X

Soạn văn lớp 11

Câu hỏi bài Từ ấy chọn lọc - Ngữ văn lớp 11


Câu hỏi bài Từ ấy chọn lọc

Trọn bộ câu hỏi ôn tập về bài Từ ấy Ngữ văn lớp 11 chọn lọc, cực hay. Với bộ câu hỏi bài Từ ấy này, học sinh sẽ ôn tập, nắm vững kiến thức môn Ngữ văn 11 để đạt điểm cao trong các bài thi môn Ngữ văn 11.

Câu hỏi bài Từ ấy chọn lọc - Ngữ văn lớp 11

Câu hỏi: Tố Hữu đã dùng những hình ảnh nào để chỉ lí tưởng và biểu hiện niềm vui sướng, say mê khi bắt gặp lí tưởng trong bài thơ “Từ ấy” ?

Trả lời:

Hình ảnh thể hiện lý tưởng, biểu hiện niềm vui sướng, say mê khi bắt gặp lí tưởng:

Câu thơ mở đầu đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời nhà thơ.

+ Nắng hạ: ánh nắng đẹp và chói chang nhất, mạnh mẽ nhất → lý tưởng cách mạng sức mạnh soi sáng đối với nhà thơ.

+ Động từ “bừng” như một nguồn sáng mang lại sự sống mãnh liệt.

Mặt trời chân lý: biện pháp nghệ thuật ẩn dụ lý tưởng cách mạng như ánh mặt trời kết hợp với động từ “chói” thể hiện sức mạnh chiếu sáng thức tỉnh.

Niềm vui được đứng trong hàng ngũ Đảng khiến tâm hồn nhà thơ “rộn tiếng chim”, ngập tràn sự sống “một vườn hoa lá”.

→ Khổ thơ đầu thể hiện niềm hân hoan, tự hào khi được đứng trong hàng ngũ Đảng. Sự kiện đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời nhà thơ

Câu hỏi: Trong bài “Từ ấy”, khi thấy được ánh sáng của lí tưởng soi rọi, nhà thơ đã có những nhận thức mới về lẽ sống như thế nào?

Trả lời:

Những nhận thức mới về lẽ sống:

Gắn cái tôi chặt chẽ với “cái ta” chung của muôn người: đây là quan niệm sống mới thể hiện sự hòa hợp.

Động từ “buộc” thể hiện sự gắn bó tự nguyện với mọi người.

Để tình trang trải với trăm nơi biểu hiện cho một tâm hồn trải rộng với cộng đồng, tạo ra khả năng đồng cảm sâu xa với hoàn cảnh từng con người cụ thể.

Hồn tôi gắn với bao hồn khổ: tình hữu ái giai cấp, đặc biệt quan tâm tới quần chúng lao khổ.

Hình ảnh gần gũi nhau thêm mạnh khối đời mang tính ẩn dụ chỉ đông đảo người cùng chung cảnh ngộ đoàn kết vì mục tiêu chung.

→ Tố Hữu tìm thấy niềm vui, sức mạnh không chỉ bằng nhận thức còn bằng tình cảm mến yêu, sự giao cảm của những trái tim

Quan niệm về lẽ sống gắn bó cái tôi cá nhân với cái ta chung của mọi người

Câu hỏi: Sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm của nhà thơ được thể hiện ra sao trong bài “Từ ấy” ?

Trả lời:

Sau khi được giác ngộ lý tưởng Cách mạng nhà thơ đã nhận ra được lý tưởng của chính mình và cùng đó có những chuyển biến tình cảm hết sức sâu sắc.

Tác giả thấy mình là: Con của vạn nhà, là em, là anh không còn là một người sống lạc lõng giữa đời và không có ý nghĩa trong cuộc đời như trước kia nữa.

Nhà thơ tự dùng những từ thân mật như “anh, em, con” thể hiện sự thân thiết gần gũi như một gia đình. Và quả thật không chỉ có gia đình nhỏ của mình nhà thơ còn nhận ra gia đình Việt Nam to lớn.

Câu hỏi: Nhận xét về đặc sắc nghệ thuật được dùng trong bài thơ “Từ ấy”.

Trả lời:

Đây là một bài thơ giàu nhạc điệu (cách ngắt nhịp thay đổi liên tục theo cảm xúc, vẫn có sức ngân vang).

Các biện pháp tu từ gợi cảm: Ẩn dụ, so sánh, điệp ngữ.

Hình ảnh tươi sáng, rực rỡ.

Tất cả đã làm nổi bật tâm trạng “cái tôi” của nhà thơ.

Câu hỏi: Bài thơ “Từ ấy” giúp anh chị nhận thức gì về lí tưởng sống của bản thân?

Trả lời:

Qua bài thơ “Từ ấy” của Tố Hữu ta không chỉ hiểu được niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao của người thanh niên yêu nước khi được lý tưởng cách mạng soi đường mà từ bài thơ ta có cái nhìn đúng đắn hơn về lí tưởng của thanh niên hiện nay. Trên cơ sở đó mỗi người chúng ta sẽ biết xác định cho mình lí tưởng sống cao đẹp nhất, phấn đấu để thực hiện được lí tưởng mà mình đã lựa chọn.

Câu hỏi: Vì sao bài thơ “Từ ấy” có thể xem là tuyên ngôn về lí tưởng và nghệ thuật của tác giả?

Trả lời:

Vì: Bài thơ đã tuyên bố trang trọng và chân thành về niềm vui giác ngộ lí tưởng, về lẽ sống, về tương lai…

Câu hỏi: Bài học rút ra từ bài thơ “Từ ấy” là gì?

Trả lời:

Bài thơ gợi lên trong chúng ta nhiều bài học đáng suy ngẫm về lí tưởng sống, về mục đích sống và sự nỗ lực, cố gắng của bản thân.

Câu hỏi: Bài thơ “Từ ấy” ra đời trong hoàn cảnh nào?

Trả lời:

Ngày được đứng vào hàng ngũ những người cùng phấn đấu vì một lí tưởng cao đẹp là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời Tố Hữu, với những cảm xúc, suy tư sâu sắc của mình để ghi lại sự kiện đáng nhớ ấy bài thơ "Từ ấy" được ra đời.

Từ ấy được sáng tác năm 1938, nằm trong phần "Máu lửa" của tập Từ ấy.

Câu hỏi: Trong bài thơ “Từ ấy”, khổ thơ nào em cho là đặc sắc nhất? Nêu cảm nghĩ của bản thân về khổ thơ ấy.

Trả lời:

Khổ thơ đặc sắc nhất là khổ thơ cuối bài Từ ấy: diễn tả sự chuyển biến sâu sắc.

Trước khi được giác ngộ Tố Hữu vẫn là một thanh niên tiểu tư sản. Lí tưởng cộng sản giúp nhà thơ có được lẽ sống mới, vượt ra ngoài sự ích kỉ, hẹp hòi của bản thân để có được tình hữu ái giai cấp. Tác giả tự nguyện gắn bó và biết liên hệ mình với mọi người bằng mối quan hệ của tình thân, ruột thịt. Đó chính là mối quan hệ tình cảm ruột thịt giữa những người cùng trong một đất nước, những người lao động thống khổ cùng đoàn kết đứng lên đấu tranh. Tấm lòng đồng cảm của nhà thơ còn thể hiện xúc động, chân thành khi nói tới những kiếp phôi pha, những em nhỏ “cù bất cù bơ”. Qua lời thơ ấy thấy được niềm hăng say hoạt động cách mạng của tác giả.

Câu hỏi: Giải thích vì sao nhà thơ Chế Lan Viên viết: "Tất cả Tố Hữu, thi pháp, tuyên ngôn, những yếu tố làm ra anh có thể tìm thấy trong tế bào này, anh là nhà thơ của vạn nhà, buộc lòng cùng nhân loại..." (Lời tựa tập Trăm bài thơ của Tố Hữu, NXB Văn học, Hà Nội, 1987)

Trả lời:

Bài thơ Từ ấy mở đầu, định hướng cho toàn bộ sáng tác của Tố Hữu. Đó là hai yếu tố làm ra: thi pháp và tuyên ngôn

Thi pháp: dùng thể thơ truyền thống với ngôn từ bình dị, dễ nhớ, dễ thuộc, đây cũng là đặc trưng trong thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu.

+ Làm thơ chính trị những không nặng nề khuôn mẫu mà dễ nhớ, dễ thuộc.

Tuyên ngôn: “mặt trời chân lí chói qua tim”, tác giả đặt chân lí, ánh sáng mà Đảng mang lại chính là chân lí chạm tới trái tim, làm thay đổi con người của nhà thơ.

Khổ thơ cuối với cấu trúc “là anh, là em, là con”: nhà thơ tự gắn cuộc đời mình với quần chúng lao khổ với mối quan hệ ruột thịt, gần gũi.

Nhà thơ tự “buộc” mình với những cảnh ngộ nghèo khó, cù bất cù bơ của vạn nhà, vạn em nhỏ…

→ Thơ chính trị của Tố Hữu không khô khan, ngược lại dễ nhớ, gần gũi, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người bởi chính sự chân thật trong cách diễn đạt tình cảm khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Câu hỏi: Mạch vận động của tâm trạng cái “tôi” trữ tình trong bài thơ “Từ ấy” diễn ra như thế nào?

Trả lời:

Niềm vui giác ngộ lí tưởng- nhận thức mới về lẽ sống- biến chuyển tình cảm.

Câu hỏi: Trình bày ý nghĩa nhan đề bài thơ “Từ ấy”.

Trả lời:

Đánh dấu mốc son chói lọi trong cuộc đời hoạt động Cách Mạng của nhà thơ Tố Hữu.

Thể hiện niềm vui sướng hân hoan của nhà Cách Mạng trẻ tuổi lần đầu tiên bắt gặp lí tưởng của Đảng, của Cách Mạng và nguyện dấn thân vào con đường máu lửa ấy.

Câu hỏi: Phân tích ý nghĩa của hình ảnh “Mặt trời chân lí chói qua tim” trong bài thơ “Từ ấy” đối với người chiến sĩ và nhà thơ Tố Hữu.

Trả lời:

Lí tưởng đối với Tố Hữu không phải chỉ là chuyện của nhận thức lí trí mà còn là chuyện của tình cảm, chuyện của trái tim.

Có tình cảm thì lí tưởng trở thành hành động cách mạng. Có tình cảm thì lí tưởng có thể trở thành thơ. Sở dĩ lí tưởng cộng sản không chỉ tác động tới nhận thức lí trí mà còn tác động tới tình cảm (“chói qua tim”) của Tố Hữu nữa, vì lí tưởng cộng sản mang nội dung nhân đạo chủ nghĩa sâu sắc hướng về nhân loại cần lao bị áp bức bóc lột trong xã hội cũ.

Câu hỏi: Trong bài thơ “Từ ấy”, ánh sáng của lí tưởng cộng sản đã giúp Tố Hữu giác ngộ được điều gì mới mẻ? Vì sao có sự giác ngộ ấy?

Trả lời:

Giác ngộ lí tưởng cộng sản là giác ngộ về lập trường giai cấp vô sản, nghĩa là đứng vào hàng ngũ của các giai cấp cần lao. Trong xã hội cũ, đó là những giai cấp nghèo khổ nhất.

Cho nên, giác ngộ lí tưởng, Tố Hữu tự nguyện “buộc lòng” mình với “bao hồn khổ”, với “những kiếp phôi pha”, với những em “không áo cơm cù bất cù bơ”.

Câu hỏi: Anh (chị) có nhận xét gì khi tác giả sử dụng các từ “là con”, “là em”, “là anh” trong khổ thứ ba của bài thơ “Từ ấy”? Ý nghĩa của việc sử dụng các từ ấy ?

Trả lời:

Đây đều là những từ chỉ quan hệ gia đình, quan hệ ruột thịt. Nhà thơ cộng sản muốn gắn mình với những lớp người nghèo khổ bằng quan hệ tình cảm thân thiết như thế.

Câu hỏi: Nhận xét và phân tích đặc điểm của giọng thơ và nhịp thơ trong bài “Từ ấy”.

Trả lời:

Giọng thơ hào hứng sôi nổi, nhịp thơ hăm hở dồn dập. Những hình ảnh rực rỡ, tươi vui, rộn ràng và việc sử dụng điệp từ với tần số cao và ngày càng dồn dập.

Xem thêm bộ câu hỏi theo bài học môn Ngữ văn lớp 11 chọn lọc, hay khác: