Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài - tác giả, nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý
Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài - tác giả, nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý
Nhằm mục đích giúp học sinh nắm vững kiến thức tác phẩm Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài Ngữ văn lớp 11, bài học tác giả - tác phẩm Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài trình bày đầy đủ nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý phân tích, sơ đồ tư duy và bài văn phân tích tác phẩm.
A. Nội dung tác phẩm Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài
Đoạn trích Vĩnh biệt cửu trùng đài xoay quanh cuộc đời nhân vật chính là Vũ Như Tô – một nhà kiến trúc sư tài giỏi. Theo lệnh của bị hôn quân Lê Tương Dực, Vũ Như Tô bị bắt xây dựng Cửu Trùng đài để cho vua hưởng lạc, vui chơi với các cung nữ. Vì là một nghệ sĩ chân chính, Vũ Như Tô từ chối mệnh lệnh của vua. Đam Thiềm, một cung nữ đã thuyết phục được Vũ Như Tô xây Cửu Trùng Đài. Từ đó, ông dồn hết tâm trí để xây được một tòa đài sao cho hùng vĩ, tráng lệ. Thế nhưng, ông đã vô tình gây ra biết bao tại họa cho người dân: tăng thuế, bắt thợ giỏi, tróc nã, hành hạ những người chống đối khiến lòng dân oán hận. Quận công Trịnh Duy Sản – kẻ cầm đầu chống đối triều đình đã nổi loạn giết Lê Tương Dực, Vũ Như Tô và Cửu trùng đài bị thiêu hủy.
B. Đôi nét về tác phẩm Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài
1. Tác giả
- Nguyễn Huy Tưởng (1912 – 1960), ông sinh ra trong một gia đình nhà nho có tinh thần yêu nước ở làng Dục Tú, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Dục Tú, huyện đông Anh, Hà Nội).
- Năm 1930, ông tham gia các hoạt động yêu nước của thanh niên học sinh ở Hải Phòng.
- Năm 1935 ông làm thư ký nhà Đoan (Thuế quan) ở Hải Phòng, sau đó quay về Hà Nội.
- Năm 1938 ông tham gia Hội Truyền bá Quốc ngữ và phong trào hướng đạo sinh ở Hải Phòng.
- Năm 1943 ông gia nhập nhóm Văn hóa cứu quốc bí mật và được bầu làm Tổng thư ký Hội Truyền bá Quốc ngữ Hải Phòng.
- Sau đó ông tiếp tục hoạt động ở Hà Nội, Nam Định và Phúc Yên.
- Tháng 6 – 1945, Nguyễn Huy Tưởng tham gia ban biên tập tạp chí Tiên Phong của Văn hóa cứu quốc.
- Tháng 8 – 1945, Nguyễn Huy Tưởng đi dự Đại hội quốc dân ở Tân Trào. Ông còn là đại biểu văn hóa cứu quốc, giúp biên tập các tờ báo Cờ giải phóng, Tiên Phong.
- Tiếp đó ông giữ chức vụ Tổng thư ký Ban Trung ương Vận động đời sống mới.
- Cách mạng Tháng Tám thành công, Nguyễn Huy Tưởng trở thành người lãnh đạo chủ chốt của Hội văn hóa cứu quốc.
- Năm 1951, ông tham gia chiến dịch biên giới.
- Hòa bình 1954, ông làm Uỷ viên ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam
- Quan niệm sáng tác: Nguồn cảm hứng lớn về lịch sử, viết để tỏ lòng yêu nước.
- Tác phẩm chính: Vũ Như Tô (kịch, 1941), Bắc Sơn (kịch, 1946), Những người ở lại (kịch, 1948), Đêm hội Long Trì (tiểu thuyết, 1942), An Tư (tiểu thuyết, 1945), Sống mãi với thủ đô (tiểu thuyết, 1961), Kí sự Cao Lạng (kí, 1951)...
- Trong văn của ông luôn đầy chất thơ của cuộc sống và chất chứa những bài ca hy vọng, những bài học về tình thương yêu những người thân, xóm giềng, cộng đồng và đồng loại.
- Văn phong giản dị, trong sáng, đôn hậu, thâm trầm, sâu sắc.
2. Tác phẩm
a. Hoàn cảnh sáng tác:
- Vở kịch Vũ Như Tô gồm 5 hồi viết về một sự kiện xảy ra ở Thăng Long khoảng năm 1516 – 1517.
- Tác phẩm được viết xong vào mùa hè năm 1941, tựa đề vào tháng 6 năm 1942.
b. Xuất xứ: Đoạn trích thuộc hồi thứ V (Một cung cấm) của vở kịch.
c. Thể loại: Kịch.
d. Phương thức biểu đạt: Tự sự, biểu cảm.
e. Ý nghĩa nhan đề:
- Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài cũng là vĩnh biệt vẻ đẹp cao siêu, lí tưởng mà con người (trong những hoàn cảnh nhất định) khó lòng đạt tới. Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài cũng nhằm kết thúc mọi oán thán, hận thù của con người do nó mà trở nên lao khổ hay độc ác.
- Nhan đề tác phẩm chứa đựng nhiều ẩn ý nhưng cũng là một lời chào vĩnh biệt trực tiếp sự huỷ diệt của đài Cửu Trùng.
f. Giá trị nội dung: Qua tấn bi kịch của Vũ Như Tô, tác giả đã đặt ra vấn đề sâu sắc, có ý nghĩa muôn thủa về mối quan hệ giữa nghệ thuật với cuộc sống, giữa lí tưởng nghệ thuật thuần túy cao siêu muôn đời với lợi ích thiết thân và trực tiếp của nhân dân.
g. Giá trị nghệ thuật
- Mâu thuẫn kịch tập trung dẫn đến cao trào, phát triển thành đỉnh điểm với những hành động kịch dồn dập đầy kịch tính.
- Ngôn ngữ kịch điêu luyện, có tính tổng hợp cao.
- Xây dựng nhân vật kịch đặc sắc, khắc họa rõ tính cách, miêu tả đúng tâm trạng qua ngôn ngữ và hành động.
- Lớp kịch trong hồi V được chuyển một cách linh hoạt, tự nhiên, logic, liền mạch tạo nên sự hấp dẫn và lôi cuốn người đọc.
C. Sơ đồ tư duy Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài
D. Đọc hiểu văn bản Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài
1. Những mâu thuẫn trong đoạn trích
- Mâu thuẫn giữa phe nổi loạn và phe Lê Tương Dực.
+ Phe nổi loạn gồm nhiều nhân vật: dân chúng, thợ xây; các nhân vật này đã xuất hiện từ những đoạn trước.
- Xuất hiện qua lời của Đan Thiềm: Dân gian đói kém nổi lên tứ tung,… khi dân nổi lên, họ nông nổi vô cùng.
- Xuất hiện qua lời của tên nội gián: Thợ xây Cửu Trùng Đài quá nửa theo về quân phản nghịch.
+ Phe đối lập trong triều đứng đầu là Trịnh Duy Sản, sau Trịnh Duy Sản là Ngô Hạch, An Hòa Hầu.
⇒ Mâu thuẫn trong hồi V đạt đến đỉnh điểm và được giải quyết trọn vẹn: Trịnh Duy Sản, Ngô Hạch giết chết Lê Tương Dực. Đây là mâu thuẫn bị chi phối bởi các mâu thuẫn khác. Và đây cũng là mâu thuẫn cơ bản, thâm sâu, căn cốt đẩy xung đột lên đến đỉnh điểm.
- Mâu thuẫn giữa phe Trịnh Duy Sản với Kim Phượng và các cung nữ:
+ Trịnh Duy Sản coi Kim Phượng và các cung nữ là phương tiện hành lạc của vua Lê Tương Dực, chính vì vậy mâu thuẫn này cũng được đẩy lên đến đỉnh cao.
+ Kim Phượng và các cung nữ đã lái sự căm ghét đó sang Đan Thiềm, Vũ Như Tô để mong thoát tội, mong thoát khỏi sự trừng phạt của phe nổi loạn.
- Mâu thuẫn giữa nhân dân, thợ thuyền và Vũ như Tô:
+ Một bộ phận lớn thợ xây Cửu Trùng Đài tham gia nổi lọa do bị đói khổ, bị áp bức đến nghẹt thở. Họ oán hận triều đình, oán hận Vũ Như Tô. Họ cho rằng chính ông là thủ phạm.
+ Vũ Như Tô say sưa với công trình nghệ thuật, quên cả thực tế lòng dân. Đến khi cuộc khởi nghĩa nổ ra, Vũ Như Tô vẫn cho mình là vô tội, còn muốn chứng minh sự quang minh chính đại của mình, còn hi vọng thuyết phục được An Hòa Hầu.
2. Bi kịch của Vũ Như Tô
- Là một kiến trúc sư tài ba, sống gắn bó với nhân dân và luôn có khát vọng cao đẹp là điểm tô cho đất nước.
- Bị hôn quân Lê Tương Dực bắt xây Cửu Trùng Đài để làm nơi ăn chơi hưởng lạc với các cung nữ. Vũ Như Tô không những không chấp thuận mà còn lớn tiếng chửi mắng hôn quân.
- Đan Thiềm thuyết phục Vũ Như Tô xây Cửu Trùng Đài, lợi dụng tiền bạc và quyền lực của Lê Tương Dực để xây một tòa lâu đài điểm tô cho đất nước, để nhân dân nghìn sau còn hãnh diện.
- Vũ Như Tô đã dốc hết tâm huyết, tài năng và sức lực để xây dựng Cửu Trùng Đài. Ông đã cố gắng xây dựng một công trình bền vững như trăng sao, có thể tranh tinh xảo với hóa công.
- Nhưng đài xây càng cao thì nhân dân càng oán hận. Bởi để hoàn thành công trình, Vũ Như Tô đã cho thu thêm thuế, tróc nã thợ giỏi, giết những người bỏ trốn,…
- Lợi dụng tình hình đó, quân đối nghịch trong triều đình đã khiêu khích thợ thuyền làm phản. Họ nổi dây giết chết Lê Tương Dực, Vũ Như Tô, Đan Thiềm và đốt phá Cửu Trùng Đài.
- Bi kịch của Vũ Như Tô chính là mâu thuẫn giữa khát vọng cao đẹp của ông và thực tế xã hội. Ông là người sống gắn bó với nhân dân nhưng chính nhân dân nổi dậy và hủy hoại công trình ông đã dốc tâm sức xây dựng và giết chết ông.
- Trong khi đó, Vũ Như Tô vẫn còn đắm chìm trong ảo tưởng của mình, ông muốn sống chết cùng Cửu Trùng Đài, vì ông coi đó là lẽ sống của chính mình.
→ Mâu thuẫn giữa con người xã hội và con người nghệ thuật trong Vũ Như Tô. Khát vọng nghệ thuật của Vũ Như Tô đã làm cho biết bao mảnh đời phải chịu cảnh lầm than, khốn khó. Có thể nói đó là khát vọng chân chính nhưng đặt không đúng chỗ, không hợp thời, không tính đến giá trị cuộc sống.
⇒ Thông qua bi kịch của Vũ Như Tô, nhà viết kịch Nguyễn Huy Tưởng đã khẳng định mối quan hệ giữa cuộc đời và nghệ thuật. Nếu nghệ thuật không gắn bó với cuộc đời, không phục vụ cho lợi ích của nhân dân thì nó chẳng khác nào “bông hoa nhuốm đầy máu”, nó đi ngược lại nghệ thuật chân chính.
3. Nhân vật Đan Thiềm
- Là một con người biết trân trọng cái đẹp, trân trọng người tài: Thuyết phục vũ Như Tô xây Cửu Trùng Đài để điểm tô cho đất nước; thuyết phục Vũ Như Tô bỏ trốn để bảo toàn tính mạng trong cơn biến loạn.
- Chính tấm lòng trân trọng người tài đã đẩy Đan Thiềm vào bi kịch. Bi kịch của Đan Thiềm cũng nảy sinh từ mâu thuẫn giữa khát vọng và hiện thực: Thuyết phục Vũ Như Tô xây Cửu Trùng Đài là Đan Thiềm đã có tội với nhân dân, nàng đã trở thành “thủ phạm” đẩy nhân dân rơi vào cơn khốn đốn.
- Cuối cùng Đan Thiềm cũng bị giết chết cùng với khát vọng còn dang dở.