Soạn bài Làm một bài thơ tám chữ - ngắn nhất Chân trời sáng tạo
Soạn bài Làm một bài thơ tám chữ ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 9 Chân trời sáng tạo giúp học sinh soạn văn 9 dễ dàng hơn.
Soạn bài Làm một bài thơ tám chữ - Chân trời sáng tạo
* Khái niệm:
- Thơ tám chữ:
+ Là thể thơ mỗi dòng có tám chữ, khổ thơ dài ngắn khác nhau hoặc không chia khổ và có cách ngắt nhịp đa dạng.
+ Về cách gieo vần: Thường gieo vần chân và vần liền thành từng cặp luân phiên bằng, trắc (chẳng hạn như: sông- hồng; cá-mã; giang-làng (Quê hương, Tế Hanh).
* Hướng dẫn quy trình viết
Đề bài (trang 24 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Làm một bài thơ tám chữ thể hiện cảm xúc của em về gia đình, bạn bè, thiên nhiên….
Bước thực hiên |
Nội dung các bước |
Bước 1: Chuẩn bị |
• Đọc lại những bài thơ ở phần Đọc để học cách thể hiện cảm xúc, suy ngẫm về cuộc sống của các nhà thơ. • Quan sát, suy ngẫm về cuộc sống xung quanh: hình ảnh quê hương; hình ảnh người thân, bạn bè, thầy cô; hình ảnh thiên nhiên... • Định hình cảm xúc được gợi lên từ sự vật, hiện tượng: vui, buồn, bùi ngùi, thương nhớ... • Hình dung người đọc bài thơ này có thể là những ai (người lớn, trẻ em...) để chọn cách diễn đạt cho phù hợp. |
Bước 2: Làm thơ |
• Diễn đạt cảm xúc, suy ngẫm của em bằng những từ ngữ, hình ảnh sống động, gợi cảm, • Dùng từ láy, các biện pháp tu từ (nhân hoá, so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, điệp ngữ), hình ảnh tượng trưng.... để tăng hiệu quả biểu đạt của hình tượng thơ. • Lựa chọn, bổ sung hoặc giảm bớt số từ trong một dòng thơ, đảm bảo mỗi dòng thơ có tám chữ. • Gieo vần chân theo từng cặp (cùng thanh bằng hoặc thanh trắc) ở tiếng thứ 8 của hai dòng thơ liền nhau. Thay thế những từ ngữ đã có bằng những từ ngữ khác có vần giống hoặc gần giống. • Sử dụng dấu câu phù hợp để tạo sự ngắt nhịp linh hoạt cho bài thơ sao cho thể hiện được chính xác tình cảm, cảm xúc của em. • Đọc diễn cảm các câu thơ đã viết, lắng nghe xem âm thanh, nhịp điệu của bài thơ có phù hợp với cảm xúc mà em muốn thể hiện hay không. |
Bước 3: Chỉnh sửa |
• Dùng bảng kiểm sau để kiểm tra hình thức và nội dung bài thơ: Đọc lại bài thơ từ vai của người đọc và trả lời câu hỏi: - Điều em thích nhất ở bài thơ này là gì? - Nên điều chỉnh những gì để giúp bài thơ hay hơn? |
* Bài thơ tham khảo:
Bài thơ 1:
BỐN MÙA
Gió se thoảng, nhè nhẹ bước vào thu
Lá vàng nghiêng rơi, đáp mình êm ái
Sương thu trăng mờ chia tay mùa hạ
Hương hoa, trái thơm cùng nắng nhạt vàng.
Đông gió lạnh, lây rây mưa nhẹ hạt
Lá trút cành, ong bướm chẳng tìm nhau
Trời tím nhạt, cây bàng lim dim ngủ
Đương bên hồ, hoa sữa nồng nàn thơm.
Bỗng xuân đến mà chả hề hẹn trước
Rực rỡ hoa, chồi biếc với lộc non.
Thánh thót giọng, sơn ca cao tiếng hát
Rạo rực lòng người, tươi thắm ước mơ.
Nắng hè về bịn rịn không nỡ xa
Chùm quả ngọt cuối hè còn vương vấn
Sân trường rộn tiếng đùa vui, ca hát
Vương nỗi buồn của ngày sắp chia tay.
Bốn mùa đến rồi lại vội đi ngay
Để lại bao nhiêu thiết tha trìu mến
Tâm hồn tôi ấp ủ bốn mùa hương
Trái tim nhỏ với yêu thương thơm ngát.
(Lưu Diễm Ngọc - 9A9)
Bài thơ 2:
NGƯỜI LÁI ĐÒ
Em lặng nhìn dòng sông trôi êm ả
Ánh hoàng hôn in bóng nước lung linh
Thấp thoáng dáng những con thuyền xuôi ngược
Nao nao lòng em lại nghĩ về cô.
Có một con đò dầm dãi nắng mưa
Lặng lẽ chở những dòng người xuôi ngược
Khách sang sông tiếp hành trình phía trước
Có ai nhớ về bến cũ đò xưa!
Câu chuyện năm xưa mãi đến bây giờ
Em muốn gửi, người đưa đò năm ấy
Lòng biết ơn của những người trẻ tuổi
Qua những chuyến đò chở nặng yêu thương.
(Hoàng Bảo Ly - 9A2)