Giáo án bài Thực hành tiếng Việt trang 92 - Giáo án Ngữ văn lớp 6
Giáo án bài Thực hành tiếng Việt trang 92 - Kết nối tri thức
Tải word giáo án bài Thực hành tiếng Việt trang 92
I. MỤC TIÊU
1. Mức độ/ yêu cầu cần đạt
- Thông qua việc thực hiện, giải quyết các yêu cầu, bài tập của phần Thực hành tiếng Việt;
- HS hiểu và phân biệt rõ từ đồng âm, từ đa nghĩa, cách dùng một số từ đồng âm, từ đa nghĩa thường gặp trong các ngữ cảnh quen thuộc và điển hình.
2. Năng lực
a. Năng lực chung
- Năng lực giải quyết vấn đề, năng lực tự quản bản thân, năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác...
b. Năng lực riêng biệt
- Năng lực nhận diện và phân biệt các từ đồng âm, từ đa nghĩa, cách dùng một số từ đồng âm, từ đa nghĩa thường gặp trong các ngữ cảnh quen thuộc và điển hình.
3. Phẩm chất
- Có ý thức vận dụng kiến thức vào giao tiếp và tạo lập văn bản.
II. THIẾT BỊ DẠY HỌC VÀ HỌC LIỆU
1. Chuẩn bị của GV
- Giáo án;
- Phiếu bài tập, trả lời câu hỏi;
- Bảng phân công nhiệm vụ cho học sinh hoạt động trên lớp;
- Bảng giao nhiệm vụ học tập cho học sinh ở nhà.
2. Chuẩn bị của HS: SGK, SBT Ngữ văn 6 tập một, soạn bài theo hệ thống câu hỏi hướng dẫn học bài, vở ghi, v.v…
III. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC
A. HOẠT ĐỘNG KHỞI ĐỘNG
a. Mục tiêu: Tạo hứng thú cho HS, thu hút HS sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ học tập của mình. HS khắc sâu kiến thức nội dung bài học.
b. Nội dung: GV trình bày vấn đề.
c. Sản phẩm: Câu trả lời của HS.
d. Tổ chức thực hiện:
- GV đặt câu hỏi, yêu cầu HS trả lời: Em hãy chú ý các từ được in đậm dưới đây có gì đặc biệt?
Vd1:
Mẹ tôi ngâm đỗ (1) để nấu chè;
Tôi sung sướng vì đã đỗ (2) đầu trong kỳ thi học sinh giỏi.
Vd2:
Bạn hãy suy nghĩ cho chín (1) rồi quyết định;
Con chờ cơm chín (2) rồi mới được đi chơi nhé!
- HS tiếp nhận nhiệm vụ, nghe và trả lời;
- GV dẫn dắt vào bài học mới: Trong các ví dụ trên, chúng ta thấy các từ có thể đồng âm nhưng khác nhau về nghĩa, chúng ta cũng thấy một từ có thể có nhiều nghĩa và các nghĩa đó có sự liên quan với nhau. Trong bài học hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về từ đồng âm và từ đa nghĩa.
B. HOẠT ĐỘNG HÌNH THÀNH KIẾN THỨC
Hoạt động 1: Tìm hiểu lý thuyết
a. Mục tiêu: Nắm được các khái niệm về ngôn ngữ thơ, so sánh, nhân hóa, điệp ngữ.
b. Nội dung: HS sử dụng SGK, chắt lọc kiến thức để tiến hành trả lời câu hỏi.
c. Sản phẩm học tập: HS tiếp thu kiến thức và câu trả lời của HS
d. Tổ chức thực hiện:
HOẠT ĐỘNG CỦA GV – HS |
DỰ KIẾN SẢN PHẨM |
Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ - GV yêu cầu HS: + Em hãy cho biết nghĩa của từ đỗ (1) và từ đỗ (2). Các nghĩa đó có liên quan với nhau không? + Em hãy giải thích nghĩa của từ chín (1) và nghĩa của từ chín (2). Các nghĩa đó có liên quan với nhau không? - HS tiếp nhận nhiệm vụ. Bước 2: HS trao đổi thảo luận, thực hiện nhiệm vụ - HS thực hiện nhiệm vụ; - Dự kiến sản phẩm: + Nghĩa của từ đỗ (1): là một loại thực vật; nghĩa của từ đỗ (2): chỉ trạng thái thi cử đã đạt được kết quả tốt như mong muốn, khả quan, trúng tuyển. → Nghĩa của từ đỗ (1) và đỗ (2) không liên quan đến nhau + Nghĩa của từ chín (1): trạng thái nghĩ kỹ, suy xét thấu đáo, không thể hơn được nữa; Nghĩa của từ chín (2): trạng thái của các sự vật, hiện tượng về thực phẩm (như trái cây, cơm, v.v…), là trạng thái thực phẩm không còn sống, đã đạt đến mức có thể ăn được, ăn ngon, là trạng thái cuối cùng. → Nghĩa của từ chín (1) và chín (2) có nét tương đồng. Bước 3: Báo cáo kết quả và thảo luận - HS báo cáo kết quả; - GV gọi HS khác nhận xét, bổ sung câu trả lời của bạn. Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ - GV nhận xét, đánh giá, bổ sung, chốt lại kiến thức → Ghi lên bảng. |
I. Từ đồng âm và từ đa nghĩa - Từ đồng âm là từ có âm giống nhau nhưng nghĩa khác nhau, không liên quan với nhau; - Từ đa nghĩa là từ có nhiều nghĩa, các nghĩa khác nhau lại có liên quan với nhau. |
C. HOẠT ĐỘNG LUYỆN TẬP
a. Mục tiêu: Củng cố lại kiến thức đã học: biện pháp tu từ ẩn dụ, điệp ngữ; dấu câu; đại từ nhân xưng.
b. Nội dung: Sử dụng SGK, kiến thức đã học để hoàn thành bài tập.
c. Sản phẩm: Kết quả của HS.
d. Tổ chức thực hiện:
HOẠT ĐỘNG CỦA GV – HS |
DỰ KIẾN SẢN PHẨM |
Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ - GV yêu cầu HS: đọc lại kiến thức về từ đồng âm và từ đa nghĩa, hoàn thành lần lượt các bài tập trong SGK. - HS tiếp nhận nhiệm vụ. Bước 2: HS trao đổi thảo luận, thực hiện nhiệm vụ - HS thực hiện nhiệm vụ. Bước 3: Báo cáo kết quả và thảo luận - HS báo cáo kết quả hoạt động; - GV gọi HS khác nhận xét, bổ sung câu trả lời của bạn. Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ - GV nhận xét, đánh giá, bổ sung, chốt lại kiến thức → Ghi lên bảng. |
II. Luyện tập Bài tập 1 SGK trang 92 a. Lờ đờ bóng ngả trăng chênh → bóng: hình ảnh của vật do phản chiếu mà có; b. Bóng đã lăn ra khỏi đường biên dọc → bóng: quả cầu rỗng bằng cao su, da hoặc nhựa, dễ nẩy, dùng làm đồ chơi thể thao; c. Mặt bàn được đánh véc-ni thật bóng → bóng: nhẵn đến mức phản chiếu được ánh sáng gần như mặt gương. → Những từ có âm thanh giống nhau nhưng nghĩa hoàn toàn khác nhau, không liên quan gì với nhau → từ đồng âm. Bài tập 2 SGK trang 92 – 93 a. - Đường lên xứ Lạng bao xa → đường: chỉ khoảng không gian phải vượt qua để đi từ một địa điểm này đến một địa điểm khác; - Những cây mía óng ả này chính là nguyên liệu để làm đường → đường: chỉ chất kết tinh có vị ngọt, dùng trong thực phẩm; b. – Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát → đồng: khoảng đất rộng và bằng phẳng, dùng để cày cấy, trồng trọt; - Tôi mua cái bút này với giá hai mươi nghìn đồng → đồng: đơn vị tiền tệ → Những từ có âm thanh giống nhau nhưng nghĩa hoàn toàn khác nhau, không liên quan gì với nhau → từ đồng âm. Bài tập 3 SGK trang 93 a. Cây xoài trước sân nhà em có rất nhiều trái b. Bố vừa mua cho em một trái bóng c. Cách một trái núi với ba quãng đồng → Trái trong ba ví dụ đều biểu thị sự vật có dạng hình cầu → Từ đa nghĩa. Bài tập 4 SGK trang 93 a. Con cò có cái cổ cao → Cổ: chỉ một bộ phận cơ thể, nối đầu với thân; b. Con quạ tìm cách uống nước trong một chiếc bình cao cổ → Cổ: chỗ eo ở gần phần đầu của một đồ vật, giống hình dáng cái cổ → Từ đa nghĩa. c. Phố cổ tạo nên vẻ đẹp của riêng Hà Nội → Cổ: tính từ, chỉ sự cổ kính, lâu đời, không liên quan gì đến nghĩa của từ cổ trong hai câu a. và b. → Từ đồng âm. Bài tập 5 SGK trang 93 - Tiếng hò xa vọng nặng tình nước non → Nặng: tính chất, mức độ nhiều tình cảm. - Một số ví dụ có từ nặng được dùng với nghĩa khác: + Túi hoa quả này nặng quá ; + Em rất buồn vì bà nội bị ốm nặng. |
D. HOẠT ĐỘNG VẬN DỤNG
a. Mục tiêu: Vận dụng kiến thức đã học để giải bài tập, củng cố kiến thức đã học.
b. Nội dung: Sử dụng kiến thức đã học để hỏi, trả lời và trao đổi.
c. Sản phẩm: Câu trả lời của HS
d. Tổ chức thực hiện:
- GV yêu cầu HS: Viết một đoạn văn ngắn (5 – 7 câu) nói về tình yêu quê hương đất nước của em, trong đoạn văn có sử dụng ít nhất một từ đồng âm và một từ đa nghĩa.
- GV nhận xét, đánh giá, chuẩn kiến thức.
IV. KẾ HOẠCH ĐÁNH GIÁ
Hình thức đánh giá |
Phương pháp đánh giá |
Công cụ đánh giá |
Ghi chú |
- Hình thức hỏi – đáp; - Hình thức nói – nghe (thuyết trình sản phẩm của mình và nghe người khác thuyết trình). |
- Phù hợp với mục tiêu, nội dung; - Hấp dẫn, sinh động; - Thu hút được sự tham gia tích cực của người học; - Sự đa dạng, đáp ứng các phong cách học khác nhau của người học. |
- Báo cáo thực hiện công việc; - Phiếu học tập; - Hệ thống câu hỏi và bài tập; - Trao đổi, thảo luận. |
V. HỒ SƠ DẠY HỌC (Đính kèm các phiếu học tập/bảng kiểm, v.v…)