Lý thuyết KHTN 9 Bài 4: Hiện tượng tán sắc ánh sáng. Màu sắc ánh sáng - Cánh diều
Haylamdo biên soạn tóm tắt lý thuyết Khoa học tự nhiên 9 Bài 4: Hiện tượng tán sắc ánh sáng. Màu sắc ánh sáng sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 9 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn KHTN 9.
Lý thuyết KHTN 9 Bài 4: Hiện tượng tán sắc ánh sáng. Màu sắc ánh sáng - Cánh diều
I. Tán sắc ánh sáng qua lăng kính
1. Lăng kính
Lăng kính là một khối đồng chất, trong suốt (nhựa, thủy tinh,…) có hai mặt không song song. Lăng kính thường có dạng lăng trụ tam giác.
2. Đường đi của tia sáng qua lăng kính
- Khi chiếu ánh sáng trắng qua lăng kính thì xảy ra hiện tượng tán sắc ánh sáng.
- Hiện tượng tán sắc ánh sáng là hiện tượng khi chiếu chùm sáng trắng qua lăng kính ta thu được dải ánh sáng màu giống như dải màu cầu vồng (so với phương của tia tới, tia đỏ lệch ít nhất, tia tím lệch nhiều nhất), đó là quang phổ của ánh sáng trắng.
- Ánh sáng trắng là tập hợp các ánh sáng đơn sắc khác nhau, trong đó có bảy màu chính: đỏ, da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím.
- Khi qua lăng kính, các ánh sáng đơn sắc trong ánh sáng trắng sẽ khúc xạ và bị lệch khác nhau tạo thành dải ánh sáng màu, gây ra hiện tượng tán sắc ánh sáng.
- Chiết suất của lăng kính đối với các ánh sáng đơn sắc khác nhau là khác nhau. Chiết suất của lăng kính đối với ánh sáng màu đỏ là nhỏ nhất, chiết suất của lăng kính đối với ánh sáng màu tím là lớn nhất.
- Ánh sáng đơn sắc là ánh sáng không bị tán sắc qua lăng kính.
- Mỗi ánh sáng đơn sắc có một màu sắc xác định.
- Khi chiếu tia sáng đơn sắc tới lăng kính thì tia ló luôn lệch về phía đáy so với tia tới và không bị đổi màu.
II. Màu sắc các vật
Khi ánh sáng chiếu tới vật, vật sẽ hấp thụ một ánh sáng màu và cho phản xạ một số ánh snasg màu nhất định. Điều này tạo nên màu sắc của vật.
Một vật hấp thụ hầu hết các ánh sáng màu tới nó thì ta sẽ thấy vật có màu đen.