X

Soạn văn 9 Chân trời sáng tạo

Soạn bài Tri thức ngữ văn trang 123 - ngắn nhất Chân trời sáng tạo


Soạn bài Tri thức ngữ văn trang 123 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 9 Chân trời sáng tạo giúp học sinh soạn văn 9 dễ dàng hơn.

Soạn bài Tri thức ngữ văn trang 123 - Chân trời sáng tạo

1. Đôi nét về lịch sử văn học Việt Nam

- Văn học Việt Nam có lịch sử lâu đời, gồm văn học dân gian (sáng tác và lưu truyền bằng phương thức truyền miệng) và văn học viết.

Văn học dân gian Việt Nam rất đa dạng về thể loại, từ các thể tự sự (thần thoại, truyền thuyết, sử thi, truyện cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn,...), trữ tình (ca dao, dân ca) đến các thể lời nói dân gian (tục ngữ, câu đố,...),...

Văn học viết Việt Nam gồm ba bộ phận: văn học chữ Hán, văn học chữ Nôm (từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX) và văn học chữ Quốc ngữ (từ đầu thế kỉ XX đến nay). Cả ba bộ phận văn học này, tuỳ theo bối cảnh lịch sử xã hội và hoàn cảnh sáng tác mà thiên về nội dung yêu nước, tự hào dân tộc (ví dụ: Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ,...) hoặc thiên về nội dung nhân đạo: thể hiện lòng yêu thương, bênh vực, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của con người (ví dụ: Chuyện người con gái Nam Xương, Truyện Kiều...).

- Trong bộ phận văn học chữ Hán, các thể loại tự sự, gồm cả các thể truyện, đều được viết bằng văn xuôi (ví dụ: Thánh Tông di thảo tương truyền của vua Lê Thánh Tông, Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ, Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái). Trong bộ phận văn học chữ Nôm, thơ trữ tình và các thể truyện đều được viết bằng văn vần (thơ lục bát hoặc một vài thể thơ khác).

- Điều khác biệt đáng lưu ý giữa văn học viết bằng chữ Hán, chữ Nôm với văn học viết bằng chữ Quốc ngữ là trong khi văn học chữ Hán, chữ Nôm coi trọng tính quy phạm, vẻ đẹp mực thước, cao nhã, ưa chuộng sử dụng các điển tích, điển cố,... thì văn học chữ Quốc ngữ lại thường đề cao cái đẹp độc đáo, muôn màu muôn vẻ và tinh thần tự do trong sáng tạo của các nhà thơ, nhà văn.

2. Truyện thơ Nôm

Truyện thơ Nôm

- Là thể loại tự sự bằng văn vần và viết bằng chữ Nôm, ra đời từ thế kỉ XVII, phát triển mạnh vào cuối thế kỉ XVIII và thế kỉ XIX.

+ Thể thơ, truyện thơ Nôm chủ yếu được viết theo thể thơ lục bát.

+ Ngôn ngữ và đặc điểm nghệ thuật: truyện thơ Nôm được phân loại thành truyện thơ Nôm bình dân và truyện thơ Nôm bác học.

Tác giả

Truyện thơ Nôm được phân loại thành truyện thơ Nôm khuyết danh và truyện thơ Nôm hữu danh. “Khuyết danh” là để chỉ những tác phẩm không xác định được tác giả (ví dụ Thạch Sanh, Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa,...) khác với “hữu danh” là có tên tác giả (ví dụ Truyện Kiều của Nguyễn Du, Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu).

Cốt truyện của truyện thơ Nôm

Thường theo một trong hai mô hình: gặp gỡ (hội ngộ) - tai biến (lưu lạc) - đoàn tụ (đoàn viên), ví dụ như Truyện KiềuTruyện Lục Vân Tiên,... hoặc mô hình nhân - quả (ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ), ví dụ như Quan Âm Thị Kính, Thạch Sanh,...

Nhân vật của truyện thơ Nôm

+ Thường chia thành hại tuyến: nhân vật chính diện (đại diện cho cái tốt, cái đẹp, tiến bộ) và nhân vật phản diện (đại diện cho cái xấu, cái ác, bảo thủ).

+ Nhân vật chính thường được xây dựng theo khuôn mẫu như: chàng trai tài giỏi, nghĩa khí; cô gái xinh đẹp, nết na,...

+ Bên cạnh nhân vật là con người, trong các truyện thơ Nôm mô phỏng truyện cổ tích thần kì còn có những nhân vật kì ảo như đồ vật hay loài vật thần kì.

+ Đặc điểm, tính cách của nhân vật trong truyện thơ Nôm cũng thường được thể hiện qua hành động, ngôn ngữ (lời thoại), tâm trạng, cảm xúc,...

Lời thoại

Là lời của nhân vật, gồm đối thoại (lời của các nhân vật nói với nhau) và độc thoại (thường là những lời thoại bộc lộ tâm trạng, cảm xúc, còn gọi “độc thoại nội tâm”). Trừ một số ít truyện thơ Nôm như Truyện Kiều của Nguyễn Du có lời của nhân vật gồm cả đối thoại và độc thoại, trong các truyện thơ Nôm nói chung, lời của nhân vật phần lớn là đối thoại.

3. Một số hiểu biết sơ giản về chữ viết tiếng Việt: chữ Nôm và chữ Quốc ngữ

Chữ Nôm

Chữ Quốc ngữ

Là hệ thống chữ viết của người Việt được xây dựng dựa trên cơ sở chất liệu chữ Hán và âm đọc Hán Việt. Đây là thành quả văn hóa lớn lao, thể hiện ý thức độc lập, tự chủ của dân tộc và là phương tiện sáng tạo nên nền văn học chữ Nôm đặc sắc. Theo một số công trình nghiên cứu, chữ Nôm có thể đã hình thành vào khoảng thế kỉ VIII - IX và được phát triển, hoàn thiện vào khoảng thế kỉ XIII.

Là hệ thống chữ viết do một số giáo sĩ phương Tây dựa vào bộ chữ cái La-tinh để ghi âm tiếng Việt nhằm phục vụ cho việc truyền giảng đạo Thiên Chúa. Chữ Quốc ngữ ra đời vào nửa đầu thế kỉ XVII và được cải tiến, hoàn thiện trong vòng hai thế kỉ tiếp theo. Đây là một hệ thống chữ viết có nhiều ưu điểm, có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, đồng thời là phương tiện làm nên một nền văn học phong phú - nền văn học chữ Quốc ngữ.

4. Điển tích, điển cố: đặc điểm và tác dụng

Điển tích, điển cố được hiểu là sự việc, câu chữ trong sách xưa, được dẫn lại một cách cô đúc trong tác phẩm văn học. Điển tích, điển cố thường được gọi chung là điển. Trong sáng tác văn chương, việc sử dụng điển tích, điển cố làm cho cách diễn đạt trở nên hàm súc, uyên bác, giàu sức biểu hiện, gián tiếp bộc lộ thái độ, cảm xúc của tác giả, đem lại hứng thú cho người đọc.

Ví dụ 1:

Vân Tiên tả đột hữm xung,

Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dương.

(Nguyễn Đình Chiểu, Truyện Lục Vân Tiên)

Trong cặp lục bát trên, tác giả đã sử dụng điển “Triệu Tử phá vòng Đương Dương”, gợi nhớ đến một câu chuyện trong truyện Tam Quốc diễn nghĩa (La Quán Trung, Trung Quốc). Trong một lần bị Tào Tháo đánh bại ở Tân Dã, Lưu Bị phải bỏ chạy. Khi đến Đương Dương, do bị đuổi theo nên Lưu Bị phải cướp đường rút về phía nam, tướng tá lạc nhau. Trong hoàn cảnh ấy, Triệu Tử Long một mình bảo vệ vợ con Lưu Bị, đánh phá vòng vây trùng điệp của quân Tào, vượt cầu Trường Bản, tìm gặp Lưu Bị. Với việc sử dụng điển này, hình ảnh nhân vật Lục Vân Tiên hiện lên với vẻ đẹp của mẫu hình dũng tướng lí tưởng Triệu Tử Long. Qua đó, tác giả tô đậm sự đức độ của một người “vị nghĩa vong thân” (vì nghĩa quên mình) và tài năng của bậc anh hùng trong tình thế ngặt nghèo, đồng thời giúp người đọc cảm nhận rõ thái độ thán phục, ngưỡng mộ của tác giả dành cho nhân vật.

Ví dụ 2:

Trước sau nào thấy bóng người,

Hoa đào năm ngoài còn cười gió đông.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

Khi viết hai dòng lục bát trên, Nguyễn Du đã dẫn lại ý trong bài thơ Đề đô thành nam trang (Đề ở trại phía nam đô thành) của nhà thơ Thôi Hộ (Trung Quốc): Tích nhân kim nhật thử môn trung,/ Nhân điện đào hoa tương ánh hồng./ Nhân diện bất tri hà xứ khứ,/ Đào hon y cựu tiếu đông phong. Việc sử dụng điển này làm cho hai dòng thơ cô đọng, hàm súc, gợi tả đúng tâm trạng của Kim Trọng khi trở về tìm gặp Thúy Kiều nơi vườn cũ nhưng không còn thấy bóng dáng nàng ở đó nữa.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 9 Chân trời sáng tạo ngắn nhất, hay khác: