Lý thuyết KHTN 9 Bài 23: Nguồn nhiên liệu - Chân trời sáng tạo
Haylamdo biên soạn tóm tắt lý thuyết Khoa học tự nhiên 9 Bài 23: Nguồn nhiên liệu sách Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 9 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn KHTN 9.
Lý thuyết KHTN 9 Bài 23: Nguồn nhiên liệu - Chân trời sáng tạo
1. Khái niệm, thành phần, trạng thái tự nhiên của dầu mỏ, khí thiên nhiên và khí mỏ dầu.
a. Khái niệm, thành phần, trạng thái tự nhiên của dầu mỏ
- Dầu mỏ là hỗn hợp ở thể lỏng, sánh đặc, thường có màu đen, thành phần chủ yếu là hydrocarbon.
- Dầu mỏ nhẹ hơn nước và không tan trong nước.
- Dầu mỏ tồn tại trong các lớp đất, đá tại một số nơi trong vỏ Trái Đất.
b. Khái niệm, thành phần, trạng thái tự nhiên của khí thiên nhiên và khí mỏ dầu
- Khí thiên nhiên có trong các mỏ khí nằm dưới lòng đất.
- Khí mỏ dầu là khí có từ các mỏ dầu.
- Khí thiên nhiên và khí mỏ dầu có thành phần chủ yếu là methane. Nhưng hàm lượng methane trong khí mỏ dầu chiếm tỉ lệ thấp hơn so với khí thiên nhiên.
2. Khai thác dầu mỏ, khí thiên nhiên và khí mỏ dầu – Sản phẩm và các ứng dụng
- Dầu mỏ, khí thiên nhiên, khí mỏ dầu thường được khai thác bằng các thiết bị và công nghệ khoan sâu. Phương pháp khai thác dầu mỏ: khoan, thu lấy khí và dầu thô, vận chuyển tới nhà máy chế biến.
- Sản phẩm chế biến từ dầu mỏ, khí thiên nhiên, khí mỏ dầu được dùng làm nguyên liệu, nhiên liệu phục vụ cho đời sống, sản xuất.
+ Dầu mỏ cho sản phẩm khí đốt (gas), xăng, dầu (dầu hoả, dầu diesel,…)
+ Khí thiên nhiên là nguồn nhiên liệu, nguyên liệu quý giá và có nhiều ứng dụng trong sản xuất điện năng, công nghiệp hoá chất,…
+ Khí mỏ dầu thường được dùng làm nhiên liệu.
3. Nhiên liệu
a. Khái niệm nhiên liệu và các dạng nhiên liệu
- Nhiên liệu là những chất khi cháy toả nhiệt và phát sáng, được sử dụng phổ biến trong các ngành công nghiệp và trong đời sống.
- Dựa vào trạng thái, người ta chia làm 3 loại nhiên liệu phổ biến:
+ Nhiên liệu rắn: các loại than (than gỗ, than mỏ,…), gỗ, củi,… Loại nhiên liệu này chủ yếu được sử dụng cho các ngành công nghiệp (nhiệt điện, luyện kim, giấy, phân bón,…), một lượng nhỏ dùng để đun nấu.
+ Nhiên liệu lỏng: xăng, dầu hoả,… Loại nhiên liệu này chủ yếu phục vụ cho hoạt động của các loại động cơ đốt trong và một phần nhỏ cho việc đun nấu, thắp sáng.
+ Nhiên liệu khí: khí thiên nhiên, khí mỏ dầu,… Loại này dùng nhiều trong các ngành công nghiệp và trong đời sống.
b. Cách sử dụng nhiên liệu
- Để tăng hiệu quả sử dụng nhiên liệu, ta cần:
+ Cung cấp đủ không khí hoặc oxygen để nhiên liệu cháy hoàn toàn.
+ Tăng diện tích tiếp xúc giữa nhiên liệu và không khí.
+ Điều chỉnh nhiên liệu để duy trì sự cháy ở mức độ cần thiết, phù hợp với nhu cầu sử dụng, nhằm tận dụng nhiệt lượng do sự cháy toả ra.
- Sử dụng nhiên liệu đúng cách, hiệu quả sẽ góp phần tiết kiệm nhiên liệu.