Phân loại dữ liệu lớp 8 (bài tập + lời giải)
Haylamdo biên soạn và sưu tầm bài viết phương pháp giải bài tập Phân loại dữ liệu lớp 8 chương trình sách mới hay, chi tiết với bài tập tự luyện đa dạng giúp học sinh ôn tập, biết cách làm bài tập Phân loại dữ liệu.
Phân loại dữ liệu lớp 8 (bài tập + lời giải)
1. Phương pháp giải
Sơ đồ phân loại dữ liệu:
Để phân loại dữ liệu ta làm như sau:
Bước 1: Xem xét dữ liệu thu được có ở dạng số hay không.
- Nếu ở dạng số: đó là số liệu (dữ liệu định lượng),
- Nếu không ở dạng số: đó là dữ liệu không là số (dữ liệu định tính).
Bước 2:Xác định loại của số liệu/dữ liệu không là số.
- Với số liệu:
+ Nếu số liệu có thể nhận giá trị tùy ý trong một khoảng nào đó, đó là số liệu liên tục.
Ví dụ: số liệu thu được từ các phép đo như chiều cao, cân nặng, nhiệt độ,…
+ Nếu không phải loại trên, đó là số liệu rời rạc.
Ví dụ: số học sinh trong lớp học, số sản phẩm một công nhân làm được trong ngày (là số liệu đếm số phần tử của một tập nào đó),…
- Với dữ liệu không là số:
+ Nếu dữ liệu có thể sắp xếp theo thứ tự các mức độ, đó là dữ liệu không là số, có thể sắp thứ tự.
Ví dụ: Dữ liệu về đánh giá chất lượng dịch vụ theo các mức độ Rất tốt – Tốt – Trung bình – Tệ – Rất tệ.
+ Nếu dữ liệu không phải các mức độ để sắp xếp theo thứ tự, đó là dữ liệu không là số, không thể sắp thứ tự.
Ví dụ: Dữ liệu về tên các tỉnh của nước ta: Khánh Hòa, Lâm Đồng, Nghệ An, Long An,…
2. Ví dụ minh họa
Ví dụ 1. Dữ liệu thu được cho mỗi câu hỏi sau thuộc loại nào?
a) Cân nặng của bạn là bao nhiêu?
b) Số sản phẩm nhà máy sản xuất được trong tháng là bao nhiêu?
c) Vị kem yêu thích nhất của bạn là gì?
d) Bạn đánh giá đề thi học kì 1 như thế nào trong các mức độ sau: rất khó, khó, trung bình, dễ, rất dễ?
Hướng dẫn giải:
a) Số liệu liên tục.
b) Số liệu rời rạc.
c) Dữ liệu không là số, không thể sắp thứ tự.
d) Dữ liệu không là số, có thể sắp thứ tự.
Ví dụ 2. Trong các số liệu sau đây, số liệu nào là số liệu liên tục, số liệu nào là số liệu rời rạc?
(A) Số quyển sách các bạn trong nhóm đọc được trong tháng vừa qua: 1, 2, 0, 3.
(B) Nhiệt độ trung bình (°C) của các ngày trong tháng 5 năm 2023 tại một thành phố: 24,1; 24,3; 23,5;…; 25,7.
(C) Cân nặng của 5 bạn học sinh lớp 8A (đơn vị là kg): 38,5; 39; 42; 40,2; 37.
Hướng dẫn giải:
(A) là số liệu rời rạc.
(B) và (C) là số liệu liên tục.
3. Bài tập tự luyện
Bài 1. Cho các dữ liệu sau đây, dữ liệu nào là dữ liệu không là số?
A. Thời gian tự học ở nhà (đơn vị giờ) của các bạn trong lớp;
B. Lượng mưa trung bình (đơn vị mm) của các tháng trong năm 2022 tại Thành Phố Hồ Chí Minh;
C. Môn thể thao yêu thích nhất của các bạn lớp 8A;
D. Số học sinh nữ của mỗi lớp trong khối 8.
Bài 2. Cho các dữ liệu sau đây, dữ liệu nào là số liệu?
A. Các hãng điện thoại được bán ở cửa hàng A;
B. Các bộ phim đang chiếu ở rạp;
C. Một số địa điểm du lịch được yêu thích ở Hà Nội;
D. Diện tích của các tỉnh, thành phố trong cả nước (đơn vị km2).
Bài 3. Cho các dãy số liệu sau về 4 bạn Huy, Phương, Nhi và Hy, dãy số liệu nào là số liệu liên tục?
A. Thời gian (đơn vị giờ) để hoàn thành bài tập về nhà: 0,8; 1; 1,5; 2;
B. Số hoạt động tình nguyện đã tham gia: 0; 1; 1; 3;
C. Số thành viên trong gia đình: 4; 4; 3; 5;
D. Số chữ cái trong tên: 3; 6; 3; 2.
Bài 4. Dữ liệu nào sau đây là số liệu liên tục?
A. Dữ liệu về tên các loài động vật quý hiếm sống trong Vườn Quốc gia Cúc Phương;
B. Dữ liệu về số lượt đăng kí thi đấu các môn thể thao chào mừng năm học mới;
C. Dữ liệu về cân nặng của 100 con gà sau 2 tháng nuôi;
D. Dữ liệu về số người bị mắc Covid-19 trong gia đình của các bạn trong lớp.
Bài 5. Khẳng định nào sau đây là đúng?
A. Dữ liệu về tên các loài hoa trồng trong vườn là số liệu liên tục;
B. Dữ liệu về tên các quyển sách cô Nhu đã đọc là dữ liệu không là số, có thể sắp thứ tự;
C. Dữ liệu về sĩ số học sinh các lớp trong trường B là số liệu rời rạc;
D. Dữ liệu về tốc độ tăng trưởng của các huyện, thị xã của tỉnh năm 2022 là số liệu rời rạc.
Bài 6. Dữ liệu nào sau đây là số liệu rời rạc?
A. Dữ liệu về tên các cầu thủ yêu thích của 50 người tham gia khảo sát;
B. Dữ liệu về số trường mầm non ở các tỉnh Tây Nguyên năm 2023;
C. Dữ liệu về chiều cao của 50 cây đào được trồng trong vườn sau 4 tháng chăm sóc;
D. Dữ liệu về khối lượng của các hành tinh trong Hệ Mặt Trời.
Bài 7. Dữ liệu thu được về size áo bao gồm S, M, L của các nhân viên trong công ty là:
A. Số liệu rời rạc;
B. Số liệu liên tục;
C. Dữ liệu không là số, có thể sắp thứ tự;
D. Dữ liệu không là số, không thể sắp thứ tự.
Bài 8. Dãy dữ liệu về xếp hạng thế giới của bóng đá nữ Việt Nam là:
A. Số liệu rời rạc;
B. Số liệu liên tục;
C. Dữ liệu không là số, có thể sắp thứ tự;
D. Dữ liệu không là số, không thể sắp thứ tự.
Bài 9. Trước trận tứ kết World Cup 2022, một website điện tử đã khảo sát độc giả với câu hỏi “Theo bạn, đội bóng nào sẽ vô địch World Cup 2022?”. Dữ liệu mà website thu được là:
A. Số liệu rời rạc;
B. Số liệu liên tục;
C. Dữ liệu không là số, có thể sắp thứ tự;
D. Dữ liệu không là số, không thể sắp thứ tự.
Bài 10. Bạn Nhung ghi chép lại dân số Việt Nam (đơn vị triệu người) các năm 2019, 2020, 2021, 2022 lần lượt như sau: 96,21; 97,20; 78,28; 99,20. Hỏi số liệu của năm nào là giá trị không hợp lí?
A. Năm 2019;
B. Năm 2020;
C. Năm 2021;
D. Năm 2022.