Soạn bài Ý nghĩa văn chương - ngắn nhất Chân trời sáng tạo
Soạn bài Ý nghĩa văn chương ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 9 Chân trời sáng tạo giúp học sinh soạn văn 9 dễ dàng hơn.
Soạn bài Ý nghĩa văn chương - Chân trời sáng tạo
* Chuẩn bị đọc:
Câu hỏi (trang 37 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Khi thưởng thức một tác phẩm văn chương, bản thân em thu nhận được điều gì?
Trả lời:
Khi thưởng thức một tác phẩm văn chương, bản thân em thu nhận được:
- Nội dung ý nghĩa của tác phẩm.
- Tài năng nghệ thuật của tác giả.
- Thấy được tình cảm của tác giả gửi gắm trong tác phẩm.
- Khơi gợi những cảm xúc, tình cảm cá nhân: yêu quý, ngưỡng mộ, căm ghét, hờn giận,…
* Trải nghiệm cùng văn bản
1. Suy luận: Tác giả kể câu chuyện ở đầu văn bản nhằm mục đích gì?
Trả lời:
Tác giả kể câu chuyện ở đầu VB để minh hoạ, dẫn dắt vào ý tưởng thơ ca bắt nguồn từ tình cảm, cảm xúc của con người.
2. Theo dõi: Xác định một số từ ngữ, câu văn thể hiện đánh giá chủ quan của người viết trong đoạn này.
Trả lời:
Từ ngữ |
Câu văn |
“Phạm vi hẹp hòi của bản thân”, “sự sống muôn hình vạn trạng”, “lòng yêu thương vô cùng của nhà văn”, “một người yêu Thuý Kiều nồng nàn hơn Kim Trọng”,… |
“Vũ trụ này tầm thường, chật hẹp, không đủ thoả mãn mối tình cảm dồi dào của nhà văn?”,… |
3. Suy luận: Văn nhân, thi sĩ làm phong phú thêm cuộc sống con người bằng cách nào?
Trả lời:
Văn nhân, thi sĩ làm phong phú thêm cuộc sống con người bằng cách dùng tình cảm và sự sáng tạo của bản thân để làm phong phú thêm ý nghĩa khi miêu tả thế giới.
* Suy ngẫm và phản hồi:
Nội dung chính: Văn bản “Ý nghĩa văn chương” bàn về nguồn gốc, nhiệm vụ, công dụng của văn chương trong lịch sử của nhân loại.
Câu 1 (trang 40 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Luận đề của văn bản là gì? Xác định bố cục và luận điểm của văn bản dựa vào gợi ý sau (làm vào vở):
Bố cục văn bản |
Luận điểm |
Phần 1: Từ đầu đến “lòng vị tha” |
Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là lòng thương người, lòng thương muôn vật, muôn loài. |
Phần 2: … |
… |
Trả lời:
- Luận đề của văn bản: Ý nghĩa của văn chương.
Bố cục văn bản |
Luận điểm |
Phần 1: Từ đầu đến “lòng vị tha” |
Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là lòng thương người, lòng thương muôn vật, muôn loài. |
Phần 2: Phần còn lại. |
Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có; cuộc đời phù phiếm và chật hẹp của cá nhân vì văn chương mà trở nên thâm trầm và rộng rãi đến nghìn lần. |
Câu 2 (trang 40 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Vẽ sơ đồ thể hiện mối quan hệ giữa luận đề, luận điểm, lí lẽ, bằng chứng trong văn bản. Những lí lẽ, bằng chứng trong phần 2 đã góp phần làm sáng tỏ luận đề như thế nào?
Trả lời:
- Sơ đồ thể hiện mối quan hệ giữa luận đề, luận điểm, lí lẽ, bằng chứng trong văn bản là:
- Những lí lẽ và bằng chứng có tác dụng làm sáng tỏ cho luận điểm.
Câu 3 (trang 40 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Lí lẽ, bằng chứng nào trong văn bản để lại cho em ấn tượng sâu sắc nhất? Hãy chia sẻ ấn tượng với các bạn.
Trả lời:
* Lí lẽ và bằng chứng em ấn tượng:
- Lí lẽ:
+ Cả phong cảnh đã thay hình đổi dạng từ khi có những nhà văn đưa cảm giác riêng của họ làm thành cảm giác chung của mọi người.
+ Thế giới như ngày nay là một sự sáng tạo của nghệ sĩ.
+ Nếu thiếu nghệ sĩ trong lịch sử và tâm linh nhân loại, “cảnh tượng nghèo nàn sẽ đến bực nào”.
- Bằng chứng: Những ví dụ để chứng minh rằng phần nhiều những tình cảm, những cảm giác của người thời bây giờ đều do một ít người xưa có thiên tài sáng tạo ra và truyền lại.
→ Tất cả những lí lẽ và bằng chứng này góp phần làm sáng tỏ luận điểm: Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có; cuộc đời phù phiếm và chật hẹp.
Câu 4 (trang 40 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Nhận xét về cách trình bày vấn đề khách quan và chủ quan trong đoạn: “Làm trọn nhiệm vụ ấy … thiếu nữ trong truyện.”
Trả lời:
Cách trình bày vấn đề khách quan |
Cách trình bày vấn đề chủ quan |
Thể hiện qua các thông tin, bằng chứng khách quan cho thấy các đặc trưng của văn chương và quá trình sáng tạo của nhà văn: “văn chương sẽ là hình dung của cuộc sống muôn hình vạn trạng”, “văn chương còn sáng tạo ra sự sống”, “nhà văn sẽ tạo ra những thế giới khác, những người, những vật khác”, “Sự sáng tạo này cũng có thể xem là xuất ở mối tình yêu thương tha thiết”,… |
Thể hiện qua các từ ngữ, câu văn, hình ảnh cho thấy tình cảm trân trọng, ngợi ca của tác giả với ý nghĩa văn chương và quá trình sáng tạo của nhà văn: “thoát mình ra ngoài phạm vi hẹp hòi của bản thân để sống cái đời của mọi người, mọi vật”, “vụ trụ này tầm thường, chật hẹp, không đủ thoả mãn mối tình cảm dồi dào của nhà văn”, “mối tình yêu thương tha thiết”, “lòng yêu thương vô cùng của nhà văn”, “chính Nguyễn Du đã trao sự sống của mình cho thiếu nữ trong truyện”,… |
Nhận xét: Trong đoạn văn, hai cách trình bày vấn đề khách quan và chủ quan được kết hợp với nhau một cách khéo léo, trong khi trình bày thông tin khách quan, tác giả cũng đồng thời thể hiện tình cảm, cách đánh giá của mình. Cách kết hợp này làm tăng sức thuyết phục của VB, vừa đảm bảo tính khách quan, chính xác, chân thực của các bằng chứng (thông qua cách trình bày vấn đề khách quan), vừa tác động vào tình cảm, khơi gợi sự đồng cảm của người đọc đối với tình cảm, đánh giá của người viết trong VB (thông qua cách trình bày vấn đề chủ quan) |
Câu 5 (trang 40 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Hoài Thanh cho rằng: “Trên quả đất này từ khi có loài người bao giờ vẫn núi non ấy, cây cỏ ấy, thế mà một người đời xưa với một người đời nay nào có trông thấy như nhau”. Em hãy tìm một ví dụ trong văn học cho thấy những cách nhìn khác nhau về cảnh thiên nhiên.
Trả lời:
Mùa thu là mùa các thi nhân đi tìm những vần thơ để sáng tác thành những tuyệt phẩm bất hủ nghìn năm. Mỗi nhà thơ lại có những cách nhìn khác nhau, khám phá mùa thu ở những khía cạnh khác nhau. Ví dụ:
+ Trong thơ Nguyễn Du:
Đêm thu khắc lậu canh tàn
Gió cây trút lá trăng ngàn ngậm sương.
+ Trong thơ Nguyễn Khuyến:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo
+ Trong thơ Lưu Trọng Lư:
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức.
+ Trong thơ Xuân Diệu:
Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ
Non xa khởi sự nhạt sương mờ
Đã nghe rét mướt luồn trong gió
Đã vắng người sang những chuyến đò.
+ Trong thơ Quang Huy:
Mùa thu của em
Là vàng hoa cúc
Như nghìn con mắt
Mở nhìn trời êm.
Mùa thu của em
Là xanh cốm mới
Mùi hương như gợi
Từ màu lá sen
Mùa thu của em
Rước đèn họp bạn
Hội rằm tháng tám
Chị Hằng xuống xem.
Câu 6 (trang 40 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Trong bối cảnh đương đại với nhiều vấn đề toàn cầu như dịch bệnh, sự bùng nổ của mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo,… văn chương có còn cần thiết với chúng ta không? Vì sao em cho là như vậy? Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 150 chữ) thể hiện suy nghĩ của em về vấn đề trên.
Trả lời:
Văn học từ bao đời nay vẫn được coi là một cuốn bách khoa toàn thư về cuộc sống bởi nó lý giải những thắc mắc của loài người và đáp ứng được nhu cầu muốn khám phá, muốn chiêm nghiệm thế giới của con người. Hiện thực cuộc sống được tác giả khoác lên bằng những tấm áo nhiều màu sắc với những tình cảm chân thành, bài học đầy tính nhân văn để từ đó tác phẩm văn học mới có sức hút với bạn đọc, lay động trái tim bạn đọc và tạo ra sự kết nối, sự đồng cảm giữa tác giả - bạn đọc. Đến với văn chương, con người như tìm lại được con người thật của bản thân, tìm về với chính mình. Dưới những lo toan của cuộc sống, con người bao giờ cũng phải dựng lên bức tường thép, mặc áo giáp để xây nên những vỏ bọc hoàn hảo nhưng khi đã thả mình vào văn chương, người ta có thể cởi bỏ tất cả những thứ đó mà vô lo vô nghĩ bởi văn chương đã tưới mát cho tâm hồn già cỗi có thêm sức sống, trái tim được rung động. Thật vậy, có mấy ai trong chúng ta đọc những vần thơ tình của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu hay nữ sĩ Xuân Quỳnh mà không có chút nào rung động, xuyến xao? Văn chương ra đời để “gắn kết những ốc - đảo - người” thành một khối. Tự bao đời nay, từ văn học dân gian cho đến văn học hiện đại, văn chương vẫn được biết đến là sợi dây kết nối người với người, mang đến những bài học đầy tính nhân văn để truyền tải tình yêu thương nhân loại. Ta bắt gặp những câu ca dao mà từ tấm bé, có lẽ ai cũng sẽ được nghe: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” hay: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Tìm đọc những tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại, ta đã nhiều lần bắt gặp những mảnh đời cơ cực, những số phận của người nông dân trong những trang văn của Tô Hoài, Kim Lân, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố,.... Không chỉ vậy, văn chương phá bỏ rào cản về không gian, thời gian, mở ra bờ cõi giúp ta “kết nối” đến mọi thời đại. Văn chương như một sợi dây vô hình không có giới hạn giúp ta tìm hiểu được mọi Ta có thể khám phá những vùng đất mới qua văn chương mà chưa từng đặt chân đến: “Ngọ Môn năm cửa chín lầu/ Cột cờ ba bậc, Phú Văn Lâu hai tầng” hay: “Biên Hòa có bưởi Thanh Trà/ Thủ Đức nem nướng, Điện Bà Tây Ninh”. Văn chương như một chiếc hộp diệu kỳ, là nghệ thuật nhưng lại chân thực vô cùng, lại có thể chạm vào trái tim của những người yêu nó. Người ta tìm đến nó không phải là những thứ cao siêu mà chỉ đơn giản ở đó họ tìm được cuộc đời, tìm được sự bình yên trong tâm hồn. Vì vậy, nếu cảm thấy văn chương là thứ gì đó trừu tượng, nhiều chữ thì hãy thử một lần để bản thân đắm mình, thả hồn và phiêu theo những trang văn, tin tưởng sức mạnh kì diệu mà nó mang lại như nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Hãy để văn chương kết nối bạn với chính con người thật của bạn, kết nối bạn với thế giới, với vạn vật. Trong bối cảnh đương đại với nhiều vấn đề toàn cầu như dịch bệnh, sự bùng nổ của mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo,… văn chương vẫn luôn còn cần thiết đối với chúng ta.