70 câu trắc nghiệm Tĩnh học vật rắn có lời giải chi tiết (cơ bản) - Vật Lí lớp 10
70 câu trắc nghiệm Tĩnh học vật rắn có lời giải chi tiết (cơ bản)
Với 70 câu trắc nghiệm Tĩnh học vật rắn có lời giải chi tiết (cơ bản) Vật Lí lớp 10 tổng hợp 70 bài tập trắc nghiệm có lời giải chi tiết sẽ giúp học sinh ôn tập, biết cách làm dạng bài tập Tĩnh học vật rắn từ đó đạt điểm cao trong bài thi môn Vật Lí lớp 10.
Bài 1: Một vật cân bằng chịu tác dụng của hai lực thì hai lực đó sẽ
A. Cùng giá, cùng chiều, cùng độ lớn.
B. Cùng giá, ngược chiều, cùng độ lớn.
C. Có giá vuông góc nhau và cùng độ lớn.
D. Được biểu diễn bằng hai vectơ giống hệt nhau.
Lời giải:
Đáp án: B
Điều kiện cân bằng:
Muốn cho một vật chịu tác dụng của 2 lực ở trạng thái cân bằng thì 2 lực đó phải cùng giá, cùng độ lớn và ngược chiều.
Bài 2: Tác dụng của một lực lên một vật rắn là không đổi khi
A. lực đó dịch chuyển sao cho phương của lực không đổi.
B. giá của lực quay một góc 90°.
C. lực đó trượt trên giá của nó.
D. độ lớn của lực thay đổi ít.
Lời giải:
Đáp án: C
Tác dụng của một lực lên một vật rắn là không đổi khi lực đó trượt trên giá của nó.
Bài 3: Điều kiện cân bằng của một vật rắn chịu tác dụng của ba lực không song song là:
A. hợp lực của hai lực phải cân bằng với lực thứ ba.
B. ba lực đó có độ lớn bằng nhau.
C. ba lực đó phải đồng phẳng và đồng quy.
D. ba lực đó có giá vuông góc nhau từng đôi một.
Lời giải:
Đáp án: A
Điều kiện cân bằng của một vật chịu tác dụng của 3 lực không song song.
- Ba lực đó phải có giá đồng phẳng và đồng quy.
- Hợp lực của 2 lực đó phải cân bằng với lực thứ 3.
Bài 4: Điều nào sau đây là đúng khi nói về đặc điểm hợp lực của hai lực song song, cùng chiều?
A. Độ lớn bằng tổng độ lớn của hai lực thành phần.
B. Cùng chiều với hai lực thành phần.
C. Phương song song với hai lực thành phần.
D. Cả ba đặc điểm trên.
Lời giải:
Đáp án: D
- Hợp lực của hai lực song song là một lực song song, cùng chiều và có độ lớn bằng tổng các độ lớn của 2 lực. F = F1 + F2
Bài 5: Mômen lực tác dụng lên một vật là đại lượng
A. Dùng để xác định độ lớn của lực tác dụng.
B. Đặc trưng cho tác dụng làm quay vật của lực.
C. Vectơ.
D. Luôn có giá trị dương.
Lời giải:
Đáp án: B
Momen lực đối với một trục quay là đại lượng đặc trưng cho tác dụng làm quay của lực và được đo bằng tích của lực với cánh tay đòn của nó. M = F.d
- Đơn vị là N.m
- Khoảng cách d từ trục quay đến giá của lực gọi là cánh tay đòn của lực
Bài 6: Muốn cho một vật có trục quay cố định nằm cân bằng thì
A. tổng mômen của các lực có khuynh hướng làm vật quay theo một chiều phải bằng tổng mômen của các lực có khuynh hướng làm vật quay theo chiều ngược lại.
B. tổng mômen của các lực phải bằng hằng số.
C. tổng mômen của các lực phải khác 0.
D. tổng mômen của các lực phải là một vectơ có giá đi qua trục quay.
Lời giải:
Đáp án: A
Muốn cho một vật có trục quay cố định nằm cân bằng thì tổng mômen của các lực có khuynh hướng làm vật quay theo một chiều phải bằng tổng mômen của các lực có khuynh hướng làm vật quay theo chiều ngược lại.
Bài 7: Trọng tâm là điểm đặt của ........tác dụng lên vật
A. trọng lực
B. trọng lượng
C. lực hấp dẫn
D. lực
Lời giải:
Đáp án: A
Trọng tâm là điểm đặt của trọng lực tác dụng lên vật.
Bài 8: Chọn câu trả lời sai.
Điều kiện cân bằng của vật rắn khi chịu tác dụng của ba lực không song song là
A. hợp lực của ba lực phải bằng không
B. hợp lực của hai lực phải cân bằng với lực thứ ba
C. ba lực phải đồng phẳng và đồng quy và có hợp lực bằng không
D. ba lực đồng quy nhưng không đồng phẳng
Lời giải:
Đáp án: D
Điều kiện cân bằng của một vật chịu tác dụng của 3 lực không song song.
- Ba lực đó phải có giá đồng phẳng và đồng quy.
- Hợp lực của 2 lực đó phải cân bằng với lực thứ 3.
→ phát biểu D là sai
Bài 9: Chọn câu sai.
Một vật phẳng mỏng đồng chất có dạng là một tam giác đều. Trọng tâm của vật đó nằm tại
A. giao điểm của một đường cao và một đường phân giác
B. giao điểm của một đường cao và một đường trung tuyến
C. giao điểm của một đường trung trực và một đường phân giác
D. một điểm bất kì nằm trong tam giác, không trùng với ba giao điểm trên
Lời giải:
Đáp án: D
Một vật phẳng mỏng đồng chất có dạng là một tam giác đều. Trọng tâm của vật đó nằm tại giao điểm của 3 đường trung tuyến (trong tam giác đều các đường trung tuyến, đường cao, đường phân giác, đường trung trực trùng nhau)→ D là phát biểu sai
Bài 10: Chỉ có thế tổng hợp được hai lực không song song nếu hai lực đó
A. hợp với nhau một góc tù
B. vuông góc nhau
C. đồng quy
D. hợp với nhau một góc nhọn
Lời giải:
Đáp án: C
Chỉ có thế tổng hợp được hai lực không song song nếu hai lực đó đồng quy.
Bài 11: Một chiếc vành xe đạp phân bố đều khối lượng, có dạng hình tròn tâm C, trọng tâm của vành nằm tại
A. một điểm bất kì trên vành xe
B. một điểm bất kì ngoài vành xe
C. mọi điểm của vành xe
D. điểm C
Lời giải:
Đáp án: D
Một chiếc vành xe đạp phân bố đều khối lượng, có dạng hình tròn tâm C, trọng tâm của vành nằm tại điểm C.
Bài 12: Treo một vật rắn không đồng chất ở đầu một sợi dây mềm. Khi cân bằng, dây treo không trùng với
A. đường thẳng đứng nối điểm treo N với trọng tâm G
B. trục đối xứng của vật
C. đường thẳng đứng đi qua điểm treo N
D. đường thẳng đứng đi qua trọng tâm G
Lời giải:
Đáp án: B
Đối với một vật rắn không đồng chất thì trục đối xứng không trùng với đường thẳng đứng đi trọng tâm của vật. Khi treo vật đó bằng sợi dây mềm thì khi cân bằng ta có: sợi dây có phương trùng với phương trọng lực và không trùng với trục đối xứng.
Bài 13: Điều kiện cân bằng của một vật rắn chịu tác dụng của ba lực không song song là
A. ba lực đó phải có giá đồng phẳng và đồng quy, hợp lực của hai lực phải cân bằng với lực thứ ba
B. ba lực đó phải có giá đồng quy và hợp lực của hai lực phải cân bằng với lực thứ ba
C. ba lực đó phải có giá đồng phẳng và đồng quy, hợp lực của hai lực bằng với lực thứ ba
D. ba lực đó phải có giá đồng phẳng, nhưng không đồng quy
Lời giải:
Đáp án: A
Điều kiện cân bằng của một vật rắn chịu tác dụng của ba lực không song song là ba lực đó phải có giá đồng phẳng và đồng quy, hợp lực của hai lực phải cân bằng với lực thứ ba.
Bài 14: Trong các phát biểu dưới đây, phát biểu nào sai ?
A. Vật rắn là vật mà khoảng cách giữa hai điểm bất kì trên vật không đổi
B. Trọng tâm của vật rắn là điểm đặt của trọng lực
C. Tác dụng của một lực lên vật rắn thay đổi khi điểm đặt của lực trượt trên giá của nó
D. Khi vật rắn ở trạng thái cân bằng thì mọi điểm của vật rắn đều đứng yên
Lời giải:
Đáp án: C
Tác dụng của một lực lên vật rắn không thay đổi khi điểm đặt của lực trượt trên giá của nó.
Bài 15: Một vật chịu tác dụng của hai lực trong đó một lực là trọng lực. Để vật cân bằng thì lực còn lại phải có
A. phương nằm ngang, độ lớn bằng trọng lượng của vật
B. hướng thẳng đứng xuống dưới, độ lớn bằng trọng lượng của vật
C. giá trùng với giá của trọng lực, độ lớn bằng trọng lượng của vật
D. hướng thẳng đứng lên trên, giá song song với giá của trọng lực
Lời giải:
Đáp án: C
Để vật cân bằng thì lực còn lại phải có giá trùng với giá của trọng lực, độ lớn bằng trọng lượng của vật.
Bài 16: Trọng tâm của vật rắn phẳng, đồng tính nào dưới đây không nằm trên vật ?
A. Cục gạch
B. Cái nhẫn
C. Tấm đệm mút
D. Tấm kính trong
Lời giải:
Đáp án: B
Trọng tâm của nhẫn không nằm trên vật mà nằm tại tâm của vòng nhẫn.
Bài 17: Khi dùng một dây mảnh, không dãn, đầu trên cố định tại điểm O, đầu dưới treo một vật rắn có trọng tâm G. Dây treo có phương thẳng đứng
A. đi qua G nhưng không đi qua O
B. không đi qua cả O và G
C. đi qua O nhưng không đi qua G
D. đi qua cả G và O
Lời giải:
Đáp án: D
Khi treo vật đó bằng sợi dây mềm thì khi cân bằng ta có: sợi dây có phương trùng với phương trọng lực →Dây treo có phương thẳng đứng đi qua cả G và O.
Bài 18: Mặt chân đế của vật là
A. toàn bộ diện tích tiếp xúc của vật với sàn
B. đa giác lồi lớn nhất bao bọc tất cả các diện tích tiếp xúc
C. phần chân của vật
D. đa giác lồi nhỏ nhất bao bọc tất cả các diện tích tiếp xúc của vật
Lời giải:
Đáp án: D
Mặt chân đế: Nếu vật rắn tiếp xúc với giá đỡ ở nhiều diện tích tách rời nhau thì mặt chân đế là hình đa giác lồi nhỏ nhất chứa tất cả các diện tích tiếp xúc.
Điều kiện cân bằng của vật rắn có mặt chân đế là đường thẳng đứng đi qua trọng tâm của vật gặp mặt chân đế.
Bài 19: Khi nói về cân bằng của một vật, điều nào dưới đây sai ?
A. Một vật cân bằng phiếm định là khi nó bị lệch khỏi vị trí cân bằng đó thì trọng lực tác dụng lên nó giữ nó ở vị trí cân bằng mới
B. Vật có trọng tâm càng thấp thì càng kém bền vững
C. Cân bằng phiếm định có trọng tâm ở một vị trí xác định hay ở một độ cao không đổi
D. Trái bóng đặt trên bàn có cân bằng phiếm định
Lời giải:
Đáp án: B
+ Khi vật bị lệch ra khỏi vị trí cân bằng, sau đó nó thiết lập ngay một vị trí cân bằng mới thì cân bằng như vậy gọi là cân bằng phiếm định
+ Mức vững vàng của cân bằng phụ thuộc vào diện tích mặt chân đế và độ cao của trọng tâm: mặt chân đế có diện tích càng lớn và trọng tâm của vật rắn càng thấp thì cân bằng có mức vững vàng càng cao.
Bài 20: Một viên bi nằm cân bằng trong một cái lỗ trên mặt đất, dạng cân bằng của viên bi khi đó là
A. cân bằng không bền
B. cân bằng bền
C. cân bằng phiếm định
D. lúc đầu cân bằng bền, sau đó trở thành cân bằng phiếm định
Lời giải:
Đáp án: B
- Khi vật bị lệch ra khỏi vị trí cân bằng mà vật có thể tự trở về vị trí cân bằng ban đầu được thì cân bằng như vậy gọi là cân bằng bền.
→ Một viên bi nằm cân bằng trong một cái lỗ trên mặt đất, dạng cân bằng của viên bi khi đó là cân bằng bền.
Bài 21: Mức vững vàng của cân bằng phụ thuộc vào
A. khối lượng
B. độ cao của trọng tâm
C. diện tích của mặt chân đế
D. độ cao của trọng tâm và diện tích của mặt chân đế
Lời giải:
Đáp án: D
Mức vững vàng của cân bằng phụ thuộc vào diện tích mặt chân đế và độ cao của trọng tâm: mặt chân đế có diện tích càng lớn và trọng tâm của vật rắn càng thấp thì cân bằng có mức vững vàng càng cao
Bài 22: Đối với cân bằng phiếm định thì
A. trọng tâm ở vị trí cao nhất so với các vị trí lân cận
B. trọng tâm ở vị trí thấp nhất so với các vị trí lân cận
C. trọng tâm nằm ở một độ cao không thay đổi
D. trọng tâm có thể tự thay đổi đến vị trí cân bằng mới
Lời giải:
Đáp án: C
Cân bằng phiếm định là dạng cân bằng mà vị trí trục quay trùng với trọng tâm của vật. Do đó trọng tâm của vật nằm ở một độ cao không thay đổi.
Bài 23: Cách nào dưới đây có tác dụng làm tăng mức vững vàng của vật ?
A. Nâng cao trọng tâm
B. Giảm diện tích chân đế
C. Tăng trọng lượng
D. Tăng diện tích chân đế hoặc Hạ thấp trọng tâm
Lời giải:
Đáp án: D
Mức vững vàng của cân bằng phụ thuộc vào diện tích mặt chân đế và độ cao của trọng tâm: mặt chân đế có diện tích càng lớn và trọng tâm của vật rắn càng thấp thì cân bằng có mức vững vàng càng cao
→ Để một vật trở nên vững vàng hơn tăng diện tích chân đế hoặc hạ thấp trọng tâm.
Bài 24: Điều kiện cân bằng của vật có mặt chân đế là
A. vị trí trọng tâm không thay đổi
B. giá của trọng lực phải xuyên qua mặt chân đế
C. mặt chân đế của vật phải có diện tích đủ lớn
D. kích thước của vật phải đủ lớn
Lời giải:
Đáp án: B
Điều kiện cân bằng của vật rắn có mặt chân đế là đường thẳng đứng đi qua trọng tâm của vật gặp mặt chân đế.
→ giá của trọng lực phải xuyên qua mặt chân đế
Bài 25: Trong ba vật bằng sắt dưới đây, vật ở hình nào có cân bằng bền hơn cả ?
A. Hình c
B. Ba hình cân bằng như nhau
C. Hình a
D. Hình b
Lời giải:
Đáp án: D
Hình b cân bằng bền hơn các hình khác do có trọng tâm ở vị trí thấp hơn và có diện tích mặt chân đế lớn hơn.
Bài 26: Khi vật rắn được treo bằng dây ở trạng thái cân bằng thì
A. lực căng của dây treo lớn hơn trọng lượng của vật
B. không có lực nào tác dụng lên vật
C. các lực tác dụng lên vật luôn cùng chiều
D. dây treo trùng với đường thẳng đứng đi qua trọng tâm của vật.
Lời giải:
Đáp án: D
Khi vật rắn được treo bằng dây ở trạng thái cân bằng thì dây treo trùng với đường thẳng đứng đi qua trọng tâm của vật.
Bài 27: Hình vẽ sau mô tả ba ô tô chở hàng leo dốc. Hình nào cho biết ô tô dễ gây tai nạn nhất ?
A. Hình c B. Hình b C. Hình a D. Như nhau
Lời giải:
Đáp án: A
Hình C có trọng tâm gần đuôi xe nhất, dễ bị chệch ra khỏi mặt chân đế nhất → dễ gây tai nạn nhất.
Bài 28: Ba vật dưới đây (Hình a, b, c) vật nào ở trạng thái cân bằng bền ?
A. Hình b B. Hình c C. Hình a D. Không có hình nào
Lời giải:
Đáp án: C
Khi vật bị lệch ra khỏi vị trí cân bằng mà vật có thể tự trở về vị trí cân bằng ban đầu được thì cân bằng như vậy gọi là cân bằng bền →Vật ở hình a cân bằng bền.
Bài 29: Một thước dẹt quay quanh một trục đi qua nó, ở ba vị trí khác nhau như hình vẽ. Trong ba trường hợp, trường hợp nào là cân bằng phiếm định ?
A. Hình c B. Hình a C. Không có trường hợp nào D. Hình b
Lời giải:
Đáp án: A
Trong hình C, vật cân bằng phiếm định do có trục quay đi qua trọng tâm của vật.
Bài 30: Chọn câu sai
Khi vật bị kéo ra khỏi vị trí cân bằng một chút mà trọng lực của vật có xu hướng
A. kéo nó trở về vị trí cân bằng, thì đó là vị trí cân bằng bền
B. kéo nó ra xa vị trí cân bằng, thì đó là vị trí cân bằng không bền
C. giữ nó đứng yên ở vị trí mới, thì đó là vị trí cân bằng phiếm định
D. giữ nó đứng yên ở vị trí mới, thì đó là vị trí cân bằng bền
Lời giải:
Đáp án: D
Khi vật bị kéo ra khỏi vị trí cân bằng một chút mà trọng lực của vật có xu hướng giữ nó đứng yên ở vị trí mới, thì đó là vị trí cân bằng phiếm định.
Bài 31: Momen lực tác dụng lên một vật có trục quay cố định là đại lượng
A. đặc trưng cho tác dụng làm quay vật của lực và được đo bằng tích của lực và cánh tay đòn của nó
B. đặc trưng cho tác dụng làm quay vật của lực và được đo bằng tích của lực và cánh tay đòn của nó. Có đơn vị là (N/m).
C. đặc trưng cho độ mạnh yếu của lực
D. luôn có giá trị âm
Lời giải:
Đáp án: A
Momen lực tác dụng lên một vật có trục quay cố định là đại lượng đặc trưng cho tác dụng làm quay vật của lực và được đo bằng tích của lực và cánh tay đòn của nó M = Fd.
Bài 32: Đối với vật quay quanh một trục cố định, câu nào sau đây đúng ?
A. Khi thấy tốc độ góc của vật thay đổi thì chắc chắn đã có momen lực tác dụng lên vật
B. Nếu không chịu momen lực tác dụng thì vật phải đứng yên
C. Vật quay được là nhờ có momen lực tác dụng lên nó
D. Khi không còn momen lực tác dụng thì vật đang quay sẽ lập tức dừng lại
Lời giải:
Đáp án: A
Momen lực là nguyên nhân làm cho tốc độ góc của vật thay đổi.
Bài 33: Mức quán tính của vật quay quanh một trục không phụ thuộc vào
A. tốc độ góc của vật
B. khối lượng của vật
C. hình dạng và kích thước của vật
D. vị trí của trục quay
Lời giải:
Đáp án: A
Mức quán tính của vật quay quanh một trục không phụ thuộc vào tốc độ góc của vật mà phụ thuộc vào khối lượng của vật và vào sự phân bố khối lượng đó đối với trục quay. Khối lượng càng lớn và được phân bố càng xa trục quay thì momen quán tính càng lớn và ngược lại.
Bài 34: Một vật đang quay quanh một trục với tốc độ góc ω = 6,28 rad/s (bỏ qua ma sát). Nếu momen lực tác dụng lên nó mất đi thì
A. vật đổi chiều quay
B. vật quay chậm dần rồi dừng lại
C. vật quay đều với tốc độ góc ω = 6,28 rad/s
D. vật dừng lại ngay
Lời giải:
Đáp án: C
Khi bị mất momen lực thì không còn lực nào tác dụng vào vật nhưng vật vẫn còn momen quán tính nên vật sẽ quay đều với tốc độ góc ω = 6,28 rad/s.
Bài 35:Một vật rắn đang quay quanh một trục cố định xuyên qua vật. Các điểm trên vật rắn (không thuộc trục quay)
A. quay được những góc không bằng nhau trong cùng một khoảng thời gian
B. ở cùng một thời điểm, có cùng gia tốc dài
C. ở cùng một thời điểm, có cùng vận tốc dài
D. ở cùng một thời điểm, có cùng vận tốc góc
Lời giải:
Đáp án: D
Một vật rắn đang quay quanh một trục cố định xuyên qua vật. Các điểm trên vật rắn (không thuộc trục quay) ở cùng một thời điểm, có cùng vận tốc góc.
Bài 36: Một vật rắn chịu tác dụng của một lực F. Chuyển động của vật là chuyển động
A. quay
B. tịnh tiến
C. vừa quay vừa tịnh tiến
D. không xác định
Lời giải:
Đáp án: D
Nếu chỉ có dữ kiện là vật rắn chịu tác dụng của một lực F thì chưa đủ để kết luận về chuyển động của vật.
Bài 37: Tác dụng một lực F có giá đi qua trọng tâm của một vật thì vật đó sẽ
A. chuyển động quay
B. chuyển động tịnh tiến
C. vừa quay vừa tịnh tiến
D. chuyển động tròn đều
Lời giải:
Đáp án: B
Tác dụng một lực F có giá đi qua trọng tâm của một vật thì vật đó sẽ chuyển động tịnh tiến.
Bài 38: Một vật rắn ở trạng thái cân bằng sẽ không chuyển động tịnh tiến dưới tác dụng của các lực khi
A. các lực tác dụng cùng đi qua trọng tâm
B. các lực tác dụng từng đôi một trực đối
C. các lực tác dụng phải đồng quy
D. tổng các lực tác dụng phải bằng 0
Lời giải:
Đáp án: D
Muốn vật rắn không chuyển động tịnh tiến thì hợp lực phải bằng 0.
Bài 39: Một vật rắn ở trạng thái cân bằng sẽ không quay dưới tác dụng của các lực khi
A. các lực tác dụng cùng đi qua trọng tâm
B. các lực tác dụng từng đôi một trực đối
C. các lực tác dụng phải đồng quy
D. tổng momen của các lực tác dụng đối với cùng một trục quay phải bằng 0
Lời giải:
Đáp án: D
Muốn vật rắn không chuyển động quay thì tổng momen của các lực tác dụng đối với cùng một trục quay phải bằng 0.
Bài 40: Trong các phát biểu sau, phát biểu nào không đúng ?
A. Lực có giá qua khối tâm làm vật chuyển động tịnh tiến
B. Lực có giá không qua khối tâm làm vật vừa quay vừa tịnh tiến
C. Khối tâm vật là điểm đặt của trọng lực lên vật
D. Khối tâm vật luôn nằm trong vật
Lời giải:
Đáp án: D
Khối tâm của vật có thể không nằm trong vật, ví dụ khối tâm của vòng nhẫn.
Bài 41: Vật rắn có chuyển động tịnh tiến khi
A. hợp lực các lực tác dụng có giá qua khối tâm
B. hợp lực các lực tác dụng lên vật là một lực không đổi
C. các lực tác dụng phải đồng phẳng
D. các lực tác dụng phải đồng qui
Lời giải:
Đáp án: A
Vật rắn có chuyển động tịnh tiến khi hợp lực các lực tác dụng có giá qua khối tâm.
Bài 42:Đơn vị của momen ngẫu lực là gì ?
A. N B. N.m C. J D. W
Lời giải:
Đáp án: B
Momen lực đối với một trục quay là đại lượng đặc trưng cho tác dụng làm quay của lực và được đo bằng tích của lực với cánh tay đòn của nó. M = F.d
- Đơn vị là N.m
Bài 43: Ngẫu lực có tác dụng làm vật rắn
A. chuyển động quay
B. chuyển động tịnh tiến
C. vừa chuyển động tịnh tiến vừa chuyển động quay
D. quay quanh trục bất kì đi qua trọng tâm
Lời giải:
Đáp án: A
Ngẫu lực có tác dụng làm vật rắn chuyển động quay.
Bài 44: Momen lực được xác định bằng công thức
A. M = F/d B. M = Fd C. P = mg D. F = ma
Lời giải:
Đáp án: B
Momen lực đối với một trục quay là đại lượng đặc trưng cho tác dụng làm quay của lực và được đo bằng tích của lực với cánh tay đòn của nó. M = F.d
- Đơn vị là N.m
- Khoảng cách d từ trục quay đến giá của lực gọi là cánh tay đòn của lực
Bài 45: Ngẫu lực là hệ hai lực
A. song song, ngược chiều, có độ lớn bằng nhau và cùng tác dụng vào một lực
B. song song, cùng chiều, có độ lớn bằng nhau và cùng tác dụng vào một vật
C. song song, ngược chiều, có độ lớn bằng nhau và tác dụng vào hai vật
D. song song, có độ lớn bằng nhau và cùng tác dụng vào một vật
Lời giải:
Đáp án: A
Ngẫu lực là hệ hai lực song song, ngược chiều, có độ lớn bằng nhau và cùng tác dụng vào một lực.
Bài 46: Một vật không có trục quay cố định khi chịu tác dụng của ngẫu lực sẽ
A. cân bằng
B. vừa quay, vừa tịnh tiến
C. chuyển động quay
D. chuyển động tịnh tiến
Lời giải:
Đáp án: C
Một vật không có trục quay cố định khi chịu tác dụng của ngẫu lực sẽ chuyển động quay.
Bài 47: Vật rắn không có trục quay cố định, chịu tác dụng của momen ngẫu lực thì trọng tâm của vật
A. đứng yên
B. chuyển động dọc trục
C. chuyển động quay
D. chuyển động lắc
Lời giải:
Đáp án: A
Vật rắn không có trục quay cố định, chịu tác dụng của momen ngẫu lực thì trọng tâm của vật đứng yên.
Bài 48: Khi vật rắn không có trục quay cố định chịu tác dụng của momen ngẫu lực thì vật sẽ quay quanh
A. trục đi qua trọng tâm
B. trục nằm ngang qua một điểm
C. trục thẳng đứng đi qua một điểm
D. trục bất kì
Lời giải:
Đáp án: A
Khi vật rắn không có trục quay cố định chịu tác dụng của momen ngẫu lực thì vật sẽ quay quanh trục đi qua trọng tâm
Bài 49: Khi vật rắn có trục quay cố định chịu tác dụng của momen ngẫu lực thì vật rắn sẽ quay quanh
A. trục đi qua trọng tâm
B. trục cố định đó
C. trục xiên đi qua một điểm bất kì
D. trục bất kì
Lời giải:
Đáp án: B
Khi vật rắn có trục quay cố định chịu tác dụng của momen ngẫu lực thì vật rắn sẽ quay quanh trục cố định đó.
Bài 50: Chuyển động của đinh vít khi chúng ta vặn nó vào tấm gỗ là
A. chuyển động thẳng và chuyển động xiên
B. chuyển động tịnh tiến
C. chuyển động quay
D. chuyển động tịnh tiến và chuyển động quay
Lời giải:
Đáp án: D
Chuyển động của đinh vít khi chúng ta vặn nó vào tấm gỗ là chuyển động tịnh tiến và chuyển động quay.
Bài 51: Hai lực của một ngẫu lực có độ lớn F = 30 N. Cánh tay đòn của ngẫu lực d = 30 cm. Mômen của ngẫu lực là
A. 900 N.m B. 90 N.m C. 9 N.m D. 0,9 N.m
Lời giải:
Đáp án: C
Momen của ngẫu lực M = Fd = 30.0,3 = 9 N.m.
Bài 52: Hai lực của một ngẫu lực có độ lớn F = 40 N. Biết momen của ngẫu lực bằng 12 N.m. Cánh tay đòn của ngẫu lực là
A. 30 cm B. 3 cm C. 3 m D. 0,3 mm
Lời giải:
Đáp án: A
Cánh tay đòn của ngẫu lực là d = M/F = 12/40 = 0,3 m = 30 cm.
Bài 53: Khi nói về mômen lực đối với một trục quay, điều nào dưới đây sai ?
A. Mômen lực là đại lượng đặc trưng cho tác dụng làm quay của lực
B. Có đơn vị là N/m
C. Được đo bằng tích của lực với cánh tay đòn của nó
D. Có giá trị phụ thuộc vào vị trí trục quay
Lời giải:
Đáp án: B
Mômen lực có đơn vị là N.m.
Bài 54: Khi nói về mặt chân đế, phát biểu nào dưới đây sai ?
A. Mặt chân đế của một vật là hình đa giác lồi nhỏ nhất bao bọc tất cả các diện tích tiếp xúc của vật với mặt phẳng đỡ
B. Mặt chân đế chính là mặt đáy của vật nếu vật tiếp xúc với mặt phẳng đỡ bằng cả mặt đáy
C. Mặt chân đế của vật càng lớn và trọng tâm càng cao thì mức vững vàng của vật càng lớn
D. Khi vật có mặt chân đế cân bằng thì trọng tâm của vật phải “rơi” trên mặt chân đế
Lời giải:
Đáp án: C
- Mặt chân đế: Nếu vật rắn tiếp xúc với giá đỡ ở nhiều diện tích tách rời nhau thì mặt chân đế là hình đa giác lồi nhỏ nhất chứa tất cả các diện tích tiếp xúc.
- Điều kiện cân bằng của vật rắn có mặt chân đế là đường thẳng đứng đi qua trọng tâm của vật gặp mặt chân đế.
Bài 55:Nhận xét nào dưới đây về hợp lực của hai lực song song và cùng chiều là không đúng ?
A. Độ lớn của hợp lực bằng tổng giá trị tuyệt đối độ lớn của hai lực thành phần
B. Hợp lực hướng cùng chiều với chiều của hai lực thành phần
C. Hợp lực có giá chia trong khoảng cách giữa hai giá của hai lực thành phần những đoạn tỉ lệ thuận với hai lực ấy
D. Nếu ℓ là khoảng cách giữa hai giá của hai lực thành phần là ℓ1, ℓ2 là những đoạn chia trong (ℓ = ℓ1 + ℓ2) thì giữa các lực thành phần F1, F2 và F có hệ thức .
Lời giải:
Đáp án: C
Hợp lực của hai lực song song và cùng chiề là một lực song song, cùng chiều và có độ lớn bằng tổng các độ lớn của 2 lực. F = F1 + F2
- Giá của hợp lực chia trong khoảng cách giữa 2 điểm thành những đoạn tỉ lệ nghịch với độ lớn 2 lực. . (chia trong)
Bài 56: Hai lực của một ngẫu lực có độ lớn F = 5 N. Cánh tay đòn của ngẫu lực d = 20 cm. Momen của ngẫu lực là
A. 100 N.m B. 2 N.m C. 0,5 N.m D. 1 N.m
Lời giải:
Đáp án: D
Momen của ngẫu lực là M = Fd = 5.0,2 = 1 N/m.
Bài 57: Ở trường hợp nào sau dây, lực có tác dụng làm cho vật rắn quay quanh trục?
A. Lực có giá cắt trục quay.
B. Lực có giá song song với trục quay.
C. Lực có giá nằm trong mặt phẳng vuông góc với trục quay và không cắt trục quay.
D. Lực có giá nằm trong mặt phẳng vuông góc với trục quay và cắt trục quay.
Lời giải:
Đáp án: C
Lực có giá nằm trong mặt phẳng vuông góc với trục quay và không cắt trục quay → cánh tay đòn khác không → momen của lực F đối với trục quay khác không sẽ làm cho vật quay quanh trục quay.
Bài 58: Hai lực của ngẫu lực có độ lớn F = 20N, khoảng cách giữa hai giá của ngẫu lực là d = 30 cm. Momen của ngẫu lực là:
A. M = 0,6(Nm). B. M = 600(Nm). C. M = 6(Nm). D. M = 60(Nm).
Lời giải:
Đáp án: C
M = F.d = 20.0,3 = 6 (Nm)
Bài 59: Khi một lực tác dụng vào vật rắn, yếu tố nào sau đây của lực có thể thay đổi mà không ảnh hưởng đến tác dụng của lực:
A. độ lớn B. chiều C. điểm đặt D. phương
Lời giải:
Đáp án: C
Bài 60: Chọn câu phát biểu đúng: Cân bằng bền là loại cân bằng mà vật có vị trí trọng tâm
A. thấp nhất so với các vị trí lân cận.
B. cao bằng với các vị trí lân cận.
C. cao nhất so với các vị trí lân cận.
D. bất kì so với các vị trí lân cận.
Lời giải:
Đáp án: A
- Khi vật bị lệch ra khỏi vị trí cân bằng mà vật có thể tự trở về vị trí cân bằng ban đầu được thì cân bằng như vậy gọi là cân bằng bền.→ trọng tâm của nó thấp nhất so với các vị trí lân cận.
Bài 61: Chọn câu đúng.
A. Khi vật rắn cân bằng thì trọng tâm là điểm đặt của tất cả các lực.
B. Trọng tâm của bất kỳ vật rắn nào cũng nằm trên trục đối xứng của vật.
C. Mỗi vật rắn chỉ có một trọng tâm và có thể là một điểm không thuộc vật đó.
D. Trọng tâm của bất kỳ vật rắn nào cũng đặt tại một điểm trên vật.
Lời giải:
Đáp án: C
- Trọng tâm của vật rắn trùng với điểm đặt của trọng lực tác dụng lên vật, nếu vật không đòng chất thì trọng tâm không nằm trên trục đối xứng, trọng tâm của bất kỳ vật rắn có thể không nằm trên vật (ví dụ như cái nhẫn)
Bài 62: Người làm xiếc đi trên dây thường cầm một cây gậy nặng để làm gì?
A. Để vừa đi vừa biểu diễn cho đẹp
B. Để tăng lực ma sát giữa chân người và dây nên người không bi ngã
C. Để điều chỉnh cho giá trọng lực của hệ (người và gậy) luôn đi qua dây nên người không bị ngã
D. Để tăng mômen trọng lực của hệ (người và gậy) nên dễ điều chỉnh khi người mất thăng bằng
Lời giải:
Đáp án: C
Người làm xiếc đi trên dây thường cầm một cây gậy nặng để điều chỉnh cho giá trọng lực của hệ (người và gậy) luôn đi qua dây → người không bị ngã
Bài 63: Vòi vặn nước có hai tai vặn. Tác dụng của các tai này là gì?
A. Tăng độ bền của đai ốc
B. Tăng mômen của ngẫu lực
C. Tăng mômen lực
D. Đảm bảo mỹ thuật
Lời giải:
Đáp án: B
Tác dụng của chai tai vặn là tạo ra hệ hai lực song song, ngược chiều, có độ lớn bằng nhau cùng tác dụng vào một vật gọi là ngẫu lực.
Bài 64: Nhận xét nào sau đây về ngẫu lực là không chính xác ?
A. Hợp lực của ngẫu lực tuân theo quy tắc tổng hợp hai lực song song, ngược chiều.
B. Ngẫu lực là hệ gồm hai lực song song, ngược chiều và có độ lớn bằng nhau.
C. Momen của ngầu lực tính theo công thức : M = F.d (trong đó d là cánh tay đòn của ngẫu lực)
D. Nếu vật không có trục quay cố định chịu tác dụng của ngẫu lực thì nó sẽ quay quanh một trục đi qua trọng tâm và vuông góc với mặt phẳng chứa ngẫu lực.
Lời giải:
Đáp án: C
Momen ngẫu lực: M = F.d
Trong đó:
F: độ lớn của mỗi lực (N).
d: khoảng cách giữa hai giá của hai lực gọi là cánh tay đòn của ngẫu lực (m)
Momen của ngẫu lực không phụ thuộc vào vị trí của trục quay, miễn là trục quay vuông góc với mặt phẳng của ngẫu lực.
Bài 65: Một vật đang quay quanh một trục cố định với tốc độ góc ω = π rad/s. Nếu bỗng nhiên mômen lực tác dụng lên vật mất đi thì
A. Vật quay chậm dần rồi dừng lại.
B. Vật quay nhanh dần do quán tính.
C. Vật dừng lại ngay.
D. Vật quay đều với tốc độ góc ω = π rad/s.
Lời giải:
Đáp án: D
Khi bị mất momen lực thì không còn lực nào tác dụng vào vật nhưng vật vẫn còn momen quán tính nên vật sẽ quay đều với tốc độ góc ω = π rad/s.
Bài 66: Mức quán tính của một vật chuyển động quay quanh một trục cố định không phụ thuộc vào:
A. Tốc độ góc của vật .
B. Hình dạng của vật.
C. Kích thước của vật.
D. Khối lượng của vật và sự phân bố khối lượng của vật đối với trục quay.
Lời giải:
Đáp án: A
Mức quán tính của vật quay quanh một trục không phụ thuộc vào tốc độ góc của vật mà phụ thuộc vào khối lượng của vật và vào sự phân bố khối lượng đó đối với trục quay. Khối lượng càng lớn và được phân bố càng xa trục quay thì momen quán tính càng lớn và ngược lại.
Bài 67: Biểu thức hợp lực của hai lực song song cùng chiều là:
A.
B.
C.
D.
Lời giải:
Đáp án: B
Hợp lực là một lực song song, cùng chiều và có độ lớn bằng tổng các độ lớn của 2 lực. F = F1 + F2
- Giá của hợp lực chia trong khoảng cách giữa 2 điểm thành những đoạn tỉ lệ nghịch với độ lớn 2 lực. (chia trong)
Bài 68: Đoạn thẳng nào sau đây là cánh tay đòn của lực?
A. Khoảng cách từ trục quay đến giá của lực.
B. Khoảng cách từ trục quay đến điểm đặt của lực.
C. Khoảng cách từ vật đến giá của lực.
D. Khoảng cách từ trục quay đến vật .
Lời giải:
Đáp án: A
Momen lực đối với một trục quay là địa lượng đặc trưng cho tác dụng làm quay của lực và được đo bằng tích của lực với cánh tay đòn của nó. M = F.d
- Đơn vị là N.m
- Khoảng các d từ trục quay đến giá của lực gọi là cánh tay đòn của lực.
Bài 69: Khi chế tạo các bộ phận bánh đà, bánh ôtô.... người ta phải cho trục quay đi qua trọng tâm vì
A. chắc chắn, kiên cố.
B. làm cho trục quay ít bị biến dạng.
C. để làm cho chúng quay dễ dàng hơn.
D. để dừng chúng nhanh khi cần.
Lời giải:
Đáp án: B
Để hạn chế trục quay bị biến dạng do momen lực gây ra, khi chế tạo các bộ phận bánh đà, bánh ôtô.... người ta phải cho trục quay đi qua trọng tâm.
Bài 70: Xét một vật rắn đang ở trạng thái cân bằng. Đưa vật dời khỏi vị trí cân bằng một đoạn nhỏ rồi buông ra, nếu
A. Vật cân bằng ở bất kì vị trí nào mà ta di chuyển vật đến, vị trí cân bằng đó gọi là cân bằng không bền
B. Vật lập tức trở về vị trí cân bằng cũ thì vị trí cân bằng đó gọi là cân bằng phiếm định
C. Vật càng dời xa hơn vị trí cân bằng cũ thì vị trí cân bằng đó gọi là cân bằng không bền
D. Vật thiết lập một vị trí cân bằng mới, thì vị trí cân bằng đó gọi là cân bằng bền
Lời giải:
Đáp án: C
Khi vật rắn cân bằng, nó có thể ở một trong ba trạng thái cân bằng sau:
- Khi vật bị lệch ra khỏi vị trí cân bằng mà vật không thể tự trở về vị trí cân bằng ban đầu được thì cân bằng như vậy gọi là cân bằng không bền.
- Khi vật bị lệch ra khỏi vị trí cân bằng mà vật có thể tự trở về vị trí cân bằng ban đầu được thì cân bằng như vậy gọi là cân bằng bền.
- Khi vật bị lệch ra khỏi vị trí cân bằng, sau đó nó thiết lập ngay một vị trí cân bằng mới thì cân bằng như vậy gọi là cân bằng phiếm định.