Bài 3: Sáng tháng Năm - Tiếng Việt lớp 4 Chân trời sáng tạo
Haylamdo biên soạn và sưu tầm lời giải Tiếng Việt lớp 4 Bài 3: Sáng tháng Năm sách Chân trời sáng tạo giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 4 Tập 1 Bài 3.
Bài 3: Sáng tháng Năm - Tiếng Việt lớp 4 Chân trời sáng tạo
Đọc: Sáng tháng Năm (trang 89, 90)
* Nội dung chính Sáng tháng Năm:
Được thăm Bác, đến bên nơi Bác công tác là một niềm vui thích, hạnh phúc vô bờ. Cuộc sống bên bác đơn sơ, giản dị. Nhờ Bác, ta thấy được cả nước non, cả bờ cõi non sông như bây giờ.
* Khởi động
Câu hỏi trang 89 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 1: Trao đổi với bạn về ý nghĩa của một bài thơ hoặc một bài hát về Bác Hồ.
Trả lời:
Bài hát Từ rừng xanh cháu về thăm Lăng Bác – tác giả Hoàng Lân là một bài hát hay. Thể hiện niềm vui thích, mừng rỡ của một bạn nhỏ từ nơi xa về thăm Lăng Bác.
* Khám phá và luyện tập
Đọc
1. Đọc bài thơ:
Bài thơ: Sáng tháng Năm
(Trích)
Vui sao một sáng tháng Năm
Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ
Suối dài xanh mướt nương ngô
Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn...
Bác kêu con đến bên bàn
Bác ngồi Bác viết, nhà sàn đơn sơ
Con bồ câu trắng ngây thơ
Nó đi tìm thóc quanh bồ công văn
Lát rồi, chim nhé, chim ăn
Bác Hồ còn bận khách văn đến nhà.
Bàn tay con nắm tay cha
Bàn tay Bác ấm vào da vào lòng.
Bác ngồi đó, lớn mênh mông
Trời xanh biển rộng ruộng đồng nước non...
(Tố Hữu)
Câu hỏi, bài tập:
Câu 1 trang 90 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 1: Tìm câu thơ thể hiện cảm xúc của tác giả khi lên thăm Bác Hồ.
Trả lời:
Câu thơ thể hiện cảm xúc của tác giả khi lên thăm Bác Hồ:
Vui sao một sáng tháng Năm
Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ
Câu 2 trang 90 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 1: Con đường về Việt Bắc hiện lên qua những hình ảnh nào?
Trả lời:
Con đường về Việt Bắc hiện lên qua những hình ảnh: suối dài, nương ngô xanh, gió ngàn.
Câu 3 trang 90 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 1: Khổ thơ thứ hai cho chúng ta biết những gì về nơi Bác Hồ ở và làm việc? Qua đó, em hiểu thêm điều gì về Bác?
Trả lời:
Qua khổ thơ thứ hai, ta biết nơi Bác làm việc rất đơn sơ, nhà gồm có bàn làm việc, bồ đựng công văn, hoà với cuộc sống tự nhiên với chim bồ câu quanh nhà.
Câu 4 trang 90 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 1: Hai dòng thơ cuối bài khẳng định điều gì?
Trả lời:
Hai dòng thơ cuối bài khẳng định: Nhờ có Bác, nhờ Bác tận tâm mà đất nước nhất định sẽ có hoà bình, độc lập. Quân thù sẽ khiếp sợ trước sự lo lớn, vĩ đại của Bác. Đất nước sẽ là của chúng ta!
2. Đọc mở rộng:
Sinh hoạt câu lạc bộ đọc sách
Chủ điểm Những người tài trí
(a) Tìm đọc một truyện viết về:
(b) Ghi chép tóm tắt nội dung truyện vào Nhật kí đọc sách bằng một đoạn văn ngắn hoặc bằng sơ đồ đơn giản.
c. Cùng bạn chia sẻ:
– Truyện đã đọc.
− Nhật kí đọc sách.
– Những điều em học được từ nhân vật trong truyện.
Trả lời:
a. Truyện “Trí khôn của ta đây”:
Một con cọp từ trong rừng đi ra, thấy một anh nông dân cùng một con trâu đang cày dưới ruộng. Trâu cặm cụi đi từng bước, lâu lâu lại bị quất một roi vào mông. Cọp lấy làm ngạc nhiên lắm. Ðến trưa, mở cày, Cọp liền đi lại gần Trâu hỏi:
– Này, trông anh khỏe thế, sao anh lại để cho người đánh đập khổ sở như vậy?
Trâu trả lời khẽ vào tai Cọp:
– Người tuy nhỏ, nhưng người có trí khôn, anh ạ!
Cọp không hiểu, tò mò hỏi:
– Trí khôn là cái gì? Nó như thế nào?
Trâu không biết giải thích ra sao, đành trả lời qua quýt:
– Trí khôn là trí khôn, chứ còn là cái gì nữa? Muốn biết rõ thì hỏi người ấy!
Cọp thong thả bước lại chỗ anh nông dân và hỏi:
– Trí khôn của anh đâu, cho tôi xem một tí có được không?
Anh nông dân suy nghĩ một lát rồi nói:
– Trí khôn tôi để ở nhà. Ðể tôi về lấy cho anh xem. Anh có cần, tôi sẽ cho anh một ít.
Cọp nghe nói, mừng lắm.
Anh nông dân toan đi, lại làm như sực nhớ ra điều gì bèn nói:
– Nhưng mà tôi đi khỏi, lỡ anh ăn mất trâu của tôi thì sao?
Cọp đang băn khoăn chưa biết trả lời thế nào thì anh nông dân đã nói tiếp:
– Hay là anh chịu khó để tôi buộc tạm vào gốc cây này cho tôi được yên tâm.
Cọp ưng thuận, anh nông dân bèn lấy dây thừng trói cọp thật chặt vào một gốc cây. Xong anh lấy rơm chất chung quanh Cọp, châm lửa đốt và quát:
– Trí khôn của ta đây! Trí khôn của ta đây!
Trâu thấy vậy thích quá, bò lăn ra mà cười, không may hàm trên va vào đá, răng gãy không còn chiếc nào.
Mãi sau dây thừng cháy đứt, Cọp mới vùng dậy ba chân bốn cẳng chạy thẳng vào rừng không dám ngoái nhìn lại.
Từ đó, cọp sinh ra con nào trên mình cũng có những vằn đen dài, vốn là dấu tích những vết cháy, còn trâu thì chẳng con nào có răng ở hàm trên cả.
b. Ghi tóm tắt nội dung truyện vào Nhật kí đọc sách:
Tên truyện: Trí khôn của ta đây.
Sự việc 1: Anh nông dân cùng trâu đi cày, hổ và trâu đã cùng nói chuyện với nhau.
Sự việc 2: Hổ hỏi người nông dân về trí khôn.
Sự việc 3: Anh nông dân trói hổ lại, nói rằng về nhà lấy trí khôn.
Sự việc 4: Anh nông dân châm lửa đốt con Hổ, nói “trí khôn của ta đây”
Sự việc 5: Hổ sợ quá, chờ tháo chạy thoát thân vào rừng.
c. Em chia sẻ với bạn về truyện đã đọc, Nhật kí đọc sách của em và điều em học được từ nhân vật trong truyện:
Qua câu chuyện, em thấy con người tuy nhỏ bé, nhưng với trí khôn và sự thông minh của mình mà có thể cai trị, làm chủ được thế giới và chống lại sự tàn ác, nguy hiểm từ tự nhiên đem lại.
Luyện từ và câu: Luyện tập về danh từ, động từ, tính từ (trang 91)
Câu 1 trang 91 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 1: Tìm 2 – 3 tên riêng theo yêu cầu ghi trên mỗi thẻ:
Trả lời:
- Tên người thân của em: Nguyễn Văn Thơi; Nguyễn Thị Thu Phương ; Nguyễn Viết Thông.
- Tên công trình kiến trúc mà em biết: Lăng Bác, Bảo tàng Quảng Ninh, Nhà tù Hoả Lò, Hoàng thành Thăng Long. The Landmark 81.
- Tên đất nước em đã học: Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Lào, Cam-pu-chia.
Câu 2 trang 91 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 1: Tìm 2 – 3 từ theo yêu cầu ở mỗi thẻ có trên đường đi.
Trả lời:
- Danh từ chỉ người: bác sĩ, công nhân, nông dân, kĩ sư, giáo viên.
- Danh từ chỉ thời gian: giờ, phút, tháng, năm, thế kỉ, hôm nay, ngày mai.
- Danh từ chỉ hiện tượng: mưa, nắng, sấm chớp, hạn hán, tuyết, băng giá, mưa đá.
- Động từ chỉ hoạt động học tập: viết, đọc, nói, nghe, hỏi, đáp.
- Động từ chỉ hoạt động vui chơi: chơi, chạy, nhảy, ngồi, nằm, leo, trèo.
- Tính từ chỉ tính nết của học sinh : chăm chỉ, cần cù, lười biếng, nhanh nhảu.
- Tính từ chỉ phẩm chất của người: cần cù, yêu nước, chăm chỉ, sáng tạo.
Câu 3 trang 91 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 1: Viết đoạn văn ngắn (từ 4 đến 5 câu) kể về một việc em đã làm để thực hiện “5 điều Bác Hồ dạy”.
Trả lời:
Để thực hiện “5 điều Bác Hồ dạy”, em đã luôn thường kể cho các bạn nhỏ nước ngoài ở lớp học thêm Tiếng Anh về đặc sản, danh lam nước mình. Mỗi đất nước có một văn hoá, có một vẻ đẹp. Nhưng với Việt Nam, sự yên bình hữu hình đến lạ. Em yêu và tự hào lắm đất nước mình.
Viết trang 92
Đề bài: Viết bài văn thuật lại một sự việc trong lễ kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20 – 11 của trường để lại cho em nhiều ấn tượng.
Lưu ý:
– Em nên thuật cụ thể hoạt động, lời nói,... của những người tham gia.
– Chú ý thuật cảm xúc của người dự.
– Em có thể thêm vào một vài chi tiết tả cảnh thiên nhiên hoặc địa điểm diễn ra sự việc để bài viết thêm sinh động.
Trả lời:
Vào sáng ngày 20 - 11 hằng năm, trường em lại tưng bừng tổ chức buổi lễ chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 với sự tham gia của tất cả các học sinh, giáo viên trong toàn trường.
Sáng hôm ấy, chúng em ai cũng đến trường thật sớm với tâm trạng hào hứng và phấn khởi. Đến nơi, ai cũng bất ngờ bởi vẻ đẹp của ngôi trường. Những dãy cờ đỏ tươi dẫn đến sân khấu chính giữa. Ở đó, một tấm bạt lớn in dòng chữ Lễ kỉ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 được in thật to và nổi bật. Xung quanh là rất nhiều những lẵng hoa tươi thắm. Trên sân, ngoài các thầy cô và học sinh, thì có rất nhiều cựu học sinh trở về thăm thầy cô giáo cũ của mình.
Suốt cả buổi lễ, em háo hức và đón chờ nhất là phần phát biểu của đại diện học sinh chúng em tri ân thầy cô. Đây là điều em cảm thấy mong chờ, muốn lắng nghe nhất trong buổi lễ.
Đầu tiên, bạn Nguyễn Hải An – là lớp trưởng lớp 5A, đại diện học sinh toàn trường lên phát biểu. Ai cũng rưng rưng xúc động khi được nói lời tri ân sâu sắc đến người cha, người mẹ thứ hai của mình. Lời phát biểu của bạn đã thay lời cho tất cả chúng tớ, tâm tư và nguyện vọng, lời nhắn nhủ tới toàn thể thầy cô trong dịp lễ đặc biệt này.
Tiếp theo đó, bạn mời thầy hiệu trưởng của trường lên nhận hoa tặng chúc mừng thầy cô. Đoá hoa đẹp và to lắm! Em không trực tiếp cầm bó hoa ấy, nhưng nhìn từ xa cũng biết rằng bó hoa ấy rất thơm, rất đẹp. Bó hoa được trao từ tay bạn An tới tay thầy hiệu trưởng một cách trang trọng, thành kính nhất. Chúc mừng thầy cô, chúng em cảm ơn thầy cô đã ở bên chúng em, dìu dắt chúng em nên người.
Cuối cùng, thầy hiệu trưởng đáp từ, gửi lời cảm ơn, yêu thương tới chúng em. Lời thầy nói làm em mừng vui, hạnh phúc lắm! Các thầy cô lo cho chúng em hàng ngày, hàng giờ. Chúng em nể phục và yêu quý thầy cô nhiều lắm!
Đến khoảng 11 giờ, sự kiện kết thúc trong bầu không khí rộn ràng và có chút tiếc nuối của người tham gia. Tuy vậy, không ai rời đi ngay cả, mà cố nán lại để được ôm, được nắm tay và chụp ảnh cùng thầy cô yêu quý của mình. Buổi lễ 20-11 của trường em đã diễn ra trong tất cả tình yêu và kỉ niệm đẹp nhất.
* Vận dụng
Câu 1 trang 92 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 1: Sưu tầm tranh, ảnh về Bác Hồ với thiếu nhi.
Trả lời:
Câu 2 trang 92 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 1: Chia sẻ cảm xúc của em về một bức tranh hoặc bức ảnh sưu tầm được.
Trả lời:
Dù chưa được trực tiếp ôm chầm lấy Bác, nhưng nhìn cảm xúc, vẻ mặt tươi cười của các bạn nhỏ em cảm nhận được phần nào sự ấm áp, yêu thương từ Bác. Bác là một người yêu trẻ, yêu thiếu nhi – mầm non của đất nước. Đời đời chúng em mãi yêu quý Bác Hồ Chí Minh.