Câu hỏi lý thuyết về Các dạng năng lượng cực hay
Câu hỏi lý thuyết về Các dạng năng lượng cực hay
Với Câu hỏi lý thuyết về Các dạng năng lượng cực hay Vật Lí lớp 9 gồm đầy đủ phương pháp giải, ví dụ minh họa và bài tập trắc nghiệm có lời giải chi tiết sẽ giúp học sinh ôn tập từ đó đạt điểm cao trong bài thi môn Vật Lí 9.
Phương pháp giải:
Kiến thức về động năng, thế năng, cơ năng, nhiệt năng
Ta nhận biết được 1 vật có năng lượng khi vật đó có khả năng thực hiện công (cơ năng) hay làm nóng các vật khác ( nhiệt năng)
- Ta nhận biết được hoá năng, điện năng, quang năng khi chúng chuyển hoá thành cơ năng hay nhiệt năng.
- Nói chung mọi quá trình biến đổi trong tự nhiên đều kèm theo sự chuyển hóa năng lượng từ dạng này sang dạng khác hay truyền từ vật này sang vật khác.
- Cơ năng của một vật là tổng động năng và thế năng của nó. Thế năng hấp dẫn của vật có khối lượng càng lớn và ở càng cao. Động năng của vật càng lớn khi vật có khối lượng càng lớn và chuyển động càng nhanh.
Ví dụ minh họa
Ví dụ 1. Những dạng năng lượng nào có mặt trong quá trình một khúc gỗ trượt có ma sát từ trên mặt phẳng nghiêng xuống?
A. Nhiệt năng, động năng và thế năng. B. Chỉ có nhiệt năng và động năng.
C. Chỉ có động năng và thế năng. D. Chỉ có động năng.
Hướng dẫn giải:Vì khúc gỗ ở trên cao nên nó có thế năng, nó đang chuyển động xuống dưới nên nó có động năng. Mặt khác, khi trượt xuống, nó ma sát với mặt phẳng nghiêng nên nó có nhiệt năng.
Đáp án: A
Ví dụ 2. Căn cứ vào đâu mà hàng ngày ta nhận biết được dòng điện có năng lượng?
A. Dòng điện làm cho các electron chuyển dời.
B. Dòng điện làm quay quạt điện.
C. Dòng điện tạo ra hiệu điện thế ở hai đầu dây dẫn.
D. Dòng điện gây ra phản ứng hóa học.
Hướng dẫn giải:Dòng điện có năng lượng vì nó có thể sinh công, làm các vật khác sinh công như làm quay quạt điện.
Đáp án: B
Ví dụ 3. Động năng của vật là:
A. Năng lượng do vật chuyển động.
B. Năng lượng do vật có độ cao nào đó so với mặt đất
C. Năng lượng do vật có nhiệt độ
D. Năng lượng do sự vật biến dạng
Hướng dẫn giải:Động năng là năng lượng do vật chuyển động mà có
Đáp án: A
Bài tập trắc nghiệm tự luyện
Câu 1. Chọn điền từ vào chỗ… trong câu sau:
“ Cơ năng bằng tổng… và ….của vật. Đơn vị của cơ năng là…và được kí hiệu là….”.
A. Nhiệt năng, động năng, độ, C
B. Động năng, thế năng, Niuton, N
C. Động năng, thế năng, Jun, J
D. Thế năng, nhiệt năng, Jun, N
Đáp án: C
Cơ năng bằng tổng động năng và thế năng của vật. Đơn vị của cơ năng là Jun và được kí hiệu là J.
Câu 2. Trời rét, mặc áo bông sẽ giúp cơ thể giữ ấm. Sở dĩ như vậy là vì
A. Áo bông có nhiệt năng làm cơ thể ấm thêm
B. Áo bông ngăn cản nhiệt năng thoát ra môi trường ngoài.
C. Áo bông lấy năng lượng từ môi trường ngoài cung cấp cho cơ thể.
D. Áo bông tạo các phản ứng hóa học giúp cơ thể ấm thêm.
Đáp án: B
Áo bông ngăn cản không cho nhiệt năng thoát ra môi trường ngoài.
Câu 3. a) Động năng là gì? Nêu đặc điểm của động năng?
b) Lấy ví dụ về vật có động năng.
a) Động năng là dạng năng lượng của vật có khi vật chuyển động mà có. Động năng của vật phụ thuộc vào khối lượng và vận tốc của vật. Khối lượng và vận tốc của vật càng lớn thì động năng càng lớn.
b) Ví dụ về vật có động năng: Xe ô tô đang chuyển động trên đường; Viên đạn đang bay; Một người đang chạy…
Câu 4. a) Thế năng trọng trường là gì? Nêu đặc điểm của thế năng trọng trường.
b) Thế năng đàn hồi là gì? Nêu đặc điểm của thế năng đàn hồi.
c) Máy bay đang bay có những dạng năng lượng nào?
a) Thế năng trọng trường là gì? Nêu đặc điểm của thế năng trọng trường.
Thế năng trọng trường là năng lượng của vật khi vật ở độ cao nào đó so với mặt đất. Thế năng trọng trường phụ thuộc vào khối lượng và độ cao của vật so với mặt đất. Vật càng nặng và độ cao càng cao thì thế năng trọng trường càng lớn.
b) Thế năng đàn hồi là gì? Nêu đặc điểm của thế năng đàn hồi.
Thế năng đàn hồi là năng lượng của vật khi vật bị biến dạng đàn hồi. Thế năng đàn hồi phụ thuộc vào khối lượng và độ biến dạng của vật. Vật càng nặng và độ biến dạng càng lớn thì thế năng đàn hồi càng lớn.
c) Máy bay đang bay có những dạng năng lượng nào?
Máy bay đang bay có độ cao so với mặt đất nên nó có thế năng trọng trường và có động năng vì nó đang chuyển động.
Câu 5. a) Cơ năng là gì? Nêu ví dụ về trường hợp: Vật chỉ có thế năng? Vật chỉ có động năng? Vật có cả thế năng và động năng.
b) Cơ năng của từng vật dưới đây thuộc dạng cơ năng nào?
- Chiếc cung đang giương
- Nước chảy từ trên cao xuống
- Nước bị ngăn trên đập cao
a) Cơ năng của một vật là tổng động năng và thế năng của nó.
Ví dụ:
Vật chỉ có thế năng: Viên đá đặt ở trên bục cao.
Vật chỉ có động năng: Một viên bi chuyển động trên mặt sàn (mốc thế năng ở mặt đất).
Vật có cả thế năng và động năng: Máy bay đang bay trên trời.
b) Cơ năng của từng vật dưới đây thuộc dạng cơ năng nào
- Chiếc cung đang giương: Thế năng đàn hồi do cây cung bị biến dạng
- Nước chảy từ trên cao xuống: Thế năng trọng trường và động năng.
- Nước bị ngăn trên đập cao: Thế năng trọng trường.
Câu 6. a) Thế nào là nhiệt năng của một vật?
b) Nêu các cách làm thay đổi nhiệt năng của một vật?
a) Nhiệt năng của vật là một dạng năng lượng dự trữ trong vật chất nhờ vào chuyển động nhiệt hỗn loạn của các hạt cấu tạo nên vật chất.
b) Có 2 cách làm thay đổi nhiệt năng của vật: Truyền nhiệt và thực hiện công
Truyền nhiệt có 3 cách: dẫn nhiệt, bức xạ nhiệt và đối lưu.
Câu 7. Điện năng là gì? Lấy ví dụ chứng minh dòng điện có năng lượng.
Điện năng là năng lượng của dòng điện, vì dòng điện có thể thực hiện công và cung cấp nhiệt lượng.
Ví dụ: Dòng điện làm đèn sáng, làm quạt quay, làm nóng bàn là…
Câu 8. a) Nung nóng 1 miếng đồng rồi thả vào cốc nước lạnh. Hỏi nhiệt năng của miếng đồng và của nước thay đổi thế nào? Đây là sự thực hiện công hay truyền nhiệt.
b) Gạo nấu trong nồi và gạo đang cọ xát đều nóng lên. Hãy so sánh sự thay đổi nhiệt năng của gạo trong hai trường hợp này?
a) Nung nóng 1 miếng đồng rồi thả vào cốc nước lạnh. Nhiệt năng của miếng đồng giảm vì nhiệt độ của nó giảm; Nhiệt năng của nước tăng vì nhiệt độ của nước tăng.
Đây là sự truyền nhiệt.
b) Gạo đều nóng lên nhưng theo 2 cách khác nhau: khi gạo bị đun trong nồi, gạo nóng lên do truyền nhiệt; khi gạo bị cọ xát, gạo nóng lên do thực hiện công.
Câu 9. Hai máy bay có khối lượng như nhau. Một chiếc bay ở độ cao 2km với vận tốc 50 m/s, một chiếc bay ở độ cao 3km với vận tốc 200 km/h. Hỏi máy bay nào có cơ năng lớn hơn? Vì sao?
Đổi 50m/s = 180 km/h.
Vì máy bay 2 bay cao hơn, và có vận tốc lớn hơn máy bay 1 nên máy bay 2 có thế năng trọng trường và động năng lớn hơn máy bay 1. Vì vậy cơ năng của máy bay 2 lớn hơn máy bay 1.
Câu 10. Câu 10: An có khối lượng 40kg, Bình có khối lượng 45kg. Trong giờ thi chạy, hai bạn luôn chạy ngang nhau. Hỏi bạn nào có động năng lớn hơn? Vì sao?
Bình có động năng lớn hơn.
Vì An và Bình luôn chạy ngang nhau nên vận tốc của hai bạn như nhau. Nhưng vì An có khối lượng nhỏ hơn Bình, nên Bình có động năng lớn hơn.