấy luyến tiếc vì đã bỏ lỡ những mong muốn, nguyện vọng của bản thân. Nhiều khi chính đam mê cao độ sẽ khiến ta có thể vượt qua những hạn chế của bản thân để tiến xa hơn trong một lĩnh vực nào đó.
+ Phê phán những người vội buông bỏ đam mê ngay khi chưa thấy triển vọng thành công cũng như những người cứ cố gắng theo đuổi những điều mình không có khả năng thực hiện, từ đó gây ra những hậu quả cho bản thân, gia đình và xã hội.
- Bài học nhận thức và hành động: nhận thức được tầm quan trọng của đam mê trong cuộc sống; cố gắng theo đuổi đam mê khi còn có thể, biết từ bỏ khi đam mê không thể mang lại những giá trị tốt đẹp,…
Câu 2 (6 điểm)
- Giải thích: hành trình của nỗi nhớ: là một hành trình có khởi điểm (bắt đầu từ những điều giản dị, thân quen), có quá trình (lúc đầy lúc vơi, lúc trào dâng mạnh mẽ, lúc lặng lẽ dịu êm,…), có giá trị, ý nghĩa sâu sắc (khiến con người nhận ra bao điều; khiến con người yêu thêm, hiểu thêm những giá trị cuộc sống để thấy đời mình ý nghĩa hơn,…)
→ Đây là một nhan đề mang nhiều sức gợi, tạo được sự đồng cảm ở người đọc.
- Bàn luận:
+ Văn học phản ánh hiện thực mà con người là trung tâm của hiện thực nên con người sẽ là đối tượng hướng tới của văn học. Khi viết về con người, văn học không dừng lại ở việc miêu tả vẻ bề ngoài mà chú ý đến đời sống tình cảm với nhiều biểu hiện phong phú, sinh động. Một trong những tình cảm sâu sắc, mang nhiều ý nghĩa chính là nỗi nhớ.
+ Văn học chân chính phải có khả năng lay động tâm hồn và tác động đến nhận thức của con người. Chính vì vậy, nỗi nhớ được nhắc đến trong văn học phải có chiều sâu, có quá trình, có giá trị nhân sinh tích cực, đem đến nhiều sự vỡ lẽ về nhận thức cho người đọc.
- Phân tích một số tác phẩm để thấy hành trình của nỗi nhớ. Có thể chọn những tác phẩm được gợi ý trong đề bài hoặc những tác phẩm bên ngoài (kể cả tác phẩm ngoài SGK). Cần thấy được nỗi nhớ trong tác phẩm không phải là một khoảnh khắc, một phút bất chợt mà là cả quá trình với nhiều diễn tiến, kết quả của quá trình ấy là những tác động tích cực đến tâm hồn con người.
Một số gợi ý:
+ Trong bài thơ Ánh trăng, Nguyễn Duy đã tái hiện những kỉ niệm sâu sắc với vầng trăng từ hồi nhỏ cho đến hồi chiến tranh ở rừng. Cũng có lúc vầng trăng bị nhân vật trữ tình lãng quên nhưng rồi vầng trăng ấy lại trở về vẹn nguyên trong nỗi nhớ khiến con người thấm thía cảm xúc ân tình với quá khứ gian lao và biết rút ra bài học về lẽ sống chung thủy cho mình.
+ Trong tác phẩm Làng của Kim Lân, ông Hai dù đi xa vẫn luôn nhớ về làng, về những ngày sống gắn bó cùng anh em đồng chí, nỗi nhớ biến thành nỗi hờn tủi khi nghe tin làng theo giặc và vỡ òa thành niềm sung sướng khi biết người Chợ Dầu vẫn một lòng với kháng chiến. Nỗi nhớ làng sâu nặng đã thể hiện sự gắn bó với quê hương và vẻ đẹp tâm hồn của ông Hai.
+ Trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt, người cháu đã nhớ về những tháng ngày vất vả, gian khổ, gắn bó cùng bà bên bếp lửa tuổi thơ. Nỗi nhớ ấy đã thành kỉ niệm ấm lòng, thành niềm tin thiêng liêng, kì diệu nâng bước cháu trên suốt hành trình dài rộng của cuộc đời.
+ Trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê, giữa chiến trường khốc liệt, nhân vật Phương Định vẫn nhớ về những tháng ngày hồn nhiên ở Hà Nội. Nỗi nhớ như cơn mưa rào tưới mát tâm hồn, giúp cô có những phút giây êm dịu giữa những ngày mưa bom bão đạn, khiến cô thêm lạc quan, yêu quý tuổi trẻ của mình và gắn bó với quê hương đất nước.
- Đánh giá, mở rộng vấn đề bàn luận:
Một số gợi ý:
+ Hành trình của nỗi nhớ cũng chính là hành trình nhân vật tự nhận thức, hành trình người đọc xúc động, suy ngẫm và khám phá ra nhiều giá trị trong đời sống. Đây cũng chính là điều làm nên chiều sâu nội dung tư tưởng cho tác phẩm.
+ Muốn tái hiện lại hành trình của nỗi nhớ, nhà văn cần có vốn sống phong phú, tình cảm dạt dào và tài năng nghệ thuật. Muốn cảm nhận được hành trình của nỗi nhớ trong tác phẩm, người đọc phải có trình độ thưởng thức văn học và trái tim biết rung cảm.
Sở Giáo dục và Đào tạo .....
Trường THPT ....
Kì thi tuyển sinh vào lớp 10
Năm học 2023
Môn: Văn
Thời gian làm bài: 120 phút
(Đề thi số 3)
Câu 1: (3,0 điểm)
Em hãy đọc hai văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Văn bản 1
Báo cáo mới đây của tạp chí Science cho thấy đến nay thế giới đã sản xuất khoảng 8,3 tỉ tấn nhựa, trong đó 6,3 tỉ tấn hiện là rác thải. Và 79% trong 6,3 tỉ tấn đó giờ đang nằm trong các bãi rác và môi trường tự nhiên.
Nhựa được sử dụng phổ biến vì tiện dụng, rẻ tiền, dễ chế tạo. Tuy nhiên nhựa có hạn chế lớn là rất lâu phân hủy, đồng nghĩa với việc rác thải nhựa sẽ gây nên thảm họa môi trường nếu không có cách giải quyết
Thời gian phân hủy tự nhiên của một số vật thể nhựa: (đơn vị: năm)
Trong các đại dương, số lượng rác thải nhựa ước tính khoảng 150 triệu tấn – nặng gần bằng 1/5 khối lượng cá. Các nhà khoa học dự báo với tốc độ gia tăng rác thải nhựa như hiện nay, vào năm 2050, khối lượng rác thải nhựa sẽ nặng hơn cả khối lượng cá.
Việt Nam là một trong các quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất thế giới. Tại Việt Nam, số lượng túi nilon, chai nhựa, ly nhựa, ống hút, hộp xốp,… được sử dụng nhiều vượt trội so với các nước khác.
Rác thải nhựa ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái, làm ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước, gây nguy hại cho nguồn lợi thủy hải sản và tác động xấu đến sức khỏe con người,…
Văn bản 2
Trước sự đe dọa của rác thải nhựa, nhiều nước đã lên kế hoạch hành động.
Từ tháng 1 năm nay, chính phủ Scotland đề xuất ý kiến về việc cấm sản xuất, kinh doanh một số sản phẩm làm từ nhựa. Lệnh cấm này sẽ góp phần giảm đáng kể lượng rác thải nhựa.
Lệnh cấm này sẽ góp phần giảm đáng kể lượng rác thải nhựa.
Tại Anh, các loại hạt kim tuyến trang trí đã bị cấm sử dụng. Việc tính phí với túi nhựa cũng được thực hiện. Theo số liệu thống kê của Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn, nhờ việc tính phí này, trong thời gian qua, số lượng túi nhựa được đưa vào sử dụng đã giảm 9 tỉ chiếc.
Từ năm 2019, Đài Loan sẽ cấm sử dụng các loại ống hút nhựa tại các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, sau đó tiến tới cấm hoàn toàn việc cung cấp túi nhựa tại các điểm kinh doanh.
Tại Việt Nam, một số tổ chức xã hội đã phát động các chiến dịch như: “7 ngày thách thức”, “Bớt một vỏ chai, cứu tương lai”,… với mục tiêu thúc đẩy cộng đồng chung tay chống lại rác thải nhựa.
Trong thời gian qua, nhiều bạn trẻ Việt Nam cũng đã tổ chức hàng loạt hoạt động nhằm giảm rác thải nhựa. Các bạn mày mò thực hiện những dự án làm ống hút từ tre và cỏ bàng, tái chế rác thải nhựa thành những vật dụng có ích,… Chắc chắn những hành động này sẽ góp phần giúp môi trường trở nên xanh, sạch đẹp hơn.
(Hai văn bản trên được tổng hợp từ các báo Tuổi trẻ, Thanh Niên, Thời nay)
a. Dựa vào văn bản, hãy cho biết tác hại của rác thải nhựa đối với cuộc sống. (0,5 điểm)
b. Tìm thành phần biệt lập được sử dụng trong đoạn cuối của văn bản 2. (0,5 điểm)
c. Chỉ ra mối liên hệ về nội dung của hai văn bản trên. (1,0 điểm)
d. Theo em, giải pháp nào là hiệu quả nhất để giảm ô nhiễm rác thải nhựa ở nước ta hiện nay? Vì sao? (Em có thể lựa chọn giải pháp trong văn bản hoặc tự đề ra giải pháp khác. Trả lời trong khoảng 3 – 5 dòng). (1 điểm)
Câu 2: (3,0 điểm)
Để thể hiện mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái (che chở, bao bọc, chia sẻ, gắn bó, bình đẳng, độc lập,…), các bạn học sinh đã đưa ra ba hình ảnh sau:
Từ một trong ba hình ảnh trên, em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) bàn về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong xã hội hiện nay.
Câu 3: (4,0 điểm)
Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:
Đề 1:
Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa như ùa vào buồng lái.
(Trích Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Phạm Tiến Duật)
Cảm nhận về hình ảnh người lính trong hai khổ thơ trên. Từ đó, liên hệ với một tác phẩm khác cũng viết về người lính để thấy được nét gặp gỡ của các tác giả khi viết về đề tài này.
Đề 2: Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn học, em hãy viết bài văn với nhan đề: “Những ngọn lửa nhóm lên từ trang sách”.
Đáp án & Thang điểm
Câu 1: (3 điểm)
a. HS dựa vào văn bản chỉ ra tác hại của rác thải nhựa đối với cuộc sống: ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái, làm ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước, gây nguy hại cho nguồn lợi thủy hải sản và tác động xấu đến sức khỏe con người….
b. Thành phần tình thái: chắc chắn.
c. Mối liên hệ về nội dung của hai văn bản:
- Văn bản 1: thực trạng rác thải nhựa quá nhiều lại lâu phân hủy gây hậu quả nghiêm trọng cho cuộc sống.
- Văn bản 2: giải pháp mà các nước đưa ra để chống lại ô nhiễm rác thải nhựa.
d. Một số giải pháp:
- cần tính phí túi nhựa thay vì phát túi nhựa miễn phí cho khách mua hàng ở siêu thị. Khi đó, mỗi người sẽ tự mang theo túi nhựa hoặc chỉ mua số lượng túi nhựa đủ dùng. Lượng túi nhựa được sử dụng bớt đi, lượng rác thải từ túi nhựa sẽ giảm đi đáng kể.
- Cần tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ tác hại của hộp xốp, từ đó tiến tới cấm sử dụng hộp xốp để đựng thức ăn. Việc ngưng sử dụng hộp xốp vừa góp phần bảo vệ an toàn sức khỏe người tiêu dùng, vừa làm giảm số lượng rác thải từ hộp xốp.
- …..
Câu 2: (3 điểm)
HS lựa chọn 1 trong 3 hình ảnh để bàn về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong xã hội hiện nay. Sau đây là 1 số gợi ý cho các hướng giải quyết đề bài:
Hình 1 | Hình 2 | Hình 3 |
---|---|---|
Giải thích – nêu hiện tượng: Đây là dạng đề mở, HS có thể đưa ra những cách giải mã hình ảnh khác nhau để rút ra vấn đề bàn luận. Một vài gợi ý: | ||
Vòng tròn nhỏ nằm trong vòng tròn lớn tượng trưng cho việc con cái luôn được cha mẹ ôm ấp, bao bọc, chở che. | Hai vòng tròn giao nhau tượng trưng cho việc cha mẹ và con cái là những cá thể riêng, độc lập nhưng vẫn có điểm chung, gắn kết chia sẻ với nhau. | Hai vòng tròn đặt cạnh nhau tượng trưng cho việc con cái và cha mẹ là những cá thể riêng biệt, tuy ở gần nhưng ít liên quan, ít tác động đến nhau. |
- Bàn luận: Tùy vào những hiểu biết và suy ngẫm riêng, học sinh bàn luận vấn đề đã chọn theo những cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các bước làm bài Nghị luận xã hội (lí giải nguyên nhân, phân tích các mặt đúng – sai, lợi – hại,…) Một vài gợi ý: | ||
+ Trong mắt cha mẹ, con lúc nào cũng nhỏ bé, non nớt, cần được quan tâm, chăm sóc, chỉ dẫn, dìu dắt. Hơn nữa, có những đứa con mắc bệnh không chịu lớn, luôn muốn dựa dẫm vào cha mẹ.
+ Việc cha mẹ bao bọc khiến con ít vấp ngã, ít phạm sai lầm và luôn cảm thấy mình được yêu thương. Tuy nhiên điều đó cũng làm con cảm thấy ngột ngạt, mất tự do, mất khả năng tự lập, tự quyết, từ đó sinh ra trầm cảm hoặc ỷ lại. |
+ Yêu thương và tôn trọng cái tôi của con, hiểu rằng con cũng cần có đời sống độc lập, cha mẹ sẽ đối xử với con bình đẳng, ngang hàng trên cơ sở gắn kết, thấu hiểu, quan tâm.
+ Việc tạo cho con một đời sống tương đối độc lập sẽ khiến đứa trẻ có cơ hội trưởng thành trong tầm kiểm soát của cha mẹ mà không cảm thấy bức bối ngột ngạt. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng tốt đẹp vì con cảm thấy mình được yêu thương và tôn trọng. |
+ Cuộc sống bận rộn với những mối quan tâm riêng khiến cha mẹ và con cái ít tương tác. Việc tôn thờ tự do cá nhân thái quá cũng khiến các thành viên trong gia đình thiếu quan tâm đến nhau.
+ Nếu từ nhỏ ít được cha mẹ quan tâm, đứa trẻ sẽ khó có thể lớn lên với một đời sống thể chất và tâm hồn lành mạnh. Việc những thành viên trong gia đình thiếu gắn kết làm gia đình trở nên lỏng lẻo, rời rạc. |
+ Không đồng tình với việc cha mẹ bao bọc con cái thái quá hoặc không quan tâm đến con cái.
+ mỗi gia đình nên có những hoạt động chung để các thành viên thấu hiểu, chia sẻ với nhau. Bên cạnh đó, cần tôn trọng tự do của mỗi cá nhân. |
||
- Bài học nhận thức và hành động: Phải duy trì sự gắn kết gia đình, đồng thời phải phát triển sự độc lập của bản thân. |
Câu 3: (4 điểm)
Đề 1: Bài viết cần đảm bảo các ý sau:
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, hai khổ thơ cần phân tích.
- Cảm nhận về hai khổ thơ: Cần thấy được:
+ Vẻ đẹp của hình tượng người lính: thể hiện qua tư thế hiên ngang, tình thần dũng cảm, coi thường gian khổ, hiểm nguy, cái nhìn lạc quan, tươi vui… Thiếu đi những phương tiện vật chất tối thiểu lại là hoàn cảnh để người lính lái xe bộc lộ những phẩm chất cao đẹp và sức mạnh tinh thần lớn lao của họ.
+ Vẻ đẹp của ngôn từ nghệ thuật: hình ảnh thơ độc đáo, ngôn ngữ thơ rất gần với lời nói, có những câu như văn xuôi tạo nên giọng điệu ngang tàng, thể hiện cái hiên ngang của người lính, thể thơ tự do với số câu linh hoạt.
- Học sinh tự chọn một tác phẩm khác cũng viết về đề tài người lính (trong hoặc ngoài sgk) để liên hệ với hai khổ thơ trên. Cần nói qua về nội dung của tác phẩm được chọn, chỉ ra nét gặp gỡ của các tác giả (có thể về nội dung hoặc nghệ thuật hoặc cả nội dung và nghệ thuật, tùy theo tác phẩm được chọn) khi viết về người lính. Trên cơ sở đó, khẳng định ý nghĩa của đề tài người lính và đóng góp của mỗi nhà văn khi viết về đề tài này.
Đề 2: Một số hướng giải quyết:
- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Những trải nghiệm trong quá trình đọc sẽ thắp lên trong ta những ngọn lửa – những cảm xúc mãnh liệt. Đó có thể là ngọn lửa của khát khao chiếm lĩnh tri thức, ngọn lửa của mơ ước được đến với những vùng trời mới, được sống một cuộc đời tốt đẹp hơn, ngọn lửa của những tình cảm rực cháy: yêu thương, căm ghét, xúc động, tin tưởng….
- chứng minh bằng những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn học: Học sinh tự chọn phân tích 1 hoặc nhiều tác phẩm (trong hoặc ngoài sgk) để chỉ ra những ngọn lửa mà trang sách nhóm lên trong mình. Cảm nhận của học sinh cần chân thành,tinh tế, sâu sắc. Bài làm cần có lí lẽ làm sáng tỏ vấn đề chứ không chỉ dừng lại ở việc phân tích nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
- Khái quát, đánh giá, bàn luận vấn đề: Học sinh đưa ra các ý kiến, suy nghĩ khác nhau về vấn đề. Có thể là:
+ Chỉ những tác phẩm thực sự giá trị mới nhóm lên ngọn lửa của những điều tốt đẹp, làm bừng sáng tâm hồn người đọc.
+ tác động của văn chương thường không đến ngay lập tức sau khi đọc mà phải qua quá trình nghiền ngẫm, chiêm nghiệm. Chỉ khi đọc có trình độ thường thức, có sự âm hiểu văn học, tác phẩm mới có thể nhóm lửa tâm hồn họ.