Lý thuyết KHTN 7 Cánh diều Bài 26: Trao đổi nước và các chất dinh dưỡng ở động vật
Haylamdo biên soạn và sưu tầm tóm tắt lý thuyết Khoa học tự nhiên lớp 7 Bài 26: Trao đổi nước và các chất dinh dưỡng ở động vật sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn KHTN 7.
Lý thuyết KHTN 7 Cánh diều Bài 26: Trao đổi nước và các chất dinh dưỡng ở động vật
Chỉ từ 150k mua trọn bộ lý thuyết KHTN 7 Cánh diều (cả năm) bản word trình bày đẹp mắt, dễ dàng chỉnh sửa:
- B1: gửi phí vào tk:
0711000255837
- NGUYEN THANH TUYEN - Ngân hàng Vietcombank (QR) - B2: Nhắn tin tới Zalo VietJack Official - nhấn vào đây để thông báo và nhận giáo án
I. QUÁ TRÌNH TRAO ĐỔI NƯỚC Ở ĐỘNG VẬT
1. Nhu cầu nước của cơ thể động vật và người
- Nhu cầu nước của động vật phụ thuộc vào loài, kích thước cơ thể, độ tuổi, thức ăn, nhiệt độ của môi trường.
Nhu cầu nước của một số động vật
- Nhu cầu nước của người: Trung bình, mỗi ngày một người nặng 50 kg cần khoảng 2 lít nước. Trẻ em nặng 11 – 20 kg cần uống ít nhất 1 lít nước mỗi ngày.
Nước chiếm khoảng 60-70% khối lượng cơ thể người
- Nguồn cung cấp nước cho cơ thể: Cơ thể được cung cấp nước chủ yếu qua thức ăn và đồ uống. Một số trường hợp đặc biệt (sốt cao, tiêu chảy, nôn ói,…) có thể bổ sung nước qua đường truyền.
2. Con đường trao đổi nước ở động vật và người
- Con đường trao đổi nước ở động vật và người bao gồm các giai đoạn: lấy vào, sử dụng và thải ra.
+ Lấy vào: chủ yếu thông qua thức ăn và nước uống.
+ Sử dụng: nước được sử dụng trong trao đổi chất chất và các hoạt động sống.
+ Thải ra: chủ yếu thông qua hơi thở, bốc hơi qua da, mồ hôi, nước tiểu, nước trong phân.
Con đường trao đổi nước ở người
- Trong điều kiện bình thường, trao đổi nước được điều hoà chặt chẽ, lượng nước đưa vào hằng ngày cân bằng với số lượng nước cơ thể sử dụng và bài tiết ra khỏi cơ thể.
- Vai trò quan trọng của việc cung cấp nước cho cơ thể: Khi cơ thể đủ nước, các cơ quan sẽ hoạt động tốt, khỏe mạnh: tiêu hoá tốt, tuần hoàn tốt, tăng cường trao đổi chất, phòng chống bệnh tật → Chúng ta cần uống đủ nước mỗi ngày.
II. DINH DƯỠNG Ở ĐỘNG VẬT
1. Nhu cầu dinh dưỡng
- Nhu cầu dinh dưỡng là lượng thức ăn mà động vật cần thu nhận vào hằng ngày để xây dựng cơ thể và duy trì sự sống.
- Nhu cầu dinh dưỡng phụ thuộc vào mỗi loài, lứa tuổi, giai đoạn phát triển của cơ thể và cường độ hoạt động của cơ thể.
Các nhóm dinh dưỡng thiết yếu trong bữa ăn
- Phương thức thu nhận chất dinh dưỡng của động vật: Động vật dinh dưỡng kiểu dị dưỡng. Để có được các chất dinh dưỡng cần thiết, động vật ăn các sinh vật khác. Động vật có thể ăn thực vật (động vật ăn cỏ), ăn động vật (động vật ăn thịt) hoặc ăn cả thực vật và động vật (động vật ăn tạp).
2. Con đường thu nhận, tiêu hoá thức ăn, hấp thụ chất dinh dưỡng và thải bã
Con đường thu nhận, tiêu hóa thức ăn, hấp thụ chất dinh dưỡng và thải bã ở người
- Khi ta ăn, thức ăn đi vào ống tiêu hoá. Ống tiêu hoá gồm các cơ quan tạo thành một ống dẫn từ miệng đến hậu môn. Ống tiêu hóa ở người: Miệng → Thực quản → Dạ dày → Ruột non → Ruột già → Trực tràng → Hậu môn.
- Thức ăn di chuyển trong ống tiêu hoá và được biến đổi thành chất dinh dưỡng và chất thải. Chất dinh dưỡng được hấp thụ vào máu, chất thải được đẩy ra khỏi cơ thể qua hậu môn.
3. Con đường vận chuyển các chất ở động vật
- Động vật đơn bào (trùng roi, trùng giày,...) chưa có hệ vận chuyển, các chất trao đổi trực tiếp với môi trường qua thành cơ thể còn động vật đa bào thì có hệ vận chuyển các chất.
- Ở động vật đa bào có cấu trúc cơ thể phức tạp thì hệ vận chuyển là hệ tuần hoàn.
- Ở người, con đường vận chuyển các chất thông qua hai vòng tuần hoàn:
Sơ đồ vận chuyển các chất qua hệ tuần hoàn ở người
+ Vòng tuần hoàn lớn: vận chuyển máu mang chất dinh dưỡng và oxygen từ tâm thất trái theo động mạch đi tới các cơ quan của cơ thể, ở đây diễn ra quá trình trao đổi chất. Chất thải theo máu tới các cơ quan bài tiết rồi thải ra ngoài. Khí carbon dioxide từ các cơ quan của cơ thể theo tĩnh mạch đổ vào tâm nhĩ phải.
+ Vòng tuần hoàn nhỏ: vận chuyển máu mang khí carbon dioxide từ tâm thất phải theo động mạch phổi đi tới phổi, ở đây diễn ra quá trình trao đổi khí. Máu giàu oxygen theo tĩnh mạch phổi đổ vào tâm nhĩ trái.
III. VẬN DỤNG TRAO ĐỔI CHẤT VÀ CHUYỂN HOÁ NĂNG LƯỢNG VÀO THỰC TIỄN
1. Xây dựng chế độ dinh dưỡng đủ chất và đủ lượng
- Chế độ dinh dưỡng đủ chất và đủ lượng giúp cung cấp đầy đủ các chất, năng lượng theo nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể.
- Chế độ dinh dưỡng đủ chất đảm bảo cân bằng giữa 3 nguồn (carbohydrate, protein, lipid) và vitamin, chất khoáng trong chế độ ăn.
Chế độ dinh dưỡng thiết yếu trong một bữa ăn
- Chế độ dinh dưỡng của mỗi người phụ thuộc vào mức độ hoạt động, giới tính và độ tuổi.
- Chế độ ăn thiếu hoặc thừa chất dinh dưỡng đều có hại cho cơ thể. Cần đảm bảo sự đa dạng, tránh ăn quá nhiều một loại thức ăn (ví dụ như ăn nhiều đồ ngọt).
2. Phòng, tránh một số bệnh do dinh dưỡng và vệ sinh ăn uống không hợp lí
a. Một số bệnh do dinh dưỡng không hợp lí
- Một chế độ dinh dưỡng không lành mạnh có thể gây ra các vấn đề về sức khoẻ, ví dụ như suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì, tiểu đường, tim mạch hoặc cao huyết áp,...
Hệ quả của việc ăn uống không lành mạnh
b. Cách phòng, tránh bệnh do dinh dưỡng và vệ sinh ăn uống không hợp lí
Để phòng, tránh một số bệnh do dinh dưỡng không hợp lí, chúng ta cần:
- Ăn đủ, cân đối các chất và đa dạng các loại thức ăn kết hợp với tham gia các hoạt động thể dục thể thao hợp lí.
Tập thể dục thường xuyên
- Thực hiện vệ sinh ăn uống để phòng, tránh một số bệnh đường tiêu hóa: cần rửa sạch rau quả tươi trước khi ăn, ăn chín, uống sôi; rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; cần tuyên truyền giáo dục vệ sinh an toàn thực phẩm và sử dụng nước sạch.