X

Giáo án Ngữ văn 6 - Kết nối tri thức

Giáo án bài Cây khế - Giáo án Ngữ văn lớp 6


Giáo án bài Cây khế - Kết nối tri thức

Tải word giáo án bài Cây khế

I. MỤC TIÊU

1. Về kiến thức: Học sinh học được kiến thức về:

Một số đặc điểm của truyện cổ tích: chi tiết kì ảo, ước mơ và niềm tin của nhân dân được thể hiện qua truyện cổ tích; nhân vật hai anh em; chủ đề, ý nghĩa của truyện.

2. Về năng lực: 

- Nhận biết được những đặc điểm cơ bản làm nên đặc trưng thể loại của truyện cổ tích: các kiểu nhân vật; các yếu tố kì ảo như con vật kì ảo, đồ vật kì ảo; lời kể chuyện,...

- Nhận xét, đánh giá về bài học đạo đức và ước mơ cuộc sống mà tác giả dân gian gửi gắm.

- Vận dụng được kiến thức và kĩ năng đã học về truyện để thực hiện một số nhiệm vụ thực tiễn.          

3. Về phẩm chất: 

Tình yêu thương con người, lòng nhân hậu, không tham lam.

II. THIẾT BỊ DẠY HỌC VÀ HỌC LIỆU

- SGK, SGV.

- Tranh ảnh, video về truyện “Cây khế”

- Máy chiếu, máy tính.

- Giấy A4, giấy note hoặc bảng phụ để HS làm việc nhóm.

- Phiếu học tập.

III. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC:

A. HOẠT ĐỘNG KHỞI ĐỘNG

a. Mục tiêu: Tạo hứng thú cho HS, thu hút HS sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ học tập của mình. HS khắc sâu kiến thức nội dung bài học.

b. Nội dung: GV đặt cho HS những câu hỏi gợi mở vấn đề.

c. Sản phẩm: Nhận thức và thái độ học tập của HS.

d. Tổ chức thực hiện:

- HS tự chuẩn bị trước về nội dung được nêu trong SHS: tưởng tượng về chuyến phiêu lưu đến hòn đảo kì diệu. GV yêu cầu một số HS trình bày trước lớp.

- GV đặt câu hỏi, yêu cầu HS trả lời: Vì sao không gian đảo xa thường có nhiều điều bất ngờ, kì diệu? Em đã từng đặt chân đến một hòn đảo ngoài biển khơi xa lắc lần nào chưa?

- GV cho HS xem một đoạn phim ngắn/ bộ phim khoa học kể về hành trình khám phá một hòn đảo trên biển của một đoàn thám hiểm.

- HS tiếp nhận nhiệm vụ, chia sẻ ý kiến cá nhân về câu hỏi của GV.

- Từ chia sẻ của HS, GV dẫn dắt vào bài học mới.

B. HOẠT ĐỘNG HÌNH THÀNH KIẾN THỨC 

Hoạt động 1: Đọc văn bản

a. Mục tiêu: Giúp HS biết được kiểu nhân vật, ngôi kể, tóm tắt được những sự việc chính liên quan đến truyện Cây khế.

b. Nội dung: 

- HS đọc, quan sát SGK và tìm thông tin.

- GV hướng dẫn HS đọc văn bản và đặt câu hỏi

c. Tổ chức thực hiện

HOẠT ĐỘNG CỦA GV – HS

DỰ KIẾN SẢN PHẨM

B1: Chuyển giao nhiệm vụ (GV)

- Hướng dẫn cách đọc & yêu cầu HS đọc.

- GV lưu ý trong khi đọc văn bản, HS chủ yếu sử dụng ba chiến lược: tưởng tượng, theo dõi và dự đoán.

- GV cho HS tìm hiểu thêm về các dị bản khác của truyện cổ tích Cây khế.

? Em có thích truyện không? Vì sao?

? Truyện kể về nhân vật nào? Nhân vật đó thuộc kiểu nhân vật nào trong truyện cổ tích? Dựa vào đâu em nhận ra điều đó?

? Truyện sử dụng ngôi kể nào? Dựa vào đâu em nhận ra ngôi kể đó? Lời kể của ai?

? Sắp xếp các sự việc chính trong truyện theo thứ tự hợp lí (Phiếu học tập số 1):

a. Chim chở người em bay ra đảo lấy vàng, nhờ thế người em trở nên giàu có.

b. Cha mẹ chết, người anh chia gia tài, người em chỉ được cây khế.

c. Người anh biết chuyện, đổi gia tài của mình lấy cây khế, người em bằng lòng.

d. Cây khế có quả, chim đến ăn, người em phàn nàn và chim hẹn trả ơn bằng vàng.

e. Chim lại đến ăn, mọi chuyện diễn ra như cũ, nhưng người anh may túi quá to và lấy quá nhiều vàng.

g. Người anh bị rơi xuống biển và chết.

? Tìm những từ ngữ quen thuộc chỉ thời gian quá khứ, không gian không xác định trong truyện! 

B2: Thực hiện nhiệm vụ

HS: 

- Đọc văn bản, tìm hiểu một số từ khó.

- Làm việc cá nhân, HS ghi kết quả làm việc ra phiếu cá nhân.

GV:

- Chỉnh cách đọc cho HS (nếu cần).

- Theo dõi, hỗ trợ HS trong hoạt động cá nhân.

B3: Báo cáo, thảo luận

HS: Trình bày sản phẩm. Theo dõi, nhận xét, bổ sung cho bạn (nếu cần).

GV: 

- Nhận xét cách đọc của HS.

- Hướng dẫn HS trình bày bằng cách nhắc lại từng câu hỏi

B4: Kết luận, nhận định (GV)

- Nhận xét về thái độ học tập & sản phẩm học tập của HS.

- Chốt kiến thức và chuyển dẫn vào mục sau.

I. TÌM HIỂU CHUNG:

a. Đọc, tìm hiểu chú thích

b. Tìm hiểu chung:

- Kiểu nhân vật: bất hạnh.

- Ngôi kể: thứ ba.

- Tóm tắt: 

1 - b. Cha mẹ chết, người anh chia gia tài, người em chỉ được cây khế.

2 - d. Cây khế có quả, chim đến ăn, người em phàn nàn và chim hẹn trả ơn bằng vàng.

3 - a. Chim chở người em bay ra đảo lấy vàng, nhờ thế người em trở nên giàu có.

4 - c. Người anh biết chuyện, đổi gia tài của mình lấy cây khế, người em bằng lòng.

5 - e. Chim lại đến ăn, mọi chuyện diễn ra như cũ, nhưng người anh may túi quá to và lấy quá nhiều vàng.

6 - g. Người anh bị rơi xuống biển và chết.

- Ý nghĩa các cụm từ chỉ thời gian quá khứ và không gian không xác định: Đây là công thức mở đầu, có ý nghĩa phiếm chỉ không gian – thời gian xảy ra câu chuyện, nhằm đưa người đọc vào thế giới hư cấu thuận lợi hơn.



Hoạt động 2: Khám phá văn bản

a. Mục tiêu: Giúp HS

Hiểu được vai trò của yếu tố kì ảo trong truyện nói riêng và trong truyện cổ tích nói chung.

b. Nội dung

- HS làm việc làm việc nhóm đôi (Kỹ thuật hẹn hò) để hoàn thiện nhiệm vụ.

- HS trình bày sản phẩm, theo dõi, nhận xét và bổ sung cho nhóm bạn (nếu cần).

c. Tổ chức thực hiện

HOẠT ĐỘNG CỦA GV – HS

DỰ KIẾN SẢN PHẨM

B1: Chuyển giao nhiệm vụ (GV)

? Con chim đưa hai anh em ra đảo hoang có phải là con vật kì ảo không? Vì sao?

? Từ đó suy ra vai trò của nhân vật kì ảo trong truyện nói riêng và trong truyện cổ tích nói chung là gì?

? Tìm câu nói có dáng dấp ca dao, tục ngữ trong truyện, nhân vật nào đã nói câu nói đó? Tác dụng của cách nói như vậy là gì?

? Đảo xa nơi con chim đưa người em đến có điều gì kì diệu? Điều kì diệu này đã giúp gì cho cuộc sống của người em sau đó? Từ đó em hãy suy ra vai trò của không gian kì ảo trong truyện cổ tích!

B2: Thực hiện nhiệm vụ:

HS: 

+ Làm việc cá nhân (4p).

+ Thảo luận nhóm đôi và ghi kết quả vào vở

(4p)

GV hướng dẫn HS thảo luận (nếu cần).

B3: Báo cáo, thảo luận:

GV:

- Yêu cầu đại diện của một nhóm lên trình bày.

- Hướng dẫn HS trình bày (nếu cần).

HS:

 - Đại diện 1 nhóm lên bày sản phẩm.

- Các nhóm khác theo dõi, quan sát, nhận xét, bổ sung (nếu cần) cho nhóm bạn.

B4: Kết luận, nhận định (GV)

- Nhận xét thái độ và kết quả làm việc của từng nhóm, chỉ ra những ưu điểm và hạn chế trong HĐ nhóm của HS.

- Chốt kiến thức & chuyển dẫn sang mục 2

II. TÌM HIỂU CHI TIẾT:

1.  Ý nghĩa chi tiết kì ảo:

- Chim thần: biết nói tiếng người, biết chỗ cất giấu của cải.

→ Con vật kì ảo nằm trong danh sách lực lượng thần kì của thế giới cổ tích; xuất hiện nhằm tạo ra những điều kì diệu; thực hiện chức năng ban thưởng cho nhân vật tốt hoặc trừng phạt nhân vật xấu.

- Câu nói của con chim lớn: Ăn một quả, trả cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng 

→ Câu nói có vần, dễ thuộc, dễ nhớ. Ngày nay câu ăn một quả, trả cục vàng hay ăn khế, trả vàng cũng thường được nhân dân dùng để chỉ một việc làm được trả công hậu hĩnh, có kết quả tốt đẹp.

- Không gian kì ảo (đảo xa): 

+ Đặc điểm: chim bay mãi, bay mãi, qua bao nhiêu là miền, hết đồng ruộng đến rừng xanh, hết rừng xanh đến biển cả, ra tới giữa biển.

+ Giúp người em có cuộc sống giàu có.

→ Nhấn mạnh ý nghĩa của không gian kì ảo cùng rất nhiều bất ngờ mà không gian kì ảo đó mang lại cho nhân vật trong thế giới cổ tích.

B1: Chuyển giao nhiệm vụ (GV)

- Chia nhóm HS.

- Yêu cầu HS thực hiện kỹ thuật trạm – mảnh ghép

- Các nhóm HS thực hiện yêu cầu trên phiếu học tập:

(1) Hoàn thành các ô trong bảng sau (nêu những hành động tiêu biểu nhất):

Giáo án bài Cây khế | Giáo án Ngữ văn 6 Kết nối tri thức

(2) Qua kết cục của người anh và người em trong truyện, các tác giả dân gian muốn gửi gắm đến chúng ta bài học gì? Từ truyện, em rút ra bài học gì cho bản thân?

B2: Thực hiện nhiệm vụ

HS thảo luận nhóm: 

- Vòng trạm (4p).

- Vòng mảnh ghép (6p). 

GV: theo dõi, hỗ trợ cho các nhóm HS (nếu nhóm HS gặp khó khăn).

B3: Báo cáo, thảo luận

GV:

- Gọi ngẫu nhiên HS trong nhóm ghép trình bày.

- Hướng dẫn HS trình bày (nếu cần).

HS:
 - Trình bày sản phẩm.

- Các HS khác theo dõi, quan sát, nhận xét, bổ sung cho nhóm bạn (nếu cần).

B4: Kết luận, nhận định (GV)

- Nhận xét về thái độ làm việc và sản phẩm của các nhóm ghép.

- Chốt kiến thức lên màn hình, chuyển dẫn sang mục sau.

2. Nhân vật người anh, người em và bài học từ truyện:

a. Hai nhân vật:

Giáo án bài Cây khế | Giáo án Ngữ văn 6 Kết nối tri thức

b. Bài học:

- Không tham lam, biết vừa đủ.

- Sống nhân hậu, tình nghĩa, biết giữ lời hứa, biết đền đáp ơn nghĩa.

- Anh em trong gia đình phải biết thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ nhau.

- Trung thực, chăm chỉ, hiểu được ý nghĩa của lao động chân chính.

B1: Chuyển giao nhiệm vụ (GV)

- Nhóm lẻ: Liệt kê các đặc sắc về nghệ thuật của truyện.

- Nhóm chẵn: Kết cục của truyện đã gửi gắm đến chúng ta bài học gì?

B2: Thực hiện nhiệm vụ

HS 1 phút viết ý kiến ra góc, 1 phút thống nhất trong nhóm và trình bày trước lớp thông tin.

GV hướng theo dõi, quan sát, hỗ trợ (nếu HS gặp khó khăn).

B3: Báo cáo, thảo luận

HS: trình bày.

GV: Yêu cầu HS nhận xét, đánh giá chéo giữa các HS

B4: Kết luận, nhận định (GV)

- Nhận xét thái độ và kết quả làm việc của từng HS - Chuyển dẫn sang đề mục sau.

III. Tổng kết:

1. Nghệ thuật:

- Sắp xếp các tình tiết tự nhiên, khéo léo.

- Sử dụng chi tiết thần kì.

- Kết thúc có hậu.

2. Ý nghĩa:

Từ những kết cục khác nhau đối với người anh và người em, tác giả dân gian muốn gửi gắm bài học về đền ơn đáp nghĩa, niềm tin ở hiền sẽ gặp lành và may mắn đối với tất cả mọi người.  


C. HOẠT ĐỘNG LUYỆN TẬP

a. Mục tiêu: Củng cố lại kiến thức đã học.

b. Nội dung: Sử dụng SGK, kiến thức đã học để hoàn thành bài tập.

c. Sản phẩm học tập: Kết quả của HS.

d. Tổ chức thực hiện:

- GV yêu cầu HS: Nhiệm vụ về nhà: Suy nghĩ và tìm câu trả lời về vấn đề: “Từ hành động đền ơn trong truyện em hãy nêu suy nghĩ của em về truyền thống đền ơn đáp nghĩa của người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay?”.

- GV nhận xét, đánh giá, chuẩn kiến thức.

D. HOẠT ĐỘNG VẬN DỤNG 

a. Mục tiêu: Vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học trong truyện “Cây khế” để giải quyết một nhiệm vụ. 

b. Nội dung: Hãy tưởng tượng 1 kết thúc khác cho truyện “Cây khế”

c. Sản phẩm học tập: Đoạn văn khoảng 5-7 câu.

d. Tổ chức thực hiện:

- GV nhận xét, đánh giá, chuẩn kiến thức.

IV. KẾ HOẠCH ĐÁNH GIÁ

Hình thức đánh giá

Phương pháp đánh giá

Công cụ đánh giá

Ghi chú

- Hình thức hỏi – đáp;

- Hình thức nói – nghe (thuyết trình sản phẩm của mình và nghe người khác thuyết trình).


- Phù hợp với mục tiêu, nội dung;

- Hấp dẫn, sinh động;

- Thu hút được sự tham gia tích cực của người học;

- Sự đa dạng, đáp ứng các phong cách học khác nhau của người học.

- Báo cáo thực hiện công việc;

- Phiếu học tập;

- Hệ thống câu hỏi và bài tập;

- Trao đổi, thảo luận.


V. HỒ SƠ DẠY HỌC (Đính kèm các phiếu học tập/bảng kiểm, v.v…)


Xem thêm các bài soạn Giáo án Ngữ văn lớp 6 Kết nối tri thức với cuộc sống hay, chuẩn khác: